Bộ Công thương khuyến nghị 6 cách cứu nông sản xuất khẩu thời dịch Corona

Nhật Hạ - 19:26, 04/02/2020

TheLEADERHoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong thời kỳ dịch Corona bùng phát, đặc biệt là mặt hàng nông sản với thời gian bảo quản rất ngắn.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đang diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh. Trung Quốc và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, đã chính thức công bố tình trạng dịch bệnh và áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm và điều trị cho người dân. 

Mặc dù vậy, tình hình tại Trung Quốc vẫn chậm được cải thiện và hiện rất khó dự đoán về thời điểm mà Trung Quốc có thể hoàn toàn kiểm soát được dịch.

Các biện pháp quyết liệt được triển khai để chống dịch như cách ly cả một thành phố, hạn chế đi lại, hạn chế xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập đông người... đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, du lịch, bán lẻ, chứng khoán, logistics.

Bộ Công thương nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn (có thể từ 6 đến 8 tháng), trong đó thương mại biên giới chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.

Trước tình hình đó, ngay từ mùng 5 Tết (28/01/2020), Bộ Công Thương đã có văn bản cập nhật tình hình và đưa ra cảnh báo gửi tới Bộ Nông nghiệp, các tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản; yêu cầu toàn bộ hệ thống thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, đặc biệt là trái cây; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu.

Các chi nhánh Thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam cũng đã và đang tích cực cùng các tỉnh biên giới trao đổi với phía Trung Quốc về thời gian mở lại các chợ biên giới. Bộ cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ.

Mặc dù vậy, Bộ Công thương thừa nhận, “kết quả thu được là chưa nhiều” do 4 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, nhất là xuất khẩu trái cây, do được ưu đãi về thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc, vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn dù Bộ Công thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch trong suốt 2 năm qua. Với sản phẩm xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, chỉ còn cách chờ chợ biên giới được mở cửa trở lại.

Thứ hai, các chủ hàng ngại ngần khi được đề nghị chuyển sang xuất khẩu chính ngạch bởi chuyển sang xuất khẩu chính ngạch đồng nghĩa với việc mất thêm chi phí, chưa kể phải đáp ứng các yêu cầu khác về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... Những gì chuyển được đã chuyển ngay, thí dụ như mặt hàng sợi chuyển từ biên giới về Hải Phòng để xuất qua đường biển nhưng nhìn chung không nhiều.

Thứ ba, mặt hàng trái cây chịu sức ép thời vụ và bảo quản (cao su, cà phê, tinh bột sắn và thủy sản đỡ hơn) nên khó xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn.

Cuối cùng, trái cây nói riêng và nông sản nói chung không dễ chuyển hướng thị trường bởi chưa được nước khác cho nhập khẩu chính thức; hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn thông thường về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì...

Bộ Công thương có 6 khuyến nghị với xuất khẩu nông sản thời dịch Corona
Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Trước tình hình đó, Bộ Công thương đưa ra 6 kiến nghị để giải quyết vấn đề trên.

Đầu tiên, tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đã làm như chỉ đạo hệ thống thương vụ vào cuộc (nhiều thương vụ đã có lịch làm việc với khách trong tuần này), yêu cầu các doanh nghiệp logisctics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu.

Thứ hai, khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài.

Thứ ba, tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước.

Thứ tư, hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức.

Thứ năm, với các lô hàng không đủ điều kiện chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức thì ưu tiên giải phóng hàng khi chợ biên giới được mở lại.

Thứ sáu, khuyến nghị các tỉnh biên giới bố trí diện tích bảo quản và cung cấp đủ điện cho các container lạnh.

Trước ảnh hưởng sâu rộng của dịch và các biện pháp chống dịch, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua cắt giảm lãi suất cho vay. 

Nội các Thái Lan hôm nay dự kiến sẽ thông qua một Chương trình tổng thể để hỗ trợ khẩn cấp cho các công ty lữ hành của họ (cho vay ưu đãi, hoãn trả vốn và lãi trong 6 tháng, tạm hoãn đóng thuế thu nhập v..v), đồng thời giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu bay và giảm phí sân bay để trợ giúp cho ngành hàng không.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là với trái cây, vốn có thời gian bảo quản rất ngắn.

Đồng thời đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay... để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay, góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân.