Ủy ban Pháp luật Quốc hội: Không có cơ sở thẩm tra các Đề án thành lập đặc khu kinh tế

Minh Anh - 18:24, 10/11/2017

TheLEADERCăn cứ vào kết quả chuẩn bị và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nếu hồ sơ chuẩn bị đầy đủ, đúng tiến độ, chất lượng tốt, có sự đồng thuận cao thì có thể trình Quốc hội quyết định việc thông qua các đề án, nghị quyết và dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật Quốc hội: Không có cơ sở thẩm tra các Đề án thành lập đặc khu kinh tế
Một góc đảo Phú Quốc.

Uỷ ban Pháp luật Quốc hội vừa có Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (sau đây gọi tắt là đặc khu kinh tế). Theo đó, về thời gian trình thông qua các đề án thành lập đặc khu kinh tế và quy trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua dự án luật, Quốc hội sẽ cho ý kiến và sẽ tiếp thu hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (đồng thời với dự án Luật) theo quy trình thông qua tại một kỳ họp.

Uỷ ban Pháp luật Quốc hội cho biết, các đề án về 3 đặc khu kinh tế mới chỉ là dự thảo do các địa phương chuẩn bị, chưa được Chính phủ thông qua. Theo quy định tại Điều 76 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ phải xây dựng đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trình Quốc hội; đề án phải lấy ý kiến nhân dân địa phương, được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. 

Tuy nhiên, Chính phủ mới tập trung hoàn thành thủ tục trình dự án Luật, còn các bước nêu trên chưa hoàn thành, do đó, Uỷ ban Pháp luật không có cơ sở để thẩm tra, báo cáo Quốc hội về các đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Đây là một dự án Luật lớn, nội dung phức tạp, Uỷ ban Pháp luật Quốc hội cho biết. Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ trong việc xem xét, thông qua dự án Luật và thành lập các đặc khu kinh tế, ngoài việc hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Luật, xây dựng và trình Quốc hội các đề án thành lập như đã nêu, còn phải xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trong các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện có liên quan, thành lập Tòa án, Viện kiểm sát tại đặc khu kinh tế… 

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tích cực hơn nữa trong việc chuẩn bị các phương án chuyển tiếp về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người lao động cả ở cấp huyện và cấp xã tương xứng với phương án tổ chức chính quyền, bảo đảm ổn định đời sống của người dân.

Với khối lượng công việc lớn và tính chất phức tạp như trên, Uỷ ban Pháp luật Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thành các công việc nhằm bảo đảm tiến độ xem xét, thông qua dự án Luật và các đề án liên quan như dự kiến. 

Căn cứ vào kết quả chuẩn bị và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nếu hồ sơ chuẩn bị đầy đủ, đúng tiến độ, chất lượng tốt, có sự đồng thuận cao thì có thể trình Quốc hội quyết định việc thông qua các đề án, nghị quyết và dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.