'Chỗ dựa' để Vingroup đầu tư sản xuất ô tô thương hiệu VINFAST
Kế hoạch VINFAST 3,5 tỷ USD đối với Vingroup là một cuộc chơi rất cam go nhưng sẽ là bản lề.
Với góc nhìn quản trị kinh doanh, doanh nhân Đỗ Hòa cho rằng, nên nhận xét VINFAST như một dự án kinh doanh, với các nội dung nhằm quyết định khả năng thành bại của một dự án.
Về dự án đầu tư sản xuất xe hơi VINFAST của Vingroup, chuyên gia về quản trị Đỗ Hòa cho rằng, trước hết, nếu dùng các chỉ tiêu, công cụ đánh giá dành cho doanh nghiệp đã đi vào hoạt động để đánh giá cho một dự án đang trong giai đoạn phôi thai thì e là không ổn. Đơn giản là vì mọi thứ lúc này chỉ là một xấp giấy, một bãi đất trống và một vài nhân sự chủ chốt.
"Thay vào đó, với dự án VINFAST thì chúng ta chỉ có thể nhận xét về chất lượng và triển vọng khả thi của một dự án: Dự án sản xuất và kinh doanh ô tô. Những yếu tố liên quan đến hoạt động vận hành và hiệu quả kinh tế của một doanh nghiệp như sản xuất, R&D, quản lý, marketing, sales... thì phải chờ đến khi nó ra hình ra dáng gì rồi thì mới nhận xét được. Nhận xét lúc này là hoàn toàn không có cơ sở", ông Hòa nhấn mạnh
Với góc nhìn quản trị kinh doanh, doanh nhân Đỗ Hòa cho rằng, nên nhận xét VINFAST như một dự án kinh doanh, với các nội dung nhằm quyết định khả năng thành bại của một dự án như sau:
Về ý tưởng kinh doanh
Ý tưởng kinh doanh của VINFAST không tồi chút nào. Bởi ý tưởng này đón đúng điểm rơi quyết tâm chính trị của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp ô tô là cao nhất. Nếu không có dự án này, của một doanh nghiệp nội địa, thì xem như chiến lược phát triển ô tô của nhà nước lần 2 (revised năm 2014) coi như chắc chắn phá sản.
Sau khi thuế hạ vào 2018 rồi thì chẳng còn doanh nghiệp nước ngoài nào muốn đầu tư sản xuất nữa cả. Do vậy, VINFAST sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa của Nhà nước với các chính sách ưu đãi rất thuận lợi.
Điểm thứ hai là, VINFAST xác định ngay từ đầu sẽ ưu tiên phát triển xe điện (xe máy và ô tô), đây là một điểm rất quan trọng. Thứ nhất, xe điện (xe máy và ô tô) đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ thị trường, nên là một thị trường đầy tiềm năng, và cơ hội cho người chơi mới là có. Không như thị trường xe máy truyền thống vốn đang ở giai đoạn bão hòa, một vài nơi đã chuyển qua giai đoạn thoái trào, khi chính phủ đã đặt ra mốc ngưng hoạt động xe động cơ đốt trong.
Thứ hai là do xác định sản xuất xe điện ngay từ đầu, một công nghệ còn khá mới đối với Đông Nam Á. Chính nhờ vào điều này mà các doanh nghiệp ô tô trong khu vực không thể phát huy lợi thế cạnh tranh để đè bẹp VINFAST ngay từ đầu.
Đây cũng là lý do vì sao mà VINFAST đặt ra mục tiêu tiếp cận thì trường sớm, sau 2 - 3 năm. Bởi nếu chậm hơn, thì các cơ sở sản xuất xe hơi truyền thống trong khu vực đã có thể chuyển sang sản xuất ô tô điện, thì áp lực cạnh tranh lúc ấy sẽ rất cao.
Về chiến lược của VINFAST
Về thị trường thì không nghi ngờ gì, nếu so với thế giới thì Việt Nam còn rất nhiều room cho thị trường phương tiện cá nhân. Hiện tại tỷ lệ sở hữu xe trên 1.000 dân của Việt Nam là 23, trong khi Thái Lan là 203. Nếu được sự hỗ trợ bởi chính sách nhất quán của Nhà nước (cơ sở hạ tầng, phí sử dụng...), thì tiềm năng thị trường là rất lớn cho VINFAST.
Còn về chiến lược, ông Hòa cho rằng, do chúng ta không có được bản chiến lược của Vingroup mà chỉ có những thông tin phân mảnh, rời rạc không chính thức qua báo chí, nên rất khó để mà có thể nhận xét đúng về chiến lược của VINFAST vào giai đoạn này.
Thực tế là đã có nhiều trường hợp, doanh nghiệp chủ động tung tin không chính xác để đánh lừa đối thủ cạnh tranh và tác động lên cảm nhận của người tiêu dùng. Là người ngoài cuộc, chúng ta chỉ có thể đánh giá chiến lược của một doanh nghiệp qua các động thái của họ sau khi họ triển khai thực hiện chiến lược.
Thông điệp mà thị trường đọc được qua báo chí lúc này là "chất lượng châu Âu, giá Việt Nam", với sự tham gia của những tên tuổi hàng đầu châu Âu, Ý.
"Nhưng như vậy liệu có mâu thuẫn? Liệu đây có phải là thông tin trích từ chiến lược thật hay chỉ là thông tin PR, để rồi sau đó họ âm thầm nhập linh kiện từ Trung Quốc sát bên cho rẻ? Tóm lại, theo tôi thì chiến lược chưa rõ, không đánh giá được. Còn nếu theo thông tin trên báo chí thì hơi có phần mâu thuẫn", ông Hòa đặt câu hỏi.
Kế hoạch kinh doanh
Theo ông Hòa, kế hoạch kinh doanh cũng là một bí mật của doanh nghiệp, kể cả bản business plan mà họ trình Chính phủ và các ngân hàng thì cũng chưa chắc là bản thật. Bởi bản trình để xin đất, xin miễn thuế, xin hỗ trợ, xin vay vốn ... họ có thể bơm các con số lên cao hơn thực tế. Việc này thì không có gì lạ. Ngay các doanh nghiệp ô tô nước ngoài cũng đã làm vậy khi xin giấy phép đầu tư.
"Họ 'hứa trăng, hứa cuội' với Nhà nước để được hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất, được thuê đất với giá cực bèo... và khi được cấp phép xong rồi thì họ giở ngăn kéo lấy bản business plan thật ra để thực thi".
Nên cũng khó mà nói được rằng liệu "doanh thu VINFAST có sẽ bằng cả TP. Hải Phòng" thật hay không? Suất đầu tư bao nhiêu? Chi phí và giá thành sản phẩm như thế nào? Khi nào thì đạt điểm hòa vốn? Sau 5 năm thì lãi lỗ như thế nào?...
Nguồn lực tài chính
Về nguồn lực tài chính cho dự án, với những ưu đãi mà báo chí đăng như vậy, thì Vingroup hoàn toàn không khó trong việc xoay vốn cho dự án này. Bản thân Vingroup cũng đã là một tập đoàn mạnh về tài chính.
Năng lực quản lý dự án
Ông Hòa cho rằng đây cũng là một điểm quan trọng quyết định sự thành bại. Ngay giai đoạn này thì năng lực quản lý dự án xây dựng nhà máy là vô cùng quan trọng. Bởi nó không chỉ quyết định chất lượng sản phẩm, mà còn chi phí sản xuất và toàn bộ giá thành sản phẩm sau này.
Một công nghệ kém, một dây chuyền bất hợp lý hay thiết bị không phù hợp... sẽ tác động lên toàn bộ vòng đời hoạt động của dự án này, cho đến khi mà ai đó chịu bỏ tiền ra để cải tạo nâng cấp nó.
Việc Vingroup không điều một ông giỏi bán lẻ thân tín sang phụ trách dự án, mà mời hẳn một chuyên gia kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm xây dựng nhà máy cơ khí về giúp mình đã cho thấy tầm nhìn của tập đoàn này cho dự án.
Tuy nhiên, năng lực quản lý trong giai đoạn dự án thì khác với năng lực quản lý trong giai đoạn kinh doanh. Chúng ta còn chờ xem nhân sự phụ trách kinh doanh là ai nữa rồi mới nhận xét được về triển vọng hiệu quả của dự án này.
Rủi ro
Cuối cùng nói đến một phương án kinh doanh thì phải nói đến mặt rủi ro của nó. Cũng như bất kỳ dự án kinh doanh nào, cho dù được tính toán chặt chẽ đến đâu, rủi ro chỉ có thể được giảm thiểu chứ không thể loại bỏ hoàn toàn được.
Với dự án VINFAST thì với những thông tin ít ỏi trên báo chí, tôi nhìn thấy một số rủi ro như sau:
Thứ nhất, "Chất lượng châu Âu, giá Việt Nam" là yếu tố rủi ro đầu tiên. Tôi cho rằng đây là một mục tiêu quá thách thức. Bởi chúng ta biết xe hơi được cấu thành bởi khoảng 30.000 cấu thành, được cung cấp bởi nhiều nhà máy khác nhau trên khắp thế giới. Trong đó linh kiện thiết bị Châu Âu là đắt nhất, vậy thì làm sao để có "chất lượng châu Âu, giá Việt Nam" được?
Nói về mặt tự sản xuất, do xe điện là một công nghệ mới, nên giai đoạn đầu khi chưa có sản phẩm R&D thì Vinfast sẽ phải chi khá nhiều tiền để mua license nếu muốn sản xuất theo mẫu của các công ty khác, và đó là nếu người ta chịu bán license cho mình.
Nếu đạt "chất lượng Châu Âu" thì giá phải cao, tức là sẽ trở thành "hàng Việt, giá châu Âu". Và như vậy thì có phải rủi ro không? Bao nhiêu người Việt chịu mua hàng Việt với giá châu Âu?
Còn nếu để giảm giá thành, VINFAST phải nhập nhiều linh kiện, thiết bị Trung Quốc, tức là sẽ trở thành "thương hiệu Việt, ruột Trung Quốc"? Chuyện người dân Việt dị ứng với "made in China" không còn phải là chuyện lạ?
Thứ hai, rủi ro về tay nghề của nhân lực: Trừ khi VINFAST "bắt" người của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô khác, họ sẽ không dễ để vừa đào tạo vừa sản xuất để cho ra sản phẩm sau 2 - 3 năm. Các hãng ô tô nước ngoài đã mất nhiều năm, kể cả đưa ra nước ngoài huấn luyện thì mới có được đội ngủ thợ lành nghề như hôm nay.
Vấn đề của VINFAST sẽ còn phức tạp hơn thế, bởi ô tô điện là một công nghệ mới. Không dễ tìm ra chỗ chịu dạy những công nghệ mới như này. Chỉ các nhà cung cấp linh kiện mới chịu dạy cho thôi, nhưng họ chỉ dạy về linh kiện của họ, còn tổng thể chiếc xe thì ai dạy? Tesla?
Thứ ba, rủi ro cạnh tranh: Nếu các nước có nền công nghiệp ô tô mạnh trong khu vực cũng nhanh chóng bắt tay vào chạy đua sản xuất ô tô điện và tiến độ của dự án VINFAST bị chậm lại vài năm, thì VINFAST sẽ bị rủi ro lỡ nhịp thị trường. Lúc đó sản phẩm xe điện của Thái, Malaysia, Indonesia hoặc Campuchia đã vào thị trường Việt Nam.
Thứ tư, rủi ro mang tính chiến lược: Tôi cho rằng đưa sản phẩm ô tô điện ra thị trường khoảng 3 - 5 năm, thì VINFAST sẽ phải đối diện với áp lực cạnh tranh mới, áp lực đến từ ô tô điện với công nghệ tự động. Đây là một rủi ro, một thách thức lớn, bởi nó là công nghệ động cơ điện kết hợp với tự động hóa mà công nghệ thông tin đóng vai trò quyết định.
Và riêng về tự động hóa kết hợp với CNTT thì khoảng cách năng lực giữa Việt Nam và các nước trong khu vực là có và là khá lớn. Nếu không vượt qua được thách thức này thì tuổi đời của VINFAST e là không dài.
Cuối cùng, ngay cả khi nếu VINFAST không thành công như mong đợi, và chỉ là một nhà máy chủ yếu làm xe máy chạy điện, thì Vingroup có lẽ cũng không mất gì nhiều khi chuyển công năng phần đất được giao.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Đỗ Hòa, CEO Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị
Kế hoạch VINFAST 3,5 tỷ USD đối với Vingroup là một cuộc chơi rất cam go nhưng sẽ là bản lề.
Một khoản vay 300 triệu USD đã được Credit Suisse AG thu xếp vào năm 2016.
Vingroup và THACO đang ngược dòng so với các doanh nghiệp lắp ráp ô tô nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Giới kinh doanh toàn cầu đang dành sự quan tâm đặc biệt tới giấc mơ sản xuất chiếc xe ô tô "made in Vietnam" của Tập đoàn Vingroup.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.