4 huyện của TP.HCM có thể lên thành phố

Hứa Phương - 11:01, 03/06/2022

TheLEADERTP.HCM định hướng sẽ phát triển huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh thành thành phố trực thuộc, còn huyện Nhà Bè trở thành quận đô thị vệ tinh.

Nhằm tiếp tục xây dựng các huyện ngoại thành còn lại trở thành thành phố trực thuộc hoặc quận để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới nên UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai các đề án khoa học thuộc đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2023.

TP.HCM sẽ đưa 4 huyện lên thành phố, 1 huyện lên quận
Một góc thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM được thành lập năm 2020

PGS.TS Vũ Tấn Hưng, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng nhu cầu chuyển đổi và nâng cấp các đơn vị hành chính từ huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM ngày càng trở nên cấp thiết.

Theo ông Hưng, hoạt động quản lý nhà nước của 5 huyện còn một số vấn đề cần điều chỉnh, như tổ chức bộ máy ở các huyện này theo mô hình chính quyền nông thôn nên còn hạn chế về phân cấp, chưa quản lý và khai thác được các tiềm năng trong phát triển.

Các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè đã đạt phần lớn tiêu chí để chuyển huyện thành quận hoặc thành phố nhưng vẫn còn tiêu chí chưa đạt.

Đơn cử như huyện Bình Chánh, là địa phương đạt nhiều tiêu chí nhất với 26/30 tiêu chí, Cần Giờ chỉ 19/30 tiêu chí là địa phương đạt thấp nhất. Việc chuyển huyện thành quận hoặc thành phố bên cạnh thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì cũng giúp các địa phương này thu hút nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế và cơ cấu tổ chức tinh gọn.

Ông Hưng kiến nghị UBND TP.HCM, các sở ngành nên dành nguồn lực tương xứng để thực hiện đề án, rút ngắn quá trình. Đồng thời, xác định thế mạnh đặc thù của từng huyện để xây dựng mô hìnhphát triển hợp lý.

Theo định hướng, huyện Cần Giờ sẽ phát triển thành thành phố trực thuộc TP.HCM, trên cơ sở phát triển thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao…

Huyện Củ Chi cũng đề xuất phát triển thành thành trực thuộc TP.HCM. Củ Chi định hướng phát triển đô thị sinh thái thông minh, phát triển các khu du lịch sinh thái ven sông, xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

Huyện Hóc Môn định hướng phát triển thành thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030, trên cơ sở phát triển thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp; tận dụng tiềm năng đất đai và nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành logistic.

Huyện Bình Chánh định hướng chuyển huyện thành thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Bình Chánh đề ra các chương trình đột phá gồm chương trình đột phá đổi mới phát triển, đột phá hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

Riêng huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành quận đô thị vệ tinh. Huyện đang tập trung xây dựng quy hoạch đô thị mang tính chiến lược, linh hoạt có tính đa địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và lành mạnh, giao thông thông suốt. Nhà Bè đặt mục tiêu duyệt quy hoạch lên quận trước năm 2025.

Mô hình thành phố trực thuộc thành phố không phải lần đầu tiên được thành lập. Bởi vì, trước đó, ngày 9/12/2020 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Theo đó TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba quận là Thủ Đức, quận 2 và quận 9 với tổng diện tích tự nhiên là 211,56 km2 và quy mô dân số 1.013.795 người.

Nếu bốn huyện nâng cấp thành công lên thành phố, TP.HCM sẽ có 5 thành phố trực thuộc.