Bằng sáng chế thiết kế hay kiểu dáng công nghiệp - Hiểu thế nào cho đúng?

Trâm Nguyễn* - 13:34, 14/02/2023

TheLEADERNếu là người tìm hiểu về “vũ trụ” sở hữu trí tuệ rộng lớn, hẳn bạn cũng biết rằng một hình thức phổ biến của quyền sở hữu trí tuệ chính là bằng sáng chế, trong đó có bằng sáng chế thiết kế (Design Patent). Vậy bằng sáng chế thiết kế là gì? Có phải nó là “bảo vật” toàn năng bảo hộ cho sản phẩm của bạn ở mọi khía cạnh, vào mọi thời điểm?

Bằng sáng chế thiết kế hay kiểu dáng công nghiệp - Hiểu thế nào cho đúng?
Kiểu dáng công nghiệp có tác dụng bảo hộ rất hiệu quả, nhưng phải sử dụng vào thời điểm hợp lý (Ảnh: Career HQ)

Câu trả lời chính xác là: bằng sáng chế thiết kế (hay ở Việt Nam gọi là kiểu dáng công nghiệp) có tác dụng bảo hộ rất hiệu quả, nhưng phải được sử dụng vào thời điểm hợp lý và chỉ ở những khía cạnh cụ thể. 

Món vũ khí hoàn hảo – nhưng phải đúng thời điểm

Chắc hẳn bạn cũng không còn xa lạ gì với Apple và thậm chí còn sở hữu một trong số các sản phẩm máy tính, đồng hồ đeo tay, máy tính bảng hay đủ loại phụ kiện khác của hãng này. Cũng có thể là bạn từng nghe qua về chuyện Apple đã lao vào một cuộc chiến tranh giành bằng sáng chế diễn ra trên khắp thế giới với một “gã khổng lồ” công nghệ khác là Samsung Electronics và chỉ được giải quyết sau nhiều năm kiện tụng.

Có một điều mà có lẽ bạn chưa được biết về cuộc chiến đó là tại Hoa Kỳ, tòa án kết luận rằng Samsung không xâm phạm các bằng sáng chế tiện ích (ultility patent) của Apple, vì vậy mà hãng này đã phải dựa vào những bằng sáng chế thiết kế của mình để thắng kiện Samsung. Và nếu chỉ riêng bằng sáng chế thiết kế cũng đủ để giúp Apple đánh bại đối thủ, thì có lẽ bất kỳ ai sáng tạo ra sản phẩm cũng nên cân nhắc việc bổ sung “lớp áo giáp” bảo hộ cho thiết kế của mình. Họ sẽ thấy đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Tất nhiên, bạn phải hiểu được mục đích khi xin cấp phép bằng sáng chế thiết kế. Mặc dù bằng sáng chế này là món vũ khí hoàn hảo trong những thời điểm cụ thể - chẳng hạn như khi bạn muốn yêu cầu tòa án đưa ra lệnh cấm tạm thời với đối thủ cạnh tranh vì đã triển lãm sản phẩm nhái thiết kế của bạn tại một hội chợ thương mại – chúng là những món vũ khí chuyên biệt chỉ nên sử dụng vào đúng dịp.

Hiểu rõ quyền của bạn

Bất kể bạn cân nhắc đăng ký cấp bằng sáng chế thiết kế vì lý do gì, bạn vẫn cần phải nắm rõ việc bằng sáng chế thiết kế mang lại những quyền gì và các hạn chế của bản thân loại hình bằng sáng chế này. Một hạn chế lớn đó là bằng sáng chế thiết kế - cũng giống bằng sáng chế tiện ích - đều không bảo hộ ý tưởng, vì không có một hình thức sở hữu trí tuệ nào có thể bảo hộ một ý tưởng cả.

Tương tự, bằng sáng chế thiết kế không bảo hộ một phát minh, hoặc chí ít là không bảo hộ theo cách mà các nhà phát minh và luật sư chuyên về bằng sáng chế thường nhầm tưởng. Thay vào đó, bằng sáng chế thiết kế chỉ bảo hộ các thiết kế bề mặt và thiết kế trang trí.

Bằng sáng chế thiết kế chỉ tập trung vào ngoại hình chứ không phải kết cấu bên trong và càng không phải là vào chức năng. Vì lẽ đó mà nhiều chuyên gia về bằng sáng chế đã gọi bằng sáng chế thiết kế là “bằng sáng chế hình ảnh”. Hiểu bằng sáng chế theo cách này sẽ giúp bạn nắm được những hạn chế trong phạm vi bảo hộ vì thiết kế chỉ là các bản vẽ và một bằng sáng chế thiết kế gần như không bảo hộ yếu tố nào khác ngoài những gì được thể hiện rõ ràng trong bản vẽ thiết kế. 

Liên quan đến vấn đề này, có một điều mà bạn cần lưu ý là việc đăng ký bằng sáng chế thiết kế phụ thuộc rất nhiều vào các bản vẽ bằng sáng chế. Bạn không được lơ là khâu vẽ minh họa bằng sáng chế sao cho chuyên nghiệp; đây là yếu tố QUYẾT ĐỊNH của bằng sáng chế thiết kế.

Bảo vệ tối đa

Bạn nên xem xét đăng ký các bằng sáng chế thiết kế khác nhau để bảo hộ những phiên bản có diện mạo khác nhau. Nói cách khác, nếu bạn sáng tạo ra hai cách thể hiện trực quan sản phẩm khác nhau thì chỉ một bằng sáng chế thiết kế là không đủ để bảo hộ cả hai, trừ khi chúng gần như tương tự nhau (tức là chỉ có rất ít sự khác biệt và không dễ nhận ra).

Quá trình xem xét đơn đăng ký bằng sáng chế tiện ích không đòi hỏi đặt ra hạn chế cho nhiều phát minh khác nhau, nhưng đây lại là điều bắt buộc đối với đăng ký bằng sáng chế thiết kế. Điều này nghĩa là nếu bạn sở hữu nhiều thiết kế, gần như chắc chắn bạn sẽ phải đăng ký nhiều bằng sáng chế thiết kế trừ trường hợp giữa chúng chỉ có sự sai khác đôi chút. Và vì việc kiểm tra xâm phạm bản quyền được thực hiện thông qua cách quan sát bằng mắt thường, tốt nhất là bạn cần đăng ký bằng sáng chế thiết kế cho từng phiên bản riêng, cho dù sự khác biệt có nhỏ đến đâu chăng nữa.

Bạn cũng phải hiểu rằng bằng sáng chế thiết kế chỉ bảo hộ diện mạo của một sản phẩm chứ không phải cách thức vận hành của nó. Để bảo vệ chức năng, kết cấu, cách vận hành và hoạt động bên trong của một phát minh, hãy cân nhắc đăng ký bằng sáng chế tạm thời hoặc bằng sáng chế chính thức bên cạnh bằng sáng chế thiết kế. Ngoài ra, mặc dù không có mức độ bảo hộ mạnh mẽ như bằng sáng chế tiện ích nhưng bằng sáng chế thiết kế lại cho phép bạn đưa ra thông báo “bằng sáng chế đang chờ được cấp” hoặc “đã được cấp bằng sáng chế” (tùy từng trường hợp), vốn rất hữu dụng cho hoạt động bảo hộ bản quyền của bạn.

Điều này không đồng nghĩa với việc bằng sáng chế thiết kế không đáng giá; chúng thực sự có giá trị. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ sở hữu toàn bằng sáng chế thiết kế thì chúng sẽ không thể đáp ứng hết nhu cầu bảo hộ sản phẩm của bạn. Lựa chọn lý tưởng nhất vẫn là sự kết hợp hợp lý giữa bảo hộ tiện ích và bảo hộ thiết kế.

* Bài viết trình bày quan điểm của bà Trâm Nguyễn, công tác tại văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, trụ sở tại Manhattan, New York City.