Bình Thuận tiếp tục xin cơ chế cho các dự án điện tỷ đô

Thái Bình - 12:02, 23/10/2020

TheLEADERLiên quan tới đề xuất các dự án điện gió vào quy hoạch điện VIII, tỉnh Bình Thuận kiến nghị cần có các cơ chế ưu tiên, đặc thù để xử lý nhanh.

Bình Thuận tiếp tục xin cơ chế cho các dự án điện tỷ đô
Tỉnh Bình Thuận đề xuất có cơ chế ưu tiên, đặc thù cho các dự án điện gió ngoài khơi

UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Bộ Công thương tổng hợp danh mục các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đề xuất tính toán trong Quy hoạch điện VIII và đề nghị xem xét đưa các dự án điện gió mới vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Nhóm thứ nhất là các trường hợp được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2012. Cụ thể, có 4 dự án (100MW) đã hoàn thành, phát điện (riêng dự án điện gió Phú Quý 6MW không nằm trong danh mục phê duyệt kèm theo Quyết định năm 2012 của Bộ Công thương). 

12 dự án (tổng công suất 497MW) đã được tỉnh cấp chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư. 

6 dự án (tổng công suất 185,5MW) đã được tỉnh đồng ý chủ trương đo gió, đang hoàn chỉnh hồ sơ trình xin cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, ghi nhận 2 dự án (35MW) thuộc danh mục được Bộ Công thương phê duyệt năm 2012, đến nay nhà đầu tư đang đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát, đo gió.

Nhóm thứ hai là các dự án điện gió đã được tỉnh và nhà đầu tư đề xuất, trình Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ xem xét. 

Trong đó, 3 dự án trên đất liền với tổng công suất 142MW gồm: Điện gió Hòa Thắng 2.2 của Công ty CP Win Energy, điện gió Hồng Phong 3.1 và Hồng Phong 3.2 do Công ty TNHH Công nghệ Việt đề xuất) 

7 dự án điện ngoài khơi với tổng công suất 17.600MW, các dự án đều có quy mô rất lớn. Điển hình như điện gió ngoài khơi ThangLong Wind (nhà đầu tư Công ty Enterprize Energy đề xuất quy mô 3.400 MW với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11,9 tỉ USD). 

Điện gió ngoài khơi La Gàn (liên danh Công ty CP Năng lượng dầu khí châu Á - Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - Công ty TNHH Novasia Energy đề xuất quy mô 3.500MW). Điện gió ngoài khơi Bình Thuận (Công ty TNHH Xuân Thiện – Ninh Bình đề xuất công suất 5.000MW)…

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã kiến nghị một số nội dung tới Bộ Công thương. Trong đó, có thể kể tới nội dung xoay quanh quy hoạch khoáng sản – vốn là vướng mắc chính của hàng loạt dự án lớn trên địa bàn tỉnh. 

Cụ thể, tỉnh này kiến nghị bộ báo cáo Chính phủ cho phép các dự án điện điện gió hiện đang nằm trong vùng quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan và vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan được triển khai đầu tư xây dựng.

Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài nguyên và môi trường trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan và vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan theo kết luận của Thủ tướng tại Thông báo 293/TB-VPCP ngày 13/8/2020.

Đặc biệt, với dự án điện gió ThangLong Wind 3.400MW (ngoài khơi mũi Kê Gà), tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ và Bộ Công thương xem đây là dự án điện gió ngoài khơi mang tính đột phá, do vậy được xem xét thẩm định, phê duyệt để sớm bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong quý III/2020.

Cũng theo tỉnh, lĩnh vực điện gió ngoài khơi có những yêu cầu đặc thù từ khâu khảo sát, thiết kế, mua sắm (đặc biệt là turbine gió công suất lớn, từ 9,5MW/turbine đến 15 MW/turbine cho dự án này), gia công chế tạo, lắp đặt ngoài khơi, vận hành, thu xếp tài chính, ... rất khác biệt so với điện gió gần bờ, trên bờ và càng khác biệt so với các dạng năng lượng tái tạo khác.

Do đó, theo tỉnh Bình Thuận, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho điện gió ngoài khơi gắn với chiến lược biển Việt Nam;  xem xét cách thức bổ sung quy hoạch, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, tính toán giá điện, hợp đồng mua bán điện, phương án đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia của các dự án điện gió ngoài khơi theo cơ chế ưu tiên...