Áp lực lạm phát năm 2022 là không đáng ngại

An Chi - 11:17, 09/01/2022

TheLEADERMặc dù nguy cơ lạm phát đang hiện hữu do những gói kích thích kinh tế quy mô lớn cùng với đà hồi phục của nền kinh tế trong nước, song nhiều chuyên gia cho rằng, điều này là không đáng lo ngại. Thị trường vẫn còn nhiều nhân tố giúp kiềm chế tốc độ tăng lạm phát trong năm 2022.

Áp lực lạm phát năm 2022 là không đáng ngại
Lạm phát sẽ được kiểm soát trong năm 2022

Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Mục tiêu của chương trình là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Theo đó, 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu được Chính phủ đề ra với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023. Cụ thể, Chính phủ dành 60.000 tỉ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Việc bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm là 53.150 tỉ đồng. Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110.000 tỉ đồng.

Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển là 113.850 tỉ đồng. Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỉ đồng.

Trên cơ sở đó, Chính phủ thiết kế gói hỗ trợ có quy mô 291.000 tỉ đồng, trong đó nguồn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 240.000 tỉ đồng. Chương trình này được đánh giá sẽ giúp GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, các gói kích thích kinh tế này cũng sẽ gây sức ép không nhỏ lên lạm phát. Đặc biệt là dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu dùng, đầu tư cũng sẽ gia tăng. 

Các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát lạm phát năm 2022 sẽ gặp nhiều khó khăn khi CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm do kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng. Mặt khác, Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, lạm phát năm 2021 ở Việt Nam có yếu tố liên quan đến nhập khẩu lạm phát, thậm chí có thể được chuyển sang năm 2022. Lạm phát cơ cấu, lĩnh vực cá biệt có dấu hiệu xuất hiện và sẽ tác động tới lạm phát năm 2022 khi CPI năm 2021 tăng thấp, song giá tài sản như chứng khoán, vàng và bất động sản lại tăng cao. 

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần, giá lương thực, thực phẩm trong nước nhiều khả năng sẽ tăng mạnh ngay trong những ngày đầu năm, tạo áp lực lên lạm phát.

Những nhân tố giúp kiềm chế lạm phát trong năm 2022

Áp lực tăng cao của lạm phát trong năm 2022 là hiện hữu, song nhiều ý kiến cho rằng, không quá lo ngại. Nhiều dự báo cho thấy, lạm phát vẫn sẽ trong tầm kiểm soát theo mục tiêu của Chính phủ. CPI năm 2022 sẽ ở mức 2-3,7%, thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%.

Theo TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,5%) tức là từ 2% đến 3% là hoàn toàn khả thi.

Ông Minh cho rằng, lạm phát năm 2022 sẽ được kiểm soát tốt vì tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc. Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đặc biệt là biến chủng mới. Bên cạnh đó, áp lực tăng giá hàng hoá trên thế giới đối với hàng hóa Việt Nam là không quá lớn, bởi vì sức cầu trong nước vẫn còn yếu.

Đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, mức giá cũng sẽ ổn định từ 65 đến 80 USD/thùng. Đà tăng của giá xăng dầu cũng như giá của các nguyên vật liệu sẽ chững lại trong năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế và các chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường hóa.

Đối với giá thịt lợn, dự báo năm 2022, nguồn cung lợn hơi khá dồi dào, giá lợn hơi sẽ ổn định ở mức giá 45- 60 nghìn đồng/kg, từ nay đến cuối năm 2022.

Theo ông Minh, trong năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý điều hành giá sẽ tiếp tục thực hiện linh hoạt, chặt chẽ, gắn với chính sách tiền tệ, đảm bảo ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Với các phân tích nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, tốc độ tăng của chỉ số CPI cho đến nay vẫn chưa phá vỡ xu hướng đi ngang kể từ năm 2016. Giả định CPI trong năm 2022 tăng trung bình 0,24%/tháng, tương đương mức tăng trung bình của giai đoạn 2016-2021, thì lạm phát trung bình trong năm 2022 sẽ vào khoảng 1,8%.

Trong năm 2021, CPI cũng chỉ tăng 1,84%, thấp nhất trong 6 năm qua. Nguyên nhân là do giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,54% so với năm trước (làm CPI chung giảm 0,12 điểm phần trăm), nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn. 

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ổn định giá cả thị trường.