Bàn giải pháp dùng tro xỉ nhiệt điện để sản xuất vật liệu xây dựng

Ngọc Thiện - 12:01, 04/10/2017

Sáng 3/10, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo “Sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Bàn giải pháp dùng tro xỉ nhiệt điện để sản xuất vật liệu xây dựng
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP Cần Thơ tại hội thảo.

Theo Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, cả nước có 21 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động và sử dụng một trong hai loại công nghệ đốt là đốt than phun PC và công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn CFB. Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/03/2016, dự kiến đến năm 2030, cả nước có 57 nhà máy nhiệt điện hoạt động. 

Theo điều tra tính toán đến cuối năm 2017, lượng tro xỉ, thạch cao tồn chứa trên cả nước khoảng 40 triệu tấn và hàng năm thải ra trên 15 triệu tấn. Trường hợp các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 là 61 triệu tấn; đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 là 422 triệu tấn. 

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 3 cụm nhiệt điện sử dụng công nghệ đốt than phun PC bao gồm Nhiệt điện Duyên Hải I, Duyên Hải III vận hành từ năm 2016 đến đầu 2017 với tổng công suất phát điện là 1.445 MW, mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro xỉ. 

Dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm các nhà máy nhiệt điện Long Phú I, Long Phú II, Sông Hậu I, Sông Hậu II, Duyên Hải III mở rộng hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 5.505 MW; mỗi năm tiêu thụ khoảng 16,52 triệu tấn than và thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Từ sau năm 2020 đến năm 2030 sẽ có thêm 9 nhà máy nhiệt điện trong vùng hoạt động, nâng công suất phát điện lên 18.225 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 54,68 triệu tấn than và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. 

Lượng tro xỉ, thạch cao sẽ tạo ra thách thức khi phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa.

Để giải quyết bức xúc gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện và phân bón hóa chất, Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1696 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và qua 2 năm triển khai thực hiện Quyết định 1696 đã đạt được kết quả nhất định. 

Mới đây, ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng”. Thời gian thực hiện đề án này từ năm 2017 - 2020. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện tiêu thụ trong thời gian tới việc phát triển các nhà máy điện với công nghệ tham sạch sẽ tiếp tục được quan tâm phát triển. Theo đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp kỹ thuật để đảm bảo các nhà máy điện than gắn với mục tiêu phát triển bền vững bảo vệ môi trường; trong đó, lưu ý các nhà máy máy nhiệt điện than như loại bỏ các nhà máy điện than có công nghệ cũ, cải tạo công trình bảo vệ môi trường như khí thải, nước thải… Các nhà máy điện than hoàn thành phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động trên vùng khí thải, nước thải và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên Môi trường các địa phương giám sát… 

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than đang là thách thức lớn cho sự phát triển của các nhà máy nhiệt điện than do thiếu cơ chế chính sách, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường phù hợp. Hội thảo này là dịp để các bộ, ngành thảo luận, trao đổi giải pháp cơ bản nhằm xử lý tro xỉ của các Nhà máy nhiệt điện ở Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và việc sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long… 

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các doanh nghiệp sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng đã trình bày các báo cáo nghiên cứu, các kinh nghiệm xử lý tro xỉ làm vật liệu xây dựng cũng như các văn bản, quy định mới về việc xử lý tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt diện, phân bón hóa chất… 

Tiến sĩ Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, theo tính toán lượng tro sỉ, thạch cao sử dụng để làm xi măng, san lắp, làm đường giao thông chống sạt lở… sẽ giúp tiêu thụ được 30% tổng lượng tro xỉ. Bên cạnh đó, dùng tro xỉ thay cho đất sét, làm nguyên liệu sản xuất gạch nung sẽ giúp tiêu thụ khoảng 15% tổng lượng tro xỉ… Vấn đề cần làm nhanh hiện nay là nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật được ban hành trong năm nay và chậm nhất là trong năm 2018 sẽ có đầy đủ bộ công cụ kỹ thuật để xử lý các vấn đề tro xỉ, thạch cao. 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đối với Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I và Duyên Hải III trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 7 đối tác đã ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 2,9 triệu tấn tro xỉ, bằng 210% tổng khối lượng tro xỉ trung bình hàng năm của 2 nhà máy và bằng 160% lượng tro xỉ đang lưu giữa tại bãi thải sỉ. Lượng tro xỉ được các đối tác mua để sử dụng làm phụ gia trong sản xuất xi măng. 

Từ khi vận hành đến ngày 13/7/2017, hai nhà máy điện Duyên Hải đã xuất bán lượng tro xỉ tổng cộng là 134.196 tấn, bằng 7,1% tổng sản lượng tro xỉ từ khi vận hành của 2 nhà máy. Tổng Công ty Phát điện I đang nghiên cứu lập dự án đầu tư đường ống vận chuyển tro bay bằng khí nén ra cảng biển để giảm chi phí vận chuyển và tiếp cận các đối tác tiêu thụ với khối lượng lớn…