Nhãn Việt Nam có thể được xuất khẩu sang Úc từ năm 2019

Quỳnh Chi - 13:48, 01/03/2018

TheLEADERVừa qua, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc tiếp tục vào Việt Nam để đánh giá về quy trình trồng nhãn và kiểm tra, đánh giá thực tế vùng trồng, sơ chế, đóng gói trái cây tại một số địa phương của Việt Nam.

Nhãn Việt Nam có thể được xuất khẩu sang Úc từ năm 2019
Nhãn tươi có khả năng được xuất khẩu sang Úc từ 2019. Ảnh báo Hưng Yên

Đoàn công tác của Úc đã đi thăm hai vùng trồng nhãn tại tỉnh Bến Tre và Hưng Yên và đánh giá có khả năng nhãn của Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Úc từ đầu năm 2019. Sau chuyến công tác, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc sẽ có báo cáo đánh giá và dự thảo các điều kiện nhập khẩu đối với mặt hàng này.

Đây là thông tin tốt cho ngành trái cây Việt Nam. Mặc dù Úc là một nước nông nghiệp nhưng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Úc là trái mùa nên có khả năng tiêu thụ với giá cao tại thị trường này.

Các trái cây khác như vú sữa, chôm chôm và chanh dây cũng sẽ là những nông sản ưu tiên của Việt Nam đến Úc trong thời gian tới.

Trước đó vào ngày 24/8/2017, Úc đã chính thức công bố cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam sau 9 năm đàm phán và làm thủ tục. Đáng chú ý, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long tươi vào Úc.

Hai mặt hàng hoa qua quả tươi khác là vải thiều và xoài cũng thâm nhập vào thị trường Úc năm 2015 và năm 2016. Quá trình đàm phán đối với mỗi một mặt hàng gặp khá nhiều khó khăn và mất thời gian, thường từ 5 - 10 năm, trong đó mất tới 12 năm để mở cửa thị trường Úc cho quả vải và 7 năm cho quả xoài Việt Nam.

Để được nhập khẩu vào Úc đòi hỏi trái cây nhập khẩu phải từ một nơi có quy hoạch vùng trồng, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà họ yêu cầu.

Để đáp ứng được điều này là cả một quy trình từ việc tổ chức tập huấn, dạy nghề, hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên thanh long.

Sau đó phải có các bước sản xuất theo quy trình sạch, xây dựng thương hiệu hàng hóa, tổ chức quản lý theo mô hình hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ, xem xét cả việc thu mua bảo quản.

Hiện nay, Úc là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do AANZFTA (có hiệu lực năm 2010), với mức thuế suất thuế nhập khẩu về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang Úc đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể. Hàng năm, Úc nhập khoảng 1,7 - 2 tỷ USD rau củ quả, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 20 triệu USD.