Nhiều cơ hội tỷ đô cho các doanh nghiệp khu vực GMS

Đặng Hoa - 14:49, 30/03/2018

TheLEADERCộng đồng doanh nghiệp các nước tiểu vùng Me Kong có nhiều cơ hội kinh doanh trong một thị trường rộng lớn với 340 triệu dân và dễ dàng kết nối với một khu vực gồm Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc với hơn 3,2 tỷ người.

Nhiều cơ hội tỷ đô cho các doanh nghiệp khu vực GMS
Bộ trưởng Nguyễn Crí Dũng. Ảnh: Zing.vn

Sáng ngày 30/3, Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp GMS đã được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, mở đầu cho chuỗi hoạt động trong trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6.

Đây là sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Me Kong mở rộng (GMS). Sự kiện thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thập kỷ gần đây, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc, các quốc gia phải gắn kết chặt chẽ để cùng phát triển. Trong bối cảnh đó, Chương trình hợp tác GMS đóng vai trò vô cùng quan trọng và ngày càng có ý nghĩa đối với sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia cũng như của toàn khu vực.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các thành viên GMS đang chứng kiến sự phát triển cũng như những động lực kinh tế mới đồng thời trao đổi về những cơ hội, thách thức và những nguồn lực cơ bản nhằm tận dụng thời cơ phát triển này.

Cộng đồng các quốc gia tiểu vùng sông Me Kong đang đứng trước những cơ hội phát triển hết sức khả quan, một thị trường lớn với hơn 340 triệu dân có nhiều sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, tập quán. 

Đây là thị trường hết sức tiềm năng với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, nguồn tài nguyên thiên nhiên nhiệt đới phong phú, nhiều thế mạnh về các sản phẩm nông sản. Vị trí chiến lược kết nối các khu vực Đông Nam Á - Đông Bắc Á - Nam Á, giữa các thị trường rộng lớn gồm Đông Nam Á hơn 500 triệu dân, Ấn Độ hơn 1,3 tỷ dân và Trung Quốc hơn 1,4 tỷ dân.

Các dự án phát triển hạ tầng giao thông khu vực cũng đã được tích cực xây dựng. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên GMS cũng đã liên kết khai thác bền vững nguồn năng lượng điện, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại và đầu tư trong nông nghiệp,...

“Với kết cấu chặt chẽ và hiệu quả, sự hợp tác trong GMS thực sự sẽ đóng vai trò ngày càng quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia trong khu vực. Trên những cơ sở đó, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tiềm năng và cơ hội tăng trưởng của khu vực trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng nhìn nhận những thách thức phải đối mặt trong quá trình phát triển. Sự hội nhập kinh tế sâu rộng của các quốc gia trên thế giới, các quốc gia thành viên GMS sẽ tạo áp lực lên cơ chế hợp tác chung của khối, đem đến những thách thức trực tiếp vào những cam kết và khả năng cân đối lợi ích.

Mặt khác, sự phát triển của những công nghệ mang tính nền tảng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực phải thực sự nhạy bén để tiếp cận, khai thác và đưa vào ứng dụng những thành tựu công nghệ mới.

Bên cạnh đó, chúng ta đang đứng trước thách thức lớn không tránh khỏi là những biến động về môi trường, khí hậu, nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguồn nhân lực con người, yếu tố quan trọng nhất của tăng trưởng vẫn còn gặp nhiều vấn đề, trong đó có giáo dục, thể trạng, y tế, là những yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn lực này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với những thách thức như vậy, các thành viên GMS phải hết sức quyết tâm và nỗ lực để cùng nhau khắc phục, khai thác những lợi thế phát triển để bù đắp cho những hạn chế còn tồn tại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cộng đồng GMS chính là việcc tạo ra các giá trị mới để đóng góp cho tăng trưởng không chỉ của một quốc gia, mà còn cả các quốc gia trong khu vực.

“Doanh nghiệp GMS cần tiếp tục hợp tác, gắn kết với nhau, giữa các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ để tận dụng được các cơ hội hiện có, bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển, tạo ra nhóm các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, từng bước tham gia thị trường và các chuỗi giá trị toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.

Với vai trò là đại diện cơ quan của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sự ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ Việt Nam nói riêng và Chính phủ các quốc gia GMS nói chung đối với cộng đồng doanh nghiệp GMS và với các chương trình, hoạt động sắp triển khai của Hội đồng kinh doanh GMS giai đoạn tới.