Bảo vệ môi trường bằng cơ chế thị trường

Phạm Sơn - 10:40, 28/01/2022

TheLEADERTrách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất hay thị trường tín chỉ carbon là những công cụ bảo vệ môi trường dựa trên cơ chế thị trường, đặt nguồn lợi về tài chính làm động lực cho sự thay đổi mang tính bền vững.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào hiệu lực với nhiều điểm nhấn quan trọng, hứa hẹn tạo sự đột phá cho hoạt động bảo vệ môi trường. Trên quan điểm “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, nhiều nhóm công cụ đã được đưa ra, đặt trách nhiệm về tài chính cho những hoạt động gây ô nhiễm.

Kể từ năm 2022, nhà sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm tạo ra rác thải khó xử lý, thu gom, không có giá trị tái chế sẽ phải đóng thêm mức phí đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

Đây là một nội dung của công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Theo giải thích của Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, công cụ này nhằm tạo ra động lực giúp doanh nghiệp phải thay đổi thiết kế sản phẩm, sử dụng nguyên vật liệu làm sao tăng hiệu quả thu gom và khả năng tái chế, xử lý.

Khoản phí đóng góp sẽ được chi cho những đơn vị thu gom, xử lý, tái chế các loại rác thải nói trên, cũng như hỗ trợ các nghiên cứu, sáng kiến, giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực quản lý chất thải.

Bên cạnh đó, kể từ năm 2024, đối với một số ngành hàng như bao bì, săm lốp, pin và ắc quy…, nhà sản xuất được lựa chọn giữa tự thực hiện thu gom, tái chế hoặc đóng phí vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

Khoản phí đóng góp sẽ cao hơn chi phí tự tổ chức thu gom, tái chế, nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp tương tự như trên. Thông tư quy định chi tiết hiện đang được Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng, sẽ sớm ban hành trong thời gian tới.

Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp đang có những bước chuẩn bị để thực thi công cụ EPR, có thể kể đến như Chương trình Việt Nam Tái chế của nhóm ngành điện tử; Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) của nhóm ngành bao bì…

Một công cụ khác được triển khai là tín chỉ carbon, về bản chất là một loại “giấy phép” cho phép chủ sở hữu được phát thải một lượng khí thải carbon nhất định.

Dự kiến, đến năm 2025, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được triển khai thí điểm. Trên sàn giao dịch này, những đơn vị có lượng phát thải cao như nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng… sẽ phải mua tín chỉ của những cơ sở sản xuất, kinh doanh có lượng phát thải thấp hay có khả năng thu hồi carbon.

Với công cụ EPR và sàn giao dịch tín chỉ carbon, sẽ có một nguồn vốn đáng kể rót vào những lĩnh vực bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý, tái chế rác thải; năng lượng sạch; trồng rừng…

Đáng chú ý, nguồn vốn này không đến từ Nhà nước mà đến từ chính những doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, những công cụ kể trên vừa đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường, vừa tạo tác động hạn chế những hành vi gây ô nhiễm mà không đòi hỏi nhiều nguồn lực của Nhà nước.

Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, những công cụ này chính là đang bảo vệ môi trường dựa trên cơ chế thị trường. Trong đó, nguồn lợi về tài chính là động lực để giảm bớt hành vi gây ô nhiễm, tăng cường giải pháp giải quyết ô nhiễm, trái ngược lại với suy nghĩ trước đây là “bất chấp môi trường vì lợi ích kinh tế”.