ASEAN trước thách thức duy trì đà tăng trưởng

Hoàng Đông - 10:33, 08/03/2023

TheLEADERSuy thoái kinh tế toàn cầu đang dần hiện hữu đặt ra thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội đối với khu vực ASEAN.

Mức tăng trưởng GDP hơn 8% năm 2022 của Việt Nam là mức tăng cao nhất trong 25 năm qua. Cộng với tỷ lệ lạm phát 3,15%, thấp hơn mức trần 4% được Quốc hội đặt ra, có thể nói, năm qua là một năm điều hành chính sách tương đối thành công, đạt được “mục tiêu kép”.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Hồng Hiệp, chuyên gia đến từ Viện ISEAS, phân tích thị trường cho thấy một “bức tranh khác”, khi thu nhập của người tiêu dùng giảm sút cũng như các nhà đầu tư bất động sản đang gánh chịu hậu quả từ chính sách thắt chặt cung tiền.

Xuất khẩu chững lại, doanh nghiệp đánh mất đơn hàng, buộc phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động cũng là thách thức hiện hữu ngay từ quý cuối cùng của năm 2022. Luật sư Leif Schneider, công ty luật DFDL, nhận định, dù số lao động bị sa thải là rất nhỏ so với quy mô lực lượng lao động nhưng cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đặc biệt với quốc gia thu hút đầu tư nhờ lợi thế lao động rẻ.

Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Social Life, cho biết, dù rất ít công ty sa thải công nhân nhưng lại có nhiều công ty lựa chọn cắt giảm giờ làm, dẫn đến thu nhập công nhân bị giảm sút đáng kể. Trao đổi với TheLEADER, ông Lộc từng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng an sinh có thể xảy đến nếu làn sóng giảm giờ làm, giảm thu nhập không hạ nhiệt.

“Việt Nam vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn”, South China Morning Post dẫn lời ông Hiệp.

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất đối diện với thách thức giữa nguy cơ suy thoái toàn cầu. Malaysia với tăng trưởng GDP 8,7% năm 2022, cao nhất trong 22 năm qua, cũng đang dần bộc lộ sự “hụt hơi”.

Thực tế, xu thế đuối dần đã thể hiện rõ ngay từ năm ngoái. Nếu quý II/2022, Malaysia tăng trưởng 14% thì đến quý IV/2022, mức tăng trưởng chỉ còn 7%, phản ánh rằng người tiêu dùng đã “thấm mệt” do trào lưu chi tiêu bù cũng như sự lạc quan quá mức của các nhà đầu tư.

Trong khi đó, Thái Lan với mức tăng trưởng 2,6% năm 2022, bước vào năm 2023 tràn đầy hy vọng về sự quay trở lại của du khách Trung Quốc nhưng cũng không tránh khỏi nỗi chơi vơi trước bài toán duy trì đà tăng trưởng. Kinh tế Thái Lan giảm tốc kể từ quý IV/2022 do xuất khẩu giảm, dẫn đến sản xuất giảm ở một số ngành mũi nhọn như hóa chất, máy móc, xe hơi và linh kiện điện tử.

Chi tiêu trong nước cũng không còn khả quan, khi người dân đang tiết kiệm nhiều hơn để phòng ngừa rủi ro suy thoái kinh tế đang ngày càng hiện hữu. Nhiều doanh nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng, tạm gác lại những kế hoạch mở rộng, tăng tốc hậu đại dịch.

Trung Quốc mở cửa được xem là “cứu cánh” cho kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở nhóm các nước Đông Nam Á, vốn có quan hệ đầu tư và thương mại khá mật thiết với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, đối với những quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, “làn gió ngược” là nguy cơ lạm phát ở một số nhóm hàng hóa đầu vào sản xuất có thể sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực.

Thực tế, ngay từ cuối tháng 1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải hạ mức dự báo tăng trưởng khu vực ASEAN bởi làn sóng suy thoái toàn cầu đang lấn át những hiệu ứng tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại. “ASEAN khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng như năm 2022”, ông Daniel Leight, chuyên gia tại IMF nhấn mạnh.

Củng cố căn cơ trước nguy cơ giảm đà tăng trưởng

E ngại về triển vọng tăng trưởng của ASEAN trước bão suy thoái toàn cầu, tuy nhiên, mới đây, IMF nhận định, đà tăng trưởng của thế giới đang nghiêng về khu vực châu Á, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như trong khu vực ASEAN. Mức tăng trưởng 4,77% năm 2023 được IMF dự báo vẫn là con số cao hơn đáng kể so với trung bình toàn cầu.

Thực tế, đối diện với sự sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng thế giới dẫn đến xuất khẩu không còn khả quan, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đang chuyển hướng sang những lĩnh vực khai thác nhu cầu nội địa, chẳng hạn như công nghệ thông tin. Trong giai đoạn kinh tế biến chuyển khó lường, có thể đây sẽ là điều cần thiết để củng cố nội lực cho các quốc gia ASEAN vốn đã tăng trưởng rất nhanh trong hàng thập kỷ vừa qua.

Công ty tư vấn Dezan Shira&Associates nhận định, năm 2023, dòng vốn sẽ chảy vào những lĩnh vực căn cơ, then chốt như phát triển công nghệ, sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đầu tư mạnh vào những lĩnh vực này cũng chính là giải pháp của khu vực ASEAN cho những thách thức chuyển đổi mô hình phát triển mang tính dài hạn.

Trong đó, lĩnh vực công nghệ số được dự báo sẽ có nhiều dư địa phát triển và chuyển đổi số cũng được Dezan Shira&Associates cho là động lực chính của thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế, triển vọng cao nhất ở các ngành như công nghệ tài chính (fintech), khởi nghiệp công nghệ.

Tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng, nhận thức người tiêu dùng được nâng cao cũng là lợi thế lớn để triển khai những lĩnh vực đầy tiềm năng trong xu thế phát triển bền vững, chẳng hạn như nông nghiệp sạch, thực phẩm hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Vững chân ở thị trường nội địa và nội khối sẽ là điểm tựa vững chắc để nhóm doanh nghiệp ASEAN hoạt động trong các lĩnh vực này vươn ra những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Có thể nói, trước cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu đang dần hiện hữu, khu vực ASEAN dù phải vật lộn với bài toán duy trì động lực tăng trưởng ngắn hạn nhưng cũng đứng trước cơ hội to lớn để củng cố nội lực, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong dài hạn.