Ngành thép Việt lo ngại nguy cơ Mỹ áp thuế cao

Đặng Hoa - 14:30, 06/03/2018

TheLEADERTheo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thông tin cho rằng 90% thép Việt Nam vận chuyển sang Hoa Kỳ được sản xuất tại Trung Quốc là không chính xác.

Ngành thép Việt lo ngại nguy cơ Mỹ áp thuế cao
Thép Việt bị đề xuất áp mức thuế nhập khẩu lên tới 53%

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua tuyên bố sẽ áp mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nội địa. Các văn bản về mức thuế nhập khẩu dự kiến 25% đối với thép và 10% đối với nhôm có thể được ký trong tuần này.

Trước đó vào giữa tháng 2, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã gửi báo cáo hối thúc Tổng thống Mỹ áp đặt mức thuế cao hoặc hạn ngạch đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đã đề xuất ba lựa chọn. 

Thứ nhất, áp dụng mức thuế 24% đối với tất cả sản phẩm thép và 7,7% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ. 

Thứ hai, áp mức thuế 53% đối với thép nhập khẩu từ 12 quốc gia cụ thể, trong đó có Việt Nam và mức thuế 23,6% đối với các đơn hàng nhập khẩu nhôm từ năm quốc gia trong đó có Việt Nam; đồng thời áp đặt hạn ngạch hạn chế với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác có xuất khẩu thép và nhôm đến Mỹ hồi năm ngoái. 

Biện pháp cuối cùng là cắt giảm thép nhập khẩu vào Mỹ theo tỷ lệ dựa trên mức nhập khẩu năm ngoái.

Như vậy, sản phẩm nhôm và thép của Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sắc lệnh này.

Trả lời phỏng vấn TheLEADER, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, việc Mỹ tuyên bố áp mức thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào nước này sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuất khẩu thép của toàn thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. 

Thép Việt sẽ phải gồng mình cạnh tranh nếu Mỹ tiếp tục áp thuế
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

Theo ông Sưa, khi thuế tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải nâng giá thành sản phẩm, từ đó rất khó để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ vào tuần trước, đại diện VSA cho biết đã cùng các doanh nghiệp thảo luận và có thư gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ hiện đang trong quá trình thu thập thông tin và sắp tới sẽ thông qua Chính phủ để có những ý kiến với Mỹ, yêu cầu dừng áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm của Việt Nam.

Theo ông Sưa, việc áp thuế không theo thông lệ của Mỹ, đặc biệt áp dụng Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962, là không phù hợp với nghị định chung của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

“Hiện chúng tôi vẫn chưa thể nói trước được điều gì về quyết định cuối cùng của Mỹ nhưng chúng ta cần phải tìm cách cố gắng đấu tranh và tận dụng các luật lệ quốc tế để yêu cầu phía Mỹ dừng áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm của Việt Nam; trong trường hợp cần thiết có thể kiện Mỹ ra WTO”, Phó chủ tịch VSA nhìn nhận.

Trong thời gian vừa qua, thép Việt cũng đã chịu không ít áp lực từ phía Mỹ, một thị trường xuất khẩu thép lớn của Việt Nam, chiếm tới hơn 11%.

Cụ thể, vào giữa tháng 1/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Bộ này khẳng định Việt Nam có lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với hai sản phẩm thép, cho rằng các sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc qua Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ.

Thông báo chính thức được dự kiến đưa ra vào ngày 16/2/2018; tuy nhiên Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã lùi thời điểm đưa ra quyết định chính thức sang tháng 6 năm nay.

Phó chủ tịch VSA cho biết động thái này diễn ra trong bối cảnh các sản phẩm thép của Trung Quốc giảm mạnh khi bị Mỹ áp 14 loại thuế chống bán phá giá và 10 loại thuế tự vệ trong hai năm 2016 và 2017; trong khi thép của Việt Nam xuất sang quốc gia này tăng lên nhanh chóng. Do đó, Mỹ nghi ngờ Việt Nam nhập thép Trung Quốc và sau đó xuất khẩu sang thị trường này.

Trong văn bản gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, VSA cho biết Việt Nam có nhập nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc khi chưa có nhà máy sản xuất thép cuộn cán nóng. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD với dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, Nhật Bản, tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể trong quá trình sản xuất chứ không phải chỉ chế biến qua loa để xuất khẩu sang Mỹ.

Trong vấn đề này, ông Sưa khẳng định Việt Nam dễ dàng giải quyết được vì từ năm nay đã có thể sản xuất đủ số lượng thép cuộn cán nóng để sản xuất các sản phẩm thép khác, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ 100% Việt Nam.

Đồng thời đại diện VSA cũng khẳng định thông tin cho rằng 90% thép Việt Nam vận chuyển sang Hoa Kỳ được sản xuất tại Trung Quốc là không chính xác.

Ông Sưa cho biết, Chính phủ Mỹ hiện vẫn đang tiếp tục điều tra nhưng Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu và tìm sâu hơn về luật lệ của Mỹ cũng như luật quốc tế để sẵn sàng ứng phó và thực hiện các biện pháp cần thiết.

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép nhìn nhận, hiện nay ngành thép Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 – 6,7% của Chính phủ, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản sẽ được triển khai trong năm nay. Chính những điều này sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng thép trong nước.

Tuy nhiên, ông Sưa cho rằng bên cạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước, các doanh nghiệp thép Việt cần phải vươn xa hơn và đứng vững trên thị trường quốc tế.

Để có thể làm được điều này, lãnh đạo Hiệp hội Thép khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam cần tìm hiểu thật kỹ thị trường xuất khẩu, phân nhỏ thị trường, tránh xuất khẩu tập trung đồng thời phải không ngừng nỗ lực nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng của sản phẩm.