Biwase nhận khoản vay 13 triệu USD cho quản lý chất thải

Phương Anh - 09:43, 12/12/2022

TheLEADERKhông chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về quản lý chất thải hiệu quả, hai nhà máy của Biwase nhận khoản vay từ ADB sẽ chứng tỏ với các nhà tài trợ quốc tế và tài trợ thương mại rằng lĩnh vực quản lý chất thải của Việt Nam vừa khả thi vừa hấp dẫn.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và CTCP Nước và môi trường Bình Dương (BIWASE) mới đây đã ký khoản vay trị giá 13 triệu USD, để tài trợ cho việc xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ bùn thải, và một nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng (WTE) ở tỉnh Bình Dương.

Khoản tài trợ này bao gồm 7 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB, và 6 triệu USD từ Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân Leading Asia (LEAP) do ADB quản lý.

Gói tài trợ này cũng bao gồm 7 triệu USD đồng tài trợ song song từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản.

Nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ bùn thải sẽ có công suất xử lý 840 tấn mỗi ngày, trong khi nhà máy WTE sẽ có khả năng xử lý 200 tấn rác thải đô thị và công nghiệp mỗi ngày, để tạo ra 5MW điện năng để sử dụng nội bộ tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương. Sản phẩm đầu ra của nhà máy phân hữu cơ sẽ được bán làm phân bón dùng trong nông nghiệp.

Tổng Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ khu vực tư nhân của ADB, bà Suzanne Gaboury, nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh của Việt Nam đã dẫn tới sự gia tăng đột biến chất thải công nghiệp và đô thị, nhưng nguồn tài chính dài hạn cho các nhà máy xử lý chất thải vẫn là một thách thức.

Dự án này đáp ứng nhu cầu cấp thiết về quản lý chất thải hiệu quả ở tỉnh Bình Dương.

Dự án cũng cung cấp một hình mẫu vững chắc để các bên cho vay thương mại cân nhắc những khoản đầu tư trong tương lai, nhằm giúp thành phố trở nên đáng sống hơn, và phát triển những phương thức tạo ra nguồn năng lượng tái tạo giúp giải quyết căn nguyên của biến đổi khí hậu.

Tỉnh Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất ở Việt Nam, nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng này tạo ra một lượng lớn chất thải rắn.

Năm 2019, toàn tỉnh Bình Dương phát sinh khoảng 2.600 tấn rác thải mỗi ngày, cao hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu. Các cơ sở sản xuất phân hữu cơ từ bùn thải và chuyến hóa rác thành năng lượng công nghiệp có thể giúp giảm lượng rác thải được đưa tới các bãi chôn lấp đang ngày càng gia tăng.

Ông Ramesh Subramaniam, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB, nhận định rằng sự gia tăng nhanh chóng chất thải đô thị và công nghiệp tại các khu vực phát triển nhanh của Việt Nam đang gây áp lực cho hệ thống quản lý chất thải của quốc gia, và nếu không được kiểm soát, có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Dự án này hỗ trợ những nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống quản lý chất thải nói chung. Dự án sẽ cung cấp một mô hình cho các tỉnh khác ở Việt Nam và các nước xung quanh đang tìm cách giảm thiểu chất thải thông qua các hệ thống xử lý hiện đại, và giảm khối lượng rác thải đưa tới bãi chôn lấp.

Ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch HĐQT của BIWASE, cho biết: “ADB là đối tác lâu dài của chúng tôi trong hoạt động hỗ trợ các ưu tiên về nước và vệ sinh của Việt Nam, và chúng tôi mong đợi được tiếp tục hợp tác với ADB trong dự án này. Dự án sẽ chứng tỏ với các nhà tài trợ quốc tế và tài trợ thương mại rằng lĩnh vực quản lý chất thải của Việt Nam vừa khả thi vừa hấp dẫn”.

BIWASE được thành lập năm 1975 với danh nghĩa là đơn vị thuộc sở hữu của chính phủ, và là một trong những nhà cung cấp dịch vụ xử lý rác thải công nghiệp lớn nhất cho các khách hàng thương mại và công nghiệp ở Việt Nam.

Công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 2016, và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào năm 2017. BIWASE là đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn đô thị duy nhất cho tỉnh Bình Dương từ các khâu thu gom, tái chế, xử lý và tiêu hủy cuối cùng.

LEAP là quỹ do ADB quản lý với số vốn cam kết lên tới 1,5 tỷ USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Được thành lập vào năm 2016, LEAP tập trung vào việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân chất lượng cao và bền vững giúp giảm phát thải carbon; cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng; và cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục và truyền thông dễ dàng tiếp cận với chi phí phù hợp cho các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB.

Thời gian qua, điện rác nói riêng và lĩnh vực tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam nói chung ghi nhận những chuyển biến tích cực, từ hành động của người tiêu dùng, doanh nghiệp đến các tổ chức cấp vốn.

Cuối năm ngoái, IFC cam kết đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và chuyển hóa thành điện năng tại tỉnh Bắc Ninh, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam cũng đã nhận chương trình tài trợ xanh đầu tiên với quy mô lớn do VPBank thực hiện với khoản tín dụng trị giá hơn 212 triệu USD do IFC cấp. Chương trình này bao gồm tám nhóm tài sản xanh, trong đó có nhóm “sản phẩm, sản xuất, và công nghệ thân thiện với môi trường và/hoặc phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn”.

Về phía các doanh nghiệp, năm 2019, 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay cùng thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), với mong muốn thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn giúp quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.

PRO Việt Nam sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.

Liên minh này sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.