Bình Dương tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động quay trở lại

Hứa Phương - 14:12, 13/11/2021

TheLEADERBình Dương sẽ tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho lao động ở các tỉnh, thành phố quay trở lại làm việc tại địa phương này trong tháng 11.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã có kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho tất cả các lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc.

Bình Dương tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động quay trở lại
Người lao động chưa tiêm đủ mũi vaccine khi quay trở Bình Dương làm việc sẽ được hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vaccine Covid-19 miễn phí

Cụ thể, người lao động chưa tiêm đủ mũi vaccine khi quay trở Bình Dương làm việc sẽ được hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vaccine Covid-19 miễn phí tại 2 điểm tiêm ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex (phường Lái Thiêu, TP. Thuận An) và Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát).

Thời gian triển khai từ nay đến hết tháng 11, người dân khi đến tiêm cần mang theo giấy CMND/CCCD và phiếu xác nhận tiêm mũi 1 (đối với những người đã tiêm 1 mũi ở nơi khác).

Ngoài ra, hai bệnh viên trên cũng sẽ tổ chức các trạm y tế trong khu công nghiệp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu thăm khám sức khỏe, tiêm vaccine cho người lao động.

Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong đợt dịch vừa qua có khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phân chia thành từng nhóm.

Thứ nhất là người lao động có hợp đồng chính quy, tương đối ổn định và dài hạn, làm việc ở các doanh nghiệp lớn, đặc biệt khu chế xuất, khu công nghiệp. Đối với nhóm này ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và một phần Long An trong đợt dịch vừa qua vẫn được doanh nghiệp trả một phần lương nên tỷ lệ quay lại tương đối tốt.

Hai là những người lao động, công nhân làm việc ở xí nghiệp nhỏ, công trường, lao động thời vụ. Số này khi dịch đến thì người thuê lao động không có cam kết dài hạn, không biết khi nào quay lại.

Ba là lao động tự do, số này ở miền Nam, đặc biệt ở TP.HCM rất lớn. Thứ tư là những người đi theo.

Theo Phó thủ tướng, để người lao động yên tâm khi quay trở lại làm việc là phải kiểm soát dịch tốt, vì tâm lý người lao động sợ nhất là quay lại làm rồi rơi vào vòng phong tỏa nếu dịch bùng phát.

Tiếp đó là phải mở cửa lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học, vì đa phần công nhân có con nhỏ ở bậc học này. Theo phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đây không phải chỉ là vấn đề giáo dục mà còn giải quyết cho lao động.

Về phía người lao động khi quay trở lại, họ muốn được hỗ trợ về nhà trọ trong một thời gian; và với sự can thiệp, phối hợp của chính quyền, những người thuê lao động dù lớn hay nhỏ, vẫn trả một phần lương khi có dịch.

Với giải pháp ở tầm Trung ương, phó Thủ tướng nhấn mạnh việc rà soát tất cả quy định về phòng, chống dịch sao cho an toàn và không quá phức tạp, đặc biệt là việc xét nghiệm, xử lý F1, F0 phát sinh trong doanh nghiệp phải linh hoạt.

Bên cạnh đó, ông cho rằng cần đưa ra một số quy định có tính chất tạm thời nhưng thiết thực cho doanh nghiệp, ví dụ xem xét quy định tạm thời về số giờ làm việc.

Phó thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của địa phương trong việc chủ động kết nối giúp người lao động quay trở lại bằng cách đưa đón, chủ động tiêm vaccine, cung cấp thông tin chi tiết.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có hướng dẫn phương án xử lý F0 trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp trong trạng thái bình thường mới.

Cụ thể, điều kiện để doanh nghiệp có ca mắc, nghi mắc Covid-19 được tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh là có sự đồng thuận bằng văn bản giữa người lao động và doanh nghiệp trước sự chứng kiến của tổ công đoàn tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện thực hiện phong tỏa theo quy mô dịch tại dây chuyền, phân xưởng hay toàn bộ cơ sở sản xuất.

Trong đó khu vực phong tỏa có người lao động mắc hoặc nghi mắc Covid- 19 tham gia sản xuất, kinh doanh tại dây chuyền, phân xưởng phải tách biệt với các dây chuyền, phân xưởng khác và đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn không để xảy ra lây nhiễm chéo giữa các dây chuyền, phân xưởng.

Điều kiện sinh hoạt, ăn uống, dinh dưỡng, thuốc điều trị tại chỗ và được hưởng các chế độ dành cho người lao động mắc, nghi mắc Covid-19 tiếp tục tham gia sản xuất tại khu vực phong tỏa theo quy định hiện hành.

Thiết lập phòng y tế, khu vực cách ly y tế tại xí nghiệp, nhà máy và khu công nghiệp, có ít nhất 1 bác sĩ, y sĩ đã được tập huấn điều trị bệnh nhân Covid-19. Trang bị đầy đủ bình oxy, máy Sp02 và các cơ số thuốc để điều trị, sơ cấp cứu cho người lao động mắc, nghi mắc Covid-19 theo quy định.

Ký liên kết với các bệnh viện, phòng khám đa khoa, trạm y tế lưu động trên địa bàn đảm bảo có cán bộ trực 24/7 và có xe cấp cứu để vận chuyển các trường hợp mắc Covid-19 trở nặng kịp thời đến cơ sở y tế đủ điều kiện điều trị không để xảy ra trường hợp tử vong tại nhà máy, xí nghiệp hoặc khu công nghiệp.

Trên địa bàn các khu, cụm công nghiệp phải có tối thiểu 1 trạm y tế lưu động, phòng khám đa khoa đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.