Bản đồ hệ sinh thái Fintech Việt Nam

Hường Hoàng - 08:24, 13/02/2023

TheLEADERNgành fintech của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là về số lượng các công ty mới. Năm 2018, toàn thị trường có 144 công ty. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, con số này tăng đột biến vào năm 2021 và đến năm 2022, ước tính đã có hơn 260 công ty tham gia lĩnh vực fintech tại Việt Nam. Đây là số lượng công ty tham gia vào lĩnh vực fintech cao kỷ lục từ trước đến nay.

Bản đồ hệ sinh thái Fintech Việt Nam
Việt Nam có 260 công ty khởi nghiệp tham gia lĩnh vực fintech (Ảnh: Doanh nghiệp hội nhập)

Theo chiều dọc, hệ sinh thái khởi nghiệp fintech của Việt Nam có thể được chia thành 5 ngành chính: Thanh toán điện tử, Cho vay, WealthTech (Quản lý tài sản), InsurTech (Công nghệ bảo hiểm) và Blockchain/Crypto.

Thanh toán điện tử vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong các hoạt động đầu tư

Với tốc độ tăng trưởng nhanh của thị trường thương mại điện tử và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao của thị trường Việt Nam, trong số tất cả 5 lĩnh vực, thanh toán kỹ thuật số vẫn là lĩnh vực thu hút được số lượng các công ty khởi nghiệp và các khoản đầu tư nhiều nhất.

Trong năm 2021, vượt qua VNPay và các đối thủ khác (ViettelPay, ZaloPay, ShopeePay, Moca...), kỳ lân công nghệ MoMo đã chiếm đến 53% thị phần, trở thành ví điện tử phổ biến nhất Việt Nam năm 2022. Với tiềm năng mở rộng và mục tiêu IPO trong những năm sắp tới, MoMo đã có nhiều động thái đáng chú ý trong hoạt động hợp nhất nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận và thị phần.

Điển hình, vào giữa năm 2022, MoMo cũng đã mua 49% cổ phần của công ty chứng khoán trong nước Chứng khoán Tín Việt (CVS). Động thái này thể hiện những nỗ lực không ngừng của công ty trong việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính chính thức cho phép người dùng, doanh nghiệp nhỏ và nhà cung cấp dịch vụ tài chính khai thác nền tảng này.

Ngoài ra, MoMo cũng mua lại Nhanh.vn - công ty cung cấp dịch vụ quản lý bán hàng đa kênh trên nền tảng đám mây, để mở rộng thị trường thông qua giải pháp của mình. Có thể kể đến thương vụ startup AI - Pique vào năm 2021, trong đó mục tiêu của MoMo là hiểu rõ hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng thông qua giải pháp của Pique, từ đó duy trì tỷ lệ giữ chân người dùng, chiếm lĩnh thị phần lớn hơn và thu nạp thêm đối tác bán hàng mới.

Bản đồ hệ sinh thái Fintech Việt Nam 2022
MoMo chiếm đến 53% thị phần thanh toán điện tử của Việt Nam năm 2022 (Ảnh: cafef.vn)

Cho vay - một lĩnh vực hấp dẫn khác đối với các nhà đầu tư

Mặc dù chiếm tỷ trọng lớn nhưng thanh toán kỹ thuật số không phải là phân khúc duy nhất có sự đột phá trên thị trường fintech Việt Nam. Với dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng Internet cao, trong những năm gần đây, cho vay thay thế (đặc biệt là cho vay ngang hàng peer-to-peer lending) là một loại hình hấp dẫn khác đối với các nhà đầu tư vì tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nó.

Lĩnh vực mua ngay trả tiền sau cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang đi lên, chẳng hạn như Fundiin và Ree-pay. Fundiin đã huy động được 5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A, điều này thể hiện thái độ tích cực của các nhà đầu tư đối với phân khúc và tiềm năng của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ngoài ra, năm 2022 cũng chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt không chỉ giữa các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ hay tổ chức ngân hàng, mà còn cả các công ty tài chính tiêu dùng như FE Credit và HomeCredit.

Lĩnh vực quản lý tài sản thu hút đầu tư đáng kể

Vào năm 2021, đại dịch đã thúc đẩy nhiều người áp dụng công nghệ để tham gia hoạt động đầu tư. Do đó, rất nhiều công ty khởi nghiệp về quản lý tài sản mới được thành lập trong hai năm qua (AnFin, Tititada, BUFF,...), cùng với số tiền đầu tư vào phân khúc này đang ngày càng tăng.

Trong năm 2022, hoạt động đầu tư vào phân khúc này ngày càng trở nên sôi động hơn về cả số lượng và giá trị thương vụ đầu tư. Các thương vụ đầu tư nổi bật trong năm vừa qua thuộc về các doanh nghiệp như Fin hay, Anfin, Infina, Tititada, với tổng số vốn huy động được lên tới 36,5 triệu USD.

Tuy nhiên, trong số đó có một lượng vốn không hề nhỏ thuộc về các thương vụ từ năm 2021 và công bố trong năm 2022. Việc công bố trễ chính là lí do khiến cho các thương vụ đầu tư trong lĩnh vực quản lý tài sản bùng nổ trong năm vừa qua. Thêm vào đó, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, rủi ro các nhà đầu tư rút tiền kỹ thuật số để tìm nơi trú ẩn khác tăng lên, khiến cho năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với các công ty quản lý tài sản.

Tuy nhiên, những thách thức này chỉ là tạm thời và các công ty khởi nghiệp quản lý tài sản vẫn còn dư địa để phát triển. Dễ thấy, giữa năm 2022, Finhay mua lại công ty cổ phần - Chứng khoán Vina, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái công ty và bước vào hoạt động huy động vốn. Trong khi đó, Infina, cùng với Finhay, AnFin, BUFF, đang phục vụ nhóm những người trẻ lần đầu tham gia đầu tư nhưng những sản phẩm hiện có trên thị trường chưa thể đáp ứng được như cầu của họ.

Ngoài ra, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện tại có xu hướng nhìn xa hơn và lên kế hoạch cho tương lai tài chính của họ một cách rõ ràng hơn. Thêm vào đó, thế hệ trẻ đã và đang được giáo dục tốt hơn về quản lý tài sản kỹ thuật số. Những yếu tố này cho thấy một tín hiệu tích cực rằng những startup đó có thể thu hút được lượng khách hàng rộng lớn hơn trong tương lai.

InsurTech có nhiều dư địa để phát triển

Insurtech (công nghệ bảo hiểm) được hình thành từ hai cấu phần: thị trường bảo hiểm và trình độ công nghệ ứng dụng trong toàn ngành. Cả hai yếu tố này hiện tại ở Việt Nam đều đang nhỏ hơn rất nhiều so với các thị trường mới nổi khác trong khu vực, với doanh thu từ các sản phẩm công nghệ bảo hiểm chỉ chiếm 2-3% tổng doanh thu thị trường bảo hiểm vào năm 2022. Trong đó, Papaya, The Bank, Medici là những công ty có đóng góp nổi bật trong phân khúc.

Hầu hết các công ty khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc số hóa, bảo lãnh phát hành và bán sản phẩm bảo hiểm. Thứ nhất, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bảo hiểm gặp khó khăn trong quá trình tự bảo lãnh phát hành vì quy trình này đòi hỏi nhiều yếu tố phức tạp, do đó, họ phải hợp tác với các nền tảng của bên thứ ba để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo lãnh phát hành phát triển.

Thứ hai, khách hàng vẫn có thói quen mua hàng truyền thống đối với các sản phẩm bảo hiểm, điều này khiến hầu hết những sản phẩm được bán trên nền tảng của bên thứ ba thường rẻ hơn.

Do đó, mục tiêu trở thành một “công ty công nghệ bảo hiểm thực sự” vẫn là một thử thách với những công ty khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm của Việt Nam, khi phải cạnh tranh với những đối thủ cạnh tranh đầy tiềm lực khác trong khu vực như Boltech và PasaPolis.

Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh với tốc độ hai con số mỗi năm, dự kiến sẽ sớm đạt quy mô 10 tỷ USD khi dân số bắt đầu già đi và nhóm khách hàng trung lưu ngày càng tăng. Mặt khác, với sự non trẻ của mình, ngành bảo hiểm vẫn là “một đại dương xanh” của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Sự trỗi dậy của Neobank vẫn là tâm điểm chú ý trong những năm tới

Neobank là một loại ngân hàng kỹ thuật số, không có phòng giao dịch, không có bất kỳ chi nhánh và thường không liên kết với bất kỳ ngân hàng truyền thống nào. Thay vì hiện diện thực tế tại một địa điểm cụ thể, neobanking hoàn toàn trực tuyến.

Tại Việt Nam, quá trình số hóa các ngân hàng diễn ra còn chậm, khả năng tiếp cận kỹ thuật chưa cao cùng với số lượng người dùng chưa sử dụng ngân hàng vẫn còn lớn. Tất cả những nguyên nhân này đang tạo ra dư địa cho Neobank phát triển.

Một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp đáng chú ý trong lĩnh vực này là FinFan - Neobank với các giải pháp tối ưu từ “Nền tảng chuyển tiền xuyên biên giới (Cross Border Money Movement Platforms)” cho đến các dịch vụ thanh toán hóa đơn, đầu tư và cho vay.