Việt Nam ứng phó thế nào khi tranh chấp thương mại trong CPTPP sẽ gia tăng?

Hoàng Linh - 08:15, 28/03/2018

TheLEADERTheo TS. Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, năng lực xử lý tranh chấp thương mại của một số cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam hiện còn rất hạn chế cần được khắc phục ngay trong quá trình thực thi CPTPP.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ngày 9/3 vừa qua được đánh giá sẽ giúp Việt Nam tự do hóa thương mại nhiều hơn thông qua tăng cường tiếp cận thị trường, tăng xuất khẩu cũng như hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, CPTPP cũng sẽ thúc đẩy quá trình minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam, tạo ra cơ hội lớn để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế uy tín cho rằng, hiệp định này vẫn ẩn chứa nhiều thách thức tiềm ẩn mà Việt Nam cần giải quyết để có thể tận dụng một cách triệt để những cơ hội mới. 

TheLEADER đã có buổi trò chuyện với TS. Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về những rào cản doanh nghiệp phải vượt qua nhằm tận dụng tốt CPTPP.

Việt Nam ứng phó thế nào khi tranh chấp thương mại trong CPTPP sẽ gia tăng?
TS. Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực đạt được kết quả như hiện nay của các quốc gia còn lại trong TPP 11?

TS. Phạm Minh Đức: Việc Mỹ từ bỏ Hiệp định TPP đã tạo ra một cú sốc lớn không chỉ với cộng đồng các quốc gia tham gia TPP mà gần như thế giới cũng lấy làm ngạc nhiên, bởi đây cũng là nỗ lực cố gắng của chính nước Mỹ.

Các quốc gia của CPTPP mất một thời gian khá lâu mới có thể suy nghĩ và định hướng được chiến lược cũng như cách thức để có thể ký kết một hiệp định CPTPP như hiện nay. Sự nỗ lực lớn phải kể đến Nhật, Úc, Canada và một số quốc gia khác kể cả Việt Nam.

Ngoài những thuận lợi, cơ hội mới, ông đánh giá như thế nào về những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong khuôn khổ CPTPP?

TS. Phạm Minh Đức: Theo tôi trong quá trình thực thi CPTPP có những thách thức, khó khăn rất lớn. 

Một hiệp định toàn diện với các đối tác phát triển đặt ra những tiêu chuẩn thực hiện rất cao. Để có khả năng tiếp cận với các thị trường, quan trọng hơn là có thể hiện đại hóa được nền quản trị nhà nước và quản trị doanh nghiệp cũng như thích ứng là điều rất khó. Doanh nghiệp cần phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình thực thi hiệp định này.

Để tiếp cận được thị trường và tận dụng được những lợi ích từ thuế suất 0%, doanh nghiệp Việt Nam phải có cách thức về sản xuất và xuất khẩu tốt, phải tuân thủ quy định cũng như phải có chất lượng đảm bảo.

Không chỉ vậy, CPTPP còn có các yêu cầu về tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất.

Rõ ràng mức độ cạnh tranh lại tăng lên chứ không hề giảm đi dù điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn nhiều.

Theo ông, có những thách thức nào đang cản trở doanh nghiệp tận dụng được nguyên tắc xuất xứ để hưởng lợi ích từ mức thuế 0%?

TS. Phạm Minh Đức: Theo tôi, bản thân doanh nghiệp là một phần nhưng vai trò của Chính phủ cũng rất quan trọng bởi quy tắc xuất xứ quy định phải có sản xuất theo chuỗi cung ứng đạt đến một mức độ mới được công nhận là xuất xứ tại Việt Nam, từ đó mới được hưởng 0%.

Nguyên tắc này là thách thức cho doanh nghiệp bởi nếu doanh nghiệp thực sự đạt được thì tầm nhìn của doanh nghiệp phải tạo ra chuỗi cung ứng đủ lớn. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, khó có khả năng nhìn nhận, bao quát thị trường hoặc phải liên kết được các doanh nghiệp FDI hoặc các doanh nghiệp lớn.

Doanh nghiệp phải làm thế nào đó để tự phát triển, tự marketing, tự liên kết theo chuỗi cho tốt để đạt được chuẩn về xuất xứ hàng hóa.

Về phía các nhà hoạch định chính sách, thách thức chính là việc làm sao tạo ra điều kiện kết nối được các doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp FDI nhằm có được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn ở Việt Nam.

Theo ông, vấn đề tranh chấp thương mại, sở hữu bản quyền sẽ tạo ra rào cản như thế nào trong CPTPP?

TS. Phạm Minh Đức: Đây là thách thức mang tính chất thực thi. Thông thường, chúng ta đánh giá CPTPP hoặc các hiệp định thương mại tự do khác mang lại lợi ích như tăng FDI, từ đó sẽ kéo theo tăng xuất khẩu, hàm lượng công nghệ trong xuất khẩu hoặc tăng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ.

Cái vướng ở đây là khi số lượng tăng lên, những tranh chấp trong kinh doanh, trong sở hữu và các vấn đề đầu tư sẽ xuất hiện giữa nhà đầu tư với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong khi đó, năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay trong việc xử lý các tranh chấp này là hạn chế và đây cũng năng lực rất thiếu của Việt Nam. Do đó, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước là việc cần phải làm ngay càng nhanh càng tốt.

Muốn thực hiện được CPTPP thì phải có một lộ trình thực thi và lộ trình này phải dựa trên một đánh giá về pháp lý rất cẩn thận, như những văn bản pháp lý nào cần phải sửa, sửa trong thời hạn nào để phù hợp với việc tuân thủ những quy định của CPTPP.

Theo tôi, các cơ quan Chính phủ nên sớm xúc tiến để có những đánh giá pháp lý cũng như kế hoạch và lộ trình thực hiện tốt. 

Xin cám ơn ông!