Bài học về nâng cao giá trị sản phẩm OCOP ở Quảng Ninh

Quỳnh Chi - 07:50, 17/10/2020

TheLEADERLà địa phương tiên phong trong cả nước triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2013, đến nay, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả bước đầu, nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương cũng như thu nhập của người dân, góp phần thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn và là hình mẫu cho các địa phương khác học hỏi.

Bài học về nâng cao giá trị sản phẩm OCOP ở Quảng Ninh
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020

Đã bảy năm trên hành trình triển khai thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn giữ được tinh thần “khởi nghiệp”, vẫn hăng say và không ngừng nỗ lực để cùng người dân nâng cao giá trị các sản phẩm địa phương.

Nhiều năm trước, Quảng Ninh đã xác định tái cấu trúc ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc tìm ra lợi thế của các địa phương, phát huy sự sáng tạo của người dân từ nền tảng gốc là những sản phẩm mang thế mạnh ở địa phương để tạo ra những sản phẩm mới. 

Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... trong phát triển nông thôn, năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và tập trung chỉ đạo thực hiện đề án mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).

Đây là một nội dung trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở với ba nguyên tắc cơ bản gồm: hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực.

Trên cơ sở hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ sản xuất ngoài cánh đồng - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ, để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa, chương trình OCOP xác định hai đối tượng quan trọng là sản phẩmtổ chức kinh tế, tập trung vào hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bài học về nâng cao giá trị sản phẩm OCOP ở Quảng Ninh
Quảng Ninh xác định tái cấu trúc ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc tìm ra sản phẩm lợi thế của các địa phương

Chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn.

Từ chỗ phải tuyên truyền, vận động hướng dẫn, đến nay, người dân đã chủ động tham gia thực hiện với việc đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Nhiều hợp tác xã đã thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO với dây chuyền sản xuất đảm bảo chất lượng, đồng thời đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt dây chuyền, mở rộng việc ứng dụng máy móc sản xuất hiện đại. Trên 95% sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ninh đã tập trung triển khai, hướng dẫn các đơn vị, địa phương sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển bền vững diện tích nuôi, trồng áp dụng các hệ thống quản lý, sản xuất an toàn thực phẩm như VietGap, GlobalGap, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch.

Quảng Ninh cũng quản lý chặt chẽ việc sử dụng vật tư đầu như thuốc thú y, các chất phụ gia trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tỉnh yêu cầu chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát dịch bệnh hiệu quả, bao gồm các hệ thống giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; kiểm tra, ngăn chặn, tiêu hủy các mặt hàng không đạt tiêu chuẩn...

Việc công nhận các sản phẩm OCOP được tiến hành bài bản, chặt chẽ, khiến cho người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm. Do đó, sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao uy tín của hàng Việt.

Không chỉ được nâng cao về chất lượng, các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh còn được chú trọng đầu tư vào mẫu mã, bao bì và quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016 về khuyến khích sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. 

Đối với sản phẩm chưa được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận gắn với địa danh được hỗ trợ một lần toàn bộ chi phí các hạng mục thiết kế nhãn hiệu, bao bì, bộ nhận diện, đăng ký mã số, mã vạch, xây dựng hồ sơ xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu và in ấn, không quá 50 triệu đồng/một sản phẩm.

Từ hình thức bán theo con, theo cân, nay nhiều sản phẩm đặc sản địa phương đã có đóng gói bao bì với thiết kế hút mắt và cải tiến theo thời gian để phù hợp với người tiêu dùng. Chẳng hạn, miến dong Bình Liêu không chỉ được mua về ăn đơn thuần mà còn nhằm mục đích làm quà với các túi nửa cân, túi 2 lạng, gần đây nhất là hộp 1kg và 2 lạng thiết kế đẹp mắt chân giò Ba Miền trọng lượng 3 - 4kg giảm xuống còn 1 - 2kg, hút chân không, rồi chặt sẵn tiện cho người dùng...

Bài học về nâng cao giá trị sản phẩm OCOP ở Quảng Ninh 1
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh được đầu tư thiết kế bao bì hút mắt

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn chú trọng công tác xúc tiến sản phẩm. Toàn tỉnh có khoảng 30 trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và được xúc tiến thương mại trên một số thị trường trọng điểm (Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, đồng bằng sông Hồng, khu vực Tây Bắc) và tại thị trường Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây, Vân Nam)...

Người dân còn chủ động phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh và trên 30 ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với người sản xuất, nhà nông, chủ trang trại gắn với truyền thông về OCOP. Nhờ đó, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, sản phẩm được người tiêu dùng toàn quốc biết đến rộng rãi.

Mùa dịch Covid-19 diễn ra trong nhiều tháng qua đã ảnh hưởng đến công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường nước ngoài. Do đó, một trong những trọng tâm trước mắt được tỉnh xác định là xúc tiến nội địa, chú trọng lựa chọn sản phẩm tốt đi kèm chương trình kích cầu hấp dẫn.

Các hoạt động cụ thể như tích cực chuẩn bị tổ chức và tham gia nhiều hội chợ, phiên xúc tiến để nhanh chóng giúp doanh nghiệp khôi phục, mở rộng thị trường. Bên cạnh xúc tiến trong tỉnh, các sản phẩm OCOP cũng được lan toả mạnh mẽ đến các tỉnh thành khác mà Quảng Ninh đã xác lập được vị thế như Hà Nội, TP. HCM hay Đà Nẵng. Cùng với đó là tiếp cận các thị trường mới có tiềm năng.

Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích, đẩy mạnh kênh tiêu thụ sản phẩm trực tuyến qua sàn giao dịch thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm qua kênh trực tuyến. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thời gian này là gắn các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP với các hoạt động du lịch vốn có xu hướng phục hồi khá tốt sau dịch tại Quảng Ninh.

Đến nay, Quảng Ninh có hơn 170 đơn vị tham gia với hơn 460 sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP thành lập được hệ thống tổ chức ở cấp tỉnh và 13/13 huyện, thị xã, thành phố. Doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất năm 2020 ước đạt 870 tỷ đồng, nhờ gia tăng giá trị sản phẩm trên 30% và tăng về quy mô sản xuất trên 18%.

Nhờ vậy, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước đạt khoảng 40 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.

Nhiều sản phẩm của Quảng Ninh được đánh giá cao với chất lượng tốt và mẫu mã đẹp như giò chả Móng Cái, gà Tiên Yên, miến dong Bình Liêu, chân giò ba miền Đầm Hà… Hàng loạt sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã được trưng bày trên các kệ ở các hệ thống phân phối lớn như BigC, Q-mart; Big Green, Vinmart...