Thủ tướng nói về 3 khu vực kinh tế: Nhà nước, tư nhân và FDI

Minh An - 21:01, 18/11/2017

TheLEADERChiều 18/11, Quốc hội dành trọn phiên làm việc để chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng nói về 3 khu vực kinh tế: Nhà nước, tư nhân và FDI
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Văn Bình - Cổng TTĐT Quốc hội

Các Đại biểu đã đặt câu hỏi trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế tự chủ, hiệp định TPP không có Mỹ, các vấn đề xung quanh hình thức đầu tư BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp FDI…đến công tác phòng chống tham nhũng…

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được kế hoạch

Theo Thủ tướng còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chưa chủ động. Một số doanh nghiệp chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm cổ phần hóa, thoái vốn. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cổ phần hóa quy mô lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài. Ngoài ra quy mô thị trường còn nhỏ, hấp thụ vốn còn hạn chế.

Thủ tướng nhắc thành công của lại đợt chào bán 3,33% cổ phần Vinamilk mới đây đã thu về 9.000 tỷ đồng và khẳng định phải tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đề án, lộ trình thoái vốn.

Đặc biệt, không nắm giữ cổ phần chi phối những doanh nghiệp nhà nước ở lĩnh vực không cần thiết. Đồng thời xử lý nghiêm sai phạm, lợi ích nhóm, thất thoát vốn nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

Theo Thủ tướng, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tạo chuyển biến rõ nét về quản trị, niêm yết trên thị trường chứng khoán là những việc làm cần thiết.

“Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải chỉ là thu hút vốn, nguồn lực mà còn góp phần chống tham nhũng, tiêu cực vì cổ đông càng nhiều thì giám sát càng cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần phát triển mạnh mẽ trên cơ sở tái cơ cấu lại FDI

Thủ tướng khẳng định rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, giải quyết lao động, chuyển giao công nghệ và quản lý, đặc biệt góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước.

Riêng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng xuất khẩu kim ngạch của đất nước, giải quyết 3 triệu việc làm. Trong một số mô hình quản lý cũng rất tốt, và bước đầu đã kết hợp doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.

“Rất nhiều tấm gương tốt ở FDI đã phát triển ở Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh và dẫn các ví dụ ở các tập đoàn Intel, Teakwang và Texhong.

“Chúng ta không nói một chiều rằng FDI không hay mà chính FDI đã đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam và đây là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ còn một số tồn tại bất cập phải xử lý. Đó là công nghệ còn ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá và trốn thuế, vi phạm môi trường trong một số doanh nghiệp FDI. “Quan điểm của chúng ta là phải xử lý nghiêm”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, cần phát triển mạnh mẽ FDI trên cơ sở tái cơ cấu FDI trên tinh thần cần cái gì thì kêu gọi đầu tư, không phải kêu gọi đầu tư mọi thứ và không phải đầu tư bằng bất cứ giá nào.

Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương cần triển khai mạnh mẽ hơn việc kết hợp giữa FDI và đầu tư trong nước. Hai chủ thể phải cùng phát triển, cùng có lợi.

Đặc biệt, việc tạo dựng môi trường đầu tư và nguồn nhân lực thật tốt của Việt Nam cũng chính là môi trường quan trọng để thu hút FDI.

Đề nghị doanh nghiệp tư nhân phải nói không với hối lộ

Trước câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về kinh tế tư nhân, Thủ tướng khẳng định, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, công khai minh bạch, bình đẳng tiếp cận nguồn lực, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, bảo vệ nhà đầu tư chính đáng… rất cần thiết để kinh tế tư nhân phát triển.

Cùng với đó, cần hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí, lệ phí (đặc biệt chi phí không chính thức), tránh kiểm tra chồng chéo...

"Tôi đề nghị các doanh nghiệp tư nhân nói không với việc đưa hối lộ cho các cấp, các ngành”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải pháp tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu Chính phủ và các cấp chính quyền cần tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển, cụ thể như cho tư nhân tham gia cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, hợp tác liên kết...

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng cần chuyển những hộ kinh doanh cá thể khoảng 3,5- 4 triệu hộ thành doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa.

Theo Thủ tướng, doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển bền vững phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, nâng cao năng lực quản trị để làm sao không lâm vào cảnh sớm rời thị trường.

"Chính phủ đã có chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng", Thủ tướng nói.