Bài toán niềm tin trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào y tế

Hoàng Linh - 10:09, 25/02/2019

TheLEADERTrí tuệ nhân tạo (AI) được nhận định sẽ tạo ra những bước đột phá trong ngành y tế nhưng để thành công, niềm tin từ bệnh nhân cùng bác sĩ là yếu tố then chốt.

Vài năm trở lại đây, cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google khi làn sóng công nghệ mới này thu hút sự chú ý của nhiều lĩnh vực và tầng lớp. Trong làn sóng ấy, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những tiến bộ vượt bậc, mang lại nhiều ứng dụng hữu ích cho cuộc sống.

Ứng dụng AI cũng như thị trường của các ứng dụng này phát triển rất nhanh trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, điển hình trong lĩnh vực y tế. Nhiều phần mềm, hệ thống có hợp phần chính là AI được ứng dụng thực tiễn, khác nhiều so với việc nghiên cứu chủ yếu mang tính lý thuyết cách đây khoảng 20 năm.

Phát biểu tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo trong Y tế, ông Phạm Xuân Viết, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: “Ngay tại Việt Nam hiện nay đã có một hệ thống AI cho chẩn đoán ung thư được vận hành trên thực tế và được các chuyên gia về y tế đánh giá cao”.

“Thị trường AI trong y tế tăng trưởng đến 40% - một con số lớn nhưng chuyện này không có gì lạ. Y tế luôn luôn là một lĩnh vực rộng và đặt ra những bài toán khó cả trong quản lý và chuyên môn. Do đó, rất cần đến ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Để y tế Việt Nam không lạc hậu thì chúng ta phải ứng dụng được AI”, ông Viết nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của GS. Nguyễn Tiến Dũng từ Đại học Toulouse (Pháp) tại hội thảo, thị trường AI y tế toàn cầu đạt khoảng 2,1 tỷ USD năm 2018 và dự kiến đạt 36 tỷ USD năm 2025, chiếm 20% toàn bộ thị trường AI.

Việc áp dụng công nghệ mới này vào y tế sẽ giúp giảm 50% chi phí khám chữa bệnh, đồng thời tăng hiệu quả khám chữa lên tới 40%.

“Tính tổng lại, cùng một đồng tiền bỏ ra, bệnh nhân được khám chữa tốt hơn gấp 3 lần nhờ có AI”, ông Dũng cho biết

Bài toán niềm tin trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào y tế
Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc FPT Software

Chia sẻ với TheLEADER bên lề hội thảo, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc FPT Software cho rằng dữ liệu và cơ sở vật chất là lợi thế của Việt Nam trong phát triển ứng dụng AI vào y tế.

Tại các quốc gia đã phát triển, các quy định liên quan đến thông tin cá nhân, bảo mật cá nhân rất chặt chẽ nên việc có được dữ liệu gặp nhiều khó khăn. “Nếu tận dụng được những lợi thế trong việc thu thập và tập trung dữ liệu, Việt Nam sẽ có những sản phẩm AI vượt trội so với mặt bằng”.

Tuy vậy, quá trình thực nghiệm được nhận định sẽ là rào cản đối với ứng dụng AI trong y tế tại Việt Nam.

“Bản chất của AI là máy học trong quá trình thử nghiệm nên nếu yêu cầu phải hoàn thiện mới được thực nghiệm, ứng dụng sẽ không bao giờ phát triển, từ đó kéo dài quá trình xây dựng. Bộ Y tế, các bệnh viện cần có một cơ chế nào đó để các ứng dụng AI rất sơ khai có cơ hội được đưa vào thực tiễn”.

“Chúng ta cần mạnh dạn tạo ra hành lang pháp lý để việc thực nghiệm được tiến hành ngay, rút ngắn thời gian và đặc biệt có thể sử dụng trong các bệnh không gây chết người”, ông Tuấn đề xuất.

Điều quan trọng đối với thực nghiệm thành công chính là việc thay đổi thói quen và niềm tin của bác sĩ cũng như bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh. Các bác sĩ sẽ chuyển từ đọc giấy tờ sang đọc máy tính và các dữ liệu số trong khi người bệnh cần đặt niềm tin vào máy móc thay vì người khám chữa bệnh như trước đây.

Chia sẻ về vấn đề nhân lực, vị Tổng giám đốc FPT Software nhấn mạnh việc phát triển ứng dụng AI nói chung đòi hỏi sự hội tụ của 3 tài năng, bao gồm những người giỏi về thuật toán AI, những người giỏi về chuyên môn và lực lượng công nghệ thông tin.

“Ví dụ việc ứng dụng vào y tế cần các bác sĩ giỏi của y tế, thầy giỏi thì trò mới giỏi bởi AI thực chất là cái máy học. Lực lượng công nghệ thông tin chỉ đóng vai trò xây dựng sản phẩm chạy mượt, chạy nhanh, đáp ứng được nhiều yêu cầu cùng một lực”.