85% doanh nghiệp công nghiệp Việt nằm ngoài cách mạng 4.0

Hùng Nguyễn - 09:10, 30/05/2019

TheLEADERMôi trường luật pháp và hệ thống giáo dục là hai yếu tố dài hạn cần thiết giúp Việt Nam bắt kịp những khuynh hướng đang thay đổi của nhân loại.

85% doanh nghiệp công nghiệp Việt nằm ngoài cách mạng 4.0
Việc áp dụng robot tự động hóa đã bắt đầu thâm nhập vào một số ngành công nghiệp bao gồm ô tô, máy tính và điện tử, thiết bị điện.

Làn sóng công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, Internet vạn vật, các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây có tiềm năng tạo bước nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng, logistics và giúp các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn.

Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, công nghệ mới đang ngày càng thâm nhập và phát triển tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, sản xuất hàng ngày hàng giờ được nhận định vẫn theo lối cũ, không tiếp cận với thế giới 4.0, theo PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại hội thảo công bố  Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019.

“Đây là vấn đề lớn của Việt Nam”, ông nhấn mạnh và cho rằng Việt Nam mới chỉ đứng ở ngưỡng cửa của nền kinh tế số.

“Nhìn ở bên trong cờ màu rực rỡ, đẹp đẽ nhưng vấn đề là chúng ta đã bước chân vào chưa? Và giờ đây phải bước như thế nào?”, ông Thành đặt câu hỏi.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 “Trước ngưỡng cửa kinh tế số” mới đây của VEPR cho biết tới 85% doanh nghiệp công nghiệp vẫn nằm ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu.

Tuy vậy, việc áp dụng robot tự động hóa đã bắt đầu thâm nhập vào một số ngành công nghiệp bao gồm ô tô, máy tính và điện tử, thiết bị điện. Điều này cho thấy dù sớm hay muộn, những tiến bộ trong công nghệ sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Báo cáo nhận định với mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, rủi ro đối với nền kinh tế có thể diễn ra theo hai kịch bản.

Thứ nhất, các công ty đa quốc gia có thể rời Việt Nam để tìm kiếm lực lượng lao động lành nghề, hoặc đặt các nhà máy sản xuất gần khách hàng.

Thứ hai, các doanh nghiệp sẽ tự động hóa quá trình sản xuất, tạo ra lượng thất nghiệp đáng kể đối với lao động có tay nghề thấp.

VEPR cho rằng, rủi ro thứ nhất ít có khả năng xảy ra vì một số lý do như vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực Đông Á hay lợi ích và sự tham gia của Việt Nam vào một số hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, rủi ro thứ hai khó tránh khỏi và trong bối cảnh đó, việc ưu tiên tập trung vào phát triển kỹ năng của lực lượng lao động rất quan trọng đối với Việt Nam.

Tư duy thúc đẩy tăng trưởng dựa vào các nguồn lực truyền thống như tăng sản lượng khai thác tài nguyên thiên nhiên và tận dụng lao động giá rẻ là không còn phù hợp. 

Thay vào đó, cần phải đẩy mạnh nguồn lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, một nguồn lực cho phép tạo ra một không gian lớn cho phát triển.

Trong tương lai không xa, thị trường lao động có thể phải đối mặt với khó khăn từ hoạt động tự động hoá và chuyển đổi số. Nguy cơ mất việc làm, gia tăng thất nghiệp sẽ là vấn đề đau đầu đối với Chính phủ và chính người lao động.

Bên cạnh đó, khả năng tận dụng được những thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung và của từng ngành sản xuất và dịch vụ nói riêng là nhiệm vụ khó có thể thực hiện trong bối cảnh năng suất lao động, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Do đó, Báo cáo khuyến nghị trong ngắn hạn, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, tạo nền tảng cho Việt Nam hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số trong tương lai.

Về trung và dài hạn, VEPR cho rằng hai yếu tố cần thiết để Việt Nam bắt kịp với những khuynh hướng đang thay đổi hiện nay của nhân loại là môi trường luật pháp và hệ thống giáo dục.

Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của con người càng được nâng cao và đặt vào trung tâm.