3 nút thắt tại những dự án giao thông tỷ đô

Nguyễn Cảnh - 17:27, 29/04/2023

TheLEADERGiải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thủ tục điều chỉnh chủ trương... đang là những khó khăn căn bản của các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.

3 nút thắt tại những dự án giao thông tỷ đô
Nhiều dự án giao thông vẫn gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng (ảnh minh họa)

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là điểm nghẽn của các dự án trọng điểm ngành giao thông. Mặt bằng bàn giao còn chưa liên tục, vẫn vướng một số vị trí tiếp cận, ảnh hưởng đến thi công.

Với các dự án khởi công trước ngày 30/6/2023, công tác GPMB đang được tích cực triển khai, tuy nhiên nếu không đẩy nhanh việc phê duyệt phương án đền bù, xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ không đáp ứng tiến độ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết.

Khó khăn tiếp theo đối với các dự án trọng điểm ngành giao thông là vật liệu xây dựng. Dù đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các cơ quan tập trung tháo gỡ, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc. Điển hình, đối với việc tiếp tục khai thác đất đắp tại các mỏ thuộc tỉnh Bình Thuận chưa thực hiện được (như hiện nay); nếu không sớm giải quyết sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết trước ngày 30/4/2023.

Bên cạnh đó, theo Bộ Giao thông vận tải, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải thực hiện qua nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều cấp, thời gian kéo dài. Quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải thực hiện khá chi tiết ở bước chủ trương đầu tư sẽ rất khó cho việc xác định chính xác diện tích, loại rừng cần chuyển đổi.

Tại dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương còn lúng túng trong phê duyệt khi diện tích thực tế cần chuyển đổi vượt diện tích được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB.

Một vướng mắc khác, các quy định về thủ tục điều chỉnh chủ trương, dự án đầu tư, vốn vay ODA gồm nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan (như thủ tục đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy) nên tiến trình triển khai còn chậm, kéo dài, ảnh hưởng đến việc bố trí vốn và tiến độ thi công để hoàn thành dự án.

Đặc biệt, trong triển khai nhiệm vụ còn tình trạng né tránh trách nhiệm; thủ tục hành chính còn rườm rà, kéo dài; một số hướng dẫn của cơ quan quản lý còn chung chung dẫn đến cách hiểu khác nhau khi triển khai thực hiện nên chưa thực sự giải quyết được vướng mắc, ông Thọ nhấn mạnh.

Để hoàn thành các nhiệm vụ được giao về tiến độ, chất lượng các dự án, Bộ Giao thông vận tải (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) chỉ ra một số nội dung cần thực hiện đối với các Bộ, ngành thời gian tới.

Cụ thể như: Bộ Kế hoạch và đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương; thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án GPMB Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; xem xét đề xuất, bổ sung, thực hiện thủ tục giao vốn cho các dự án đường bộ cao tốc (Hòa Bình - Mộc Châu, Tuyên Quang - Phú Thọ).

Bộ Tài chính trao đổi với phía Nhật Bản, phối hợp các cơ quan liên quan để báo cáo Thủ tướng về chủ trương đàm phán Công hàm trao đổi và Hiệp định vay cho khoản vay lần 4 dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.

Bộ Xây dựng sớm có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng cho các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 4 Hà Nội; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc kiểm tra các điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa 3 dự án thành phần cao tốc vào sử dụng; kiểm tra, giám sát các địa phương trong công bố giá VLXD.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu rà soát các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bảo đảm rút ngắn thời gian triển khai, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Hướng dẫn các địa phương về thẩm quyền, thủ tục, trình tự phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với các diện tích rừng phát sinh ngoài diện tích đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

14 tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản 3 cao tốc trục ngang (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và 2 đường vành đai (Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM) đẩy nhanh tiến độ triển khai lập thiết kế kỹ thuật, dự toán và triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu; quyết liệt triển khai công tác phê duyệt phương án đền bù, thực hiện chi trả bảo đảm bàn giao 70% diện tích, đáp ứng yêu cầu khởi công trước 30/6/2023.