Bài toán khó khi tăng trưởng kinh tế đi kèm lượng chất thải rắn ngày càng lớn

An Nhiên - 19:41, 25/12/2018

TheLEADERHiện nay, cùng với việc tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số một cách nhanh chóng, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nước ta ngày càng lớn.

Bài toán khó khi tăng trưởng kinh tế đi kèm lượng chất thải rắn ngày càng lớn
Tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, gây tác động không nhỏ đến chất lượng môi trường

Phần lớn rác thải rắn được xử lý bằng chôn lấp

Theo báo cáo của các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn vào khoảng 32.000 tấn/ngày.

Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải tại khu vực đô thị đạt khoảng 85%; tại khu vực nông thôn trung bình đạt khoảng 40-55%. Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ thực hiện ở một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn.

Cụ thể, trên cả nước, hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã. Theo số liệu ước tính khoảng 36% số hộ ở cấp xã tự tiêu hủy chất thải tại gia đình bằng các hình thức như chôn lấp, làm chất độn chuồng và phổ biến nhất là đốt thủ công ngay trong vườn nhà, chất thải rắn được đổ tại các bãi rác tạm.

Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất khó khăn, rác thải được thải trước tiếp ra ao hồ, sông, suối, ruộng đồng hoặc tập trung tại các bãi rác tự phát, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo khoa học bàn về giải pháp quản lý và mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay bước đầu đã có kết quả nhất định, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa được quản lý, xử lý và thải bỏ một cách an toàn, đây chính là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, nhiều trường hợp gây mất an ninh trật tự địa phương do người dân phản đối. Do đó, Bộ đang xây dựng và hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn.

Ngoài ra, do các bãi chôn lấp chất thải ở khá xa khu dân cư, nên việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hiện đang gặp khó khăn, chi phí vận chuyển lớn từ điểm trung chuyển đến bãi chôn lấp chất thải. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình mới đáp ứng một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyện.

Trong khi đó, nếu nhìn ra ngoài thế giới, ở các nước phát triển, các quy trình thu gom và quản lý chất thải rắn được hoàn thiện hơn, nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất, kỹ thuật đầy đủ, đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường của người dân rất cao. Chính vì vậy, việc phân loại rác thải đầu nguồn rất tốt.

Thêm nữa, xu hướng công nghệ xử lý chất thải rắn trên thế giới trong tương lai là không còn sử dụng công nghệ chôn lấp, các công nghệ tái chế sẽ được phát triển và đẩy mạnh. Đặc biệt là công nghệ nhiệt phân sẽ được ứng dụng rộng rãi, bởi nó cho phép xử lý rất triệt để và giảm thể tích nhất so với các phương pháp khác.

Ở châu Âu, họ sử dụng công nghệ tái tạo năng lượng từ chất thải (W2E) để biến rác thải đô thị công nghiệp thành nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu hỏa trong các nhà máy nhiệt điện hoặc nhà máy sản xuất xi măng.

Hầu hết các nhà máy xi măng tại châu Âu đã sử dụng năng lượng nhiên liệu rác thải, có những công ty sử dụng 100% nhiên liệu từ rác. Điều này đã mang lại được giá trị lớn cả về kinh tế và môi trường.

Bài toán khó khi tăng trưởng kinh tế đi kèm lượng chất thải rắn ngày càng lớn
Chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh

Phân loại rác tại nguồn là vô cùng quan trọng

Số liệu thực tế mới nhất cho thấy, dân số Việt Nam đang ở mức trên 93 triệu dân, trung bình mỗi người thải ra 1,2kg chất thải rắn mỗi ngày và khoảng 16% trong số đó là rác thải nhựa, phần lớn bị trôi ra sông và biển.

Một trong những nguyên nhân hạn chế việc tái chế rác thải, và phần lớn phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp là do chưa thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn.

Theo Bà Mina Vilkuna, Phó Chủ tịch Công ty BMH (BMH Technology Oy), ở Phần Lan và nhiều nước châu Âu, việc phân loại rác tại nguồn được quy định trong pháp luật, trong khi tại các thành phố lớn ở nhiều nước đang phát triển, mọi thứ đang lẫn lộn trong các đống rác và độ ẩm rác cũng cao. 

Mới đây, UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 44/2018 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, có hiệu lực thi hành từ ngày 24/11/2018. 

Theo quyết định này, chất thải rắn sinh hoạt được chia thành 3 loại gồm chất thải rắn hữu cơ, chất thải vô cơ và chất thải còn lại, được quy định được bỏ vào bao bì có dán nhãn nhận biết từng loại. Lịch gom rác cũng được quy định cụ thể.

Đặc biệt, các gia đình, chủ nguồn thải sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý.

Cùng với đó, đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi và được quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình không thực hiện phân loại.

Đây không phải lần đầu UBND TP.HCM nỗ lực giải quyết vấn đề này. Từ năm 1999, thành phố đã thí điểm thực hiện tại một số quận, đến năm 2001 và 2013 lại một lần nữa thí điểm, nhưng đều chưa thành công. 

Việc thực hiện Quyết định 44 cũng không dễ dàng khi phải thay đổi thói quen của người dân... Ngoài ra, phần lớn lượng rác thải sinh hoạt được thu gom bởi lực lượng rác dân lập, nên rất khó để đủ xe gom rác có phân loại để thực thi thường xuyên như trong Quyết định 44.