Bà Rịa – Vũng Tàu dọn đường cho dự án điện LNG Long Sơn 200ha

Nguyễn Cảnh - 16:30, 07/11/2021

TheLEADERUBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và đầu tư giảm khoảng 200ha khu công nghiệp dầu khí Long Sơn để đầu tư Trung tâm điện lực LNG Long Sơn.

Bà Rịa – Vũng Tàu dọn đường cho dự án điện LNG Long Sơn 200ha
10 năm trước, Thủ tướng đồng ý giảm diện tích KCN từ 1.250ha xuống còn 850ha để tách dự án tổ hợp hóa dầu Miền Nam ra khỏi KCN Dầu khí Long Sơn.

Cụ thể, theo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc giảm diện tích Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) từ 850ha xuống còn khoảng 652ha (trong đó bao gồm cả khu vực dự kiến xây dựng Trạm biến áp 220kV, diện tích khoảng 3,2ha phục vụ cho khu công nghiệp và dự án hóa dầu) để đầu tư dự án Trung tâm điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1 (công suất 1.200-1.500MW, tiến độ vận hành giai đoạn 2025-2026) bảo đảm nguyên tắc kế thừa, chuyển tiếp các dự án điện đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đồng thời, phát huy tiềm năng và thế mạnh phát triển điện khí, kho cảng nhập khẩu LNG tại khu vực Long Sơn, không lãng phí thời gian, chi phí đã thực hiện tất cả các bước để đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế địa phương và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng xác định, việc điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp dầu khí Long Sơn là cần thiết với nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, tỉnh cho biết đang thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thu hồi và chuyển đổi ngành nghề thu hút đầu tư vào khu công nghiệp dầu khí Long Sơn. 

Theo đó, Chính phủ giao UBND tỉnh chủ trì chỉ đạo Ban quản lý các KCN và các bên liên quan rà soát cơ sở pháp lý, thủ tục điều kiện liên quan đến việc thu hồi dự án; trên cơ sở đó quyết định theo thẩm quyền phương án xử lý, bảo đảm đúng quy định pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương – trong đó có việc khai thác hiệu quả các quỹ đất, đặc biệt là phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn phù hợp với các quy hoạch liên quan…

Dự án khu công nghiệp dầu khí Long Sơn thuộc địa bàn ưu tiên phát triển công nghiệp và cảng biển của tỉnh trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2015, tầm nhìn đến 2020. 

Trong định hướng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 sẽ tiếp tục kế thừa và phát triển định hướng phát triển công nghiệp và cảng biển tại khu vực Long Sơn. Do đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, việc phát triển dự án khu công nghiệp dầu khí Long Sơn là phù hợp quy hoạch.

Đồng thời, phần diện tích đất giảm (khoảng 200ha) để xây dựng Trung tâm điện lực Long Sơn (khoảng 199ha), tuyến đường vào khu vực nghiên cứu dự án cảng tổng hợp Long Sơn, Trạm biến áp 220kV Long Sơn đều là các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, cảng – do vậy vẫn phù hợp với quy hoạch khu vực.

Cũng theo UBND tỉnh, các dự án thực hiện trên phần diện tích giảm quy mô khu công nghiệp dầu khí Long Sơn đều là những dự án quan trọng, đã có chủ trương đầu tư.

Trong đó, đặc biệt là Trung tâm điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1 (công suất từ 1.200-1.500MW, tiến độ vận hành 2025-2026) đã được duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh (hồi tháng 4/2020), các giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ được xem xét trong quy hoạch điện VIII (trong đó có giao UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).

Đây là dự án có tính khả thi cao, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư vào cuối năm 2021 và triển khai trong năm 2022. 

Dự án có vai trò quan trọng trong bảo đảm cung ứng nguồn điện cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới. Do vậy, việc giảm diện tích khu công nghiệp dầu khí Long Sơn là cần thiết, vì khu công nghiệp này đến nay vẫn chưa triển khai, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin.

Liên quan tới đề xuất của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về thu hồi và cho phép chuyển đổi tính chất, chức năng khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (nhà máy lọc dầu, kho ngầm) sang thu hút các dự án công nghệ cao, dịch vụ dầu khí, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, hóa chất (gắn với ngành hóa dầu), Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có ý kiến cụ thể.

Theo Bộ Công thương, KCN dầu khí Long Sơn được cấp chứng nhận đầu tư năm 2008 với mục tiêu là đầu tư xây dựng hạ tầng và các dự án trong KCN vẫn chưa được triển khai, đã ảnh hưởng đến công tác quy hoạch KCN và đời sống, quyền lợi của người dân có đất trong vùng dự án. Do đó, đề xuất của tỉnh về chuyển đổi tính chất, chức năng KCN dầu khí Long Sơn để thu hút nhà đầu tư phù hợp vào KCN là phù hợp.

Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương báo cáo cụ thể về việc chuyển đổi tính chất, chức năng của KCN. Đồng thời, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng để báo cáo Thủ tướng xem xét.

Tháng 6/2008, KCN Long Sơn (diện tích 1.250ha) được chấp thuận bổ sung vào vào danh mục các KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tới tháng 7/2011, Thủ tướng đồng ý điều chỉnh diện tích KCN Long Sơn xuống còn 850ha.

Dự án do Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại dầu khí –IDICO làm chủ đầu tư, hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư cấp hồi tháng 6/2008. Sau 10 năm kể từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư, dự án vẫn chưa triển khai.

Báo cáo hồi tháng 8/2021 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, cổ đông sáng lập và vốn điều lệ (giảm từ 1.200 tỷ đồng xuống còn khoảng 827 tỷ đồng) của Công ty CP đầu tư khu công nghiệp dầu khí – IDICO Long Sơn (nay là Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn) đã thay đổi so với thời điểm Thủ tướng chấp thuận chủ trương thành lập KCN dầu khí Long Sơn (tháng 6/2008).

Các đơn vị là cổ đông của nhà đầu tư gồm: Tổng công ty CP xây lắp dầu khí và Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam – TNHH một thành viên, thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu ban đầu đề ra khi thành lập doanh nghiệp để thực hiện KCN dầu khí Long Sơn là ‘triển khai dự án cần đảm bảo yêu cầu về an ninh – quốc phòng và phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng’.