Bán hàng xuyên biên giới trong giai đoạn 'bình thường mới'

Việt Hưng - 15:48, 16/12/2020

TheLEADERViệt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trước tình hình đại dịch tác động tiêu cực đến nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương trong chín tháng đầu năm 2020.

Không chỉ thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Với nhiều khách hàng, các kênh bán hàng trực tuyến đã trở thành lựa chọn an toàn và tiện lợi hơn cả, thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang trên đà phát triển trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt năm 2020, nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng - đổi từ cách thức mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành trạng thái “Bình thường mới".

Doanh nhân, nhà đầu tư Thái Vân Linh (Shark Linh) nhận định, một trạng thái "Bình thường mới" đang được hình thành cùng với sự chuyển đổi số và sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử. Điều này đã mang lại cho các chủ doanh nghiệp sở hữu thương hiệu và sản xuất hàng "Made-in-Vietnam" cơ hội mở rộng kinh doanh trên toàn cầu.

"Tôi đã nhận thấy những cơ hội dành cho doanh nghiệp Việt khi họ sở hữu thế mạnh về chất lượng sản phẩm và giá thành - những yếu tố giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế", bà Linh chia sẻ.

Bán hàng xuyên biên giới trong giai đoạn 'bình thường mới'
Bán hàng xuyên biên giới trong giai đoạn 'bình thường mới'

Cụ thể, thay vì sử dụng mô hình xuất khẩu truyền thống bao gồm nhiều thủ tục phức tạp, thương mại điện tử xuyên biên giới giúp người bán hàng tối ưu hóa quy trình xuất khẩu và tiếp cận khách hàng quốc tế một cách trực tiếp.

Từ đó, nhà bán hàng có thể giảm thiểu những khoản đầu tư vào cửa hàng truyền thống, chi phí tìm kiếm và tiếp cận khách hàng mới, cũng như thúc đẩy khách hàng truy cập các trang web của thương hiệu.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trước tình hình đại dịch tác động tiêu cực đến nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương trong chín tháng đầu năm 2020.

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm nay đã đưa đến cơ hội vàng cho người bán hàng chuyển đổi sang hình thức trực tuyến và phát triển kinh doanh toàn cầu.

Đây là lý do vì sao có sự gia tăng nhanh chóng trong số lượng các doanh nghiệp tham gia bán hàng xuyên biên giới, bao gồm các thương hiệu lớn như Trung Nguyên, Biti’s...

"Tập đoàn Trung Nguyên mong muốn truyền tải được những giá trị của mình tới khách hàng tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Vì thế, chúng tôi quyết định đưa thương hiệu cà phê Trung Nguyên lên hệ thống cửa hàng của Amazon. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược mở rộng quy mô kinh doanh của Trung Nguyên, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế", ông Nguyễn Nguyên, đại diện của Tập đoàn Trung Nguyên cho biết.

"Chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều sản phẩm "Made-in-Vietnam" trên các cửa hàng của Amazon toàn cầu đang được đông đảo khách hàng quốc tế ưa chuộng, nhờ chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh", ông Gijae Seong, Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ.

Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam đánh giá, các sản phẩm Made-in-Vietnam như Đồ gia dụng, Phụ kiện thời trang, Dụng cụ nhà bếp và Tiện ích gia đình... trên Amazon, luôn được ưa chuộng bởi khách hàng trên toàn cầu.