Tranh chấp thương mại: Doanh nghiệp FDI có xu hướng chọn trọng tài thay vì tòa án

Quỳnh Chi - 15:05, 11/05/2018

TheLEADERCó tới 40% các doanh nghiệp FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.

Tranh chấp thương mại: Doanh nghiệp FDI có xu hướng chọn trọng tài thay vì tòa án
Ông Vũ Ánh Dương - phó chủ tịch thường trực VIAC.

Việt Nam hiện nay được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong khu vực và thế giới. Một trong những động lực lớn đóng góp vào sự tăng trưởng đó là hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể là nhóm doanh nghiệp FDI. 

FDI được đánh giá là một bộ phận cấu thành quan trọng và là động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam.

Tính đến tháng 12/2017, Việt Nam có khoảng 24.700 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 318,72 tỷ USD, vốn FDI chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. 

Ông Phạm Mạnh Dũng, trọng tài viên VIAC nhìn nhận, FDI là nhân tố quan trọng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo cơ chế thị trường và dần phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy vậy, ông Vũ Ánh Dương, Phó chủ tịch thường trực VIAC đánh giá, các dòng vốn đầu tư nước ngoài, dòng chảy thương mại xuyên biên giới rất nhạy cảm và luôn chuyển dịch phụ thuộc vào các yếu tố tại điểm đến đầu tư.

Tại Hội thảo "Trọng tài thương mại - tăng thêm tự tin cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài", ông Kevin Kim, Phó chủ tịch tòa trọng tài Phòng Thương mại quốc tế (ICC) khẳng định, Việt Nam là quốc gia năng động và có môi trường đầu tư an toàn, điều này đảm bảo cho các hoạt động đầu tư thành công.

Dù vậy, có một vấn đề được lãnh đạo VIAC chỉ ra là theo thống kê, các tranh chấp nội địa được giải quyết tại tổ chức này phần lớn luôn có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp FDI và trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ tranh chấp nội địa luôn có xu hướng gia tăng.

Như vậy, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp FDI bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, an tâm bỏ vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. 

Chọn trọng tài thương mại có xu hướng tăng lên

Theo lãnh đạo VIAC, tỷ lệ các doanh nghiệp FDI tìm đến phương án giải quyết bằng trọng tài thay cho tòa án ngày càng có xu hướng tăng lên.

Ông Nicolas Wiegand, luật sư điều hành CMS Hasche Sigle Hồng Kông cho biết, thủ tục tòa án không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng có nhiều điểm không phù hợp với yêu cầu của các tranh chấp thương mại.

Dẫn chứng trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2017) phân tích về xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp của nhóm doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho thấy, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp FDI không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tóa án để giải quyết tranh chấp như năng lực cán bộ tòa chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp, các phán quyết của tòa chưa công bằng, thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp

Ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký VIAC cho biết, có tới 40% các doanh nghiệp FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.

Theo thống kê, khoảng 24% số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp FDI. Trong số các tranh chấp này 32% thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa, 24% thuộc lĩnh vực xây dựng, 20% thuộc lĩnh vực leasing. Tỷ lệ các vụ trọng tài tiến hành bằng ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh) tại VIAC luôn ở mức trên 50%.

Do đó, các luật sư và các chuyên gia nhận định, trọng tài thương mại quốc tế là một cơ chế giải quyết tranh chấp nhất định phải có trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở một quốc gia đang phát triển và hội nhập sâu rộng như Việt Nam. 

Các chuyên gia cho biết trọng tài, bao gồm trọng tài thương mại và trọng tài đầu tư, có thể giải quyết tất cả các tranh chấp phát sinh trong hoạt động đầu tư. Trọng tài tôn trọng ý chí thoả thuận của các bên, thủ tục nhanh chóng linh hoạt bảo mật thông tin, cơ quan trọng tài trung lập, chuyên môn trọng tài cao. 

“Trọng tài thương mại ở Việt Nam có ưu điểm lớn là có thể được thi hành trực tiếp tại cơ quan thi hành án Việt Nam mà không phải trải qua thủ tục công nhận thi hành như quy định tại Công ước NewYork 1958”, ông Phạm Mạnh Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó nhều chuyên gia cũng cho biết, cơ chế và hệ thống giải quyết tại các cơ quan trọng tài ở Việt Nam tương đối ngắn gọn so với các tổ chức trọng tài nổi tiếng trên thế giới khác, ví dụ trong quy trình giải quyết chỉ có 1 phiên tranh tụng ngắn gọn; đồng thời cũng đã được phát triển và cải thiện trong thời gian qua, trở thành công cụ hữu hiệu cho nhà đầu tư.

Nếu trước đây tiến hành xét xử trọng tài thông thường phải mất tới 326, tại Ấn Độ quá trình này phải mất 569 ngày thì ở VIAC chỉ cần chưa đến 200 ngày và rút gọn còn chưa đến trên 100 ngày.

Ba thách thức lớn trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Thách thức thứ nhất được ông Fan Mingchao, Giám đốc khu vực Bắc Á về trọng tài và ADR chỉ ra là tính hiệu quả; bởi lẽ các vụ tranh chấp ngày một lớn hớn và phức tạp hơn dẫn tới thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài hơn khiến tính hiệu quả bị giảm xuống. 

Thứ hai là thách thức liên quan đến vấn đề bảo mật và minh bạch của thủ tục trọng tài. 

"Bảo mật là đặc điểm cốt lõi của trọng tài quốc tế nhưng yêu cầu về sự minh bạch cũng ngày cũng ngày càng được đặt cao hơn; để giải quyết vấn đề này chúng tôi đã phê duyệt và tham gia vào bộ nguyên tắc minh bạch của Liên hợp quốc", ông Fan Mingchao cho biết. 

Một thách thức nữa theo ông Fan Mingchao là vấn đề xung đột lợi ích khi trọng tài là một cộng đồng tương đối nhỏ hẹp trên thế giới và việc kiểm soát các mối liên hệ các mối trọng tài viên với các bên tranh chấp và với các luật sư luôn gặp nhiều khó khăn. Với những trung tâm trọng tài có danh sách trọng tài viên thì vấn đề này lại càng khó khăn hơn.

Để kiểm soát chất lượng phán quyết trọng tài, ông Fan Mingchao cho rằng cần xây dựng một thủ tục trọng tài minh bạch với việc rà soát các con số tính toán, tiền lãi, phân bổ chi phí, tính có thể thi hành của phán quyết, các quyết định của hội đồng trọng tài và quá trình tố tụng trọng tài.

Ngoài ra, có thể áp dụng các mức phạt khấu trừ vào thù lao hội đồng trọng tài đối với các hội đồng trọng tài vi phạm thời hạn viết phán quyết trọng tài và khoản tiền này sẽ được chuyển lại cho các bên như ICC đang thực hiện.