Cà Mau, Lâm Đồng xin lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió

Nguyễn Cảnh - 09:58, 28/08/2021

TheLEADERKhó khăn vận chuyển thiết bị thi công cũng như đi lại của các chuyên gia nước ngoài (do ảnh hưởng của dịch Covid 19) khiến nhiều dự án điện gió không kịp tiến độ để hưởng giá mua điện cố định FIT. Hai tỉnh Cà Mau và Lâm Đồng vừa kiến nghị một số vấn đề nhằm gỡ khó cho nhà đầu tư.

Cà Mau, Lâm Đồng xin lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió
Nhà máy điện gió Cầu Đất tại Lâm Đồng trước nguy cơ lỡ hẹn tiến độ vận hành thương mại trước 1/11/2021 năm nay

Tỉnh Cà Mau hiện có 14 dự án điện gió với công suất 900MW trong quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt. Trong đó, 12 dự án (tổng công suất 700MW) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai thực hiện. Hai dự án còn lại (điện gió Khai Long giai đoạn 2 và giai đoạn 3 chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư).

Để đảm bảo thời gian vận hành thương mại đúng tiến độ, trước ngày 1/11/2021 (để áp dụng giá mua điện theo Quyết định 39 năm 2018 của Thủ tướng), chủ đầu tư các dự án đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt các thiết bị, hạng mục công trình của dự án.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, theo phản ánh của các chủ đầu tư, hoạt động vận chuyển, nhập khẩu thiết bị tua-bin của các nhà cung cấp nước ngoài bị chậm tiến độ. Các chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài phải cách ly y tế, thủ tục lao động mất nhiều thời gian, khó khăn trong huy động nhân lực, vận chuyển máy móc, triển khai thi công dự án…

Do đó, cơ quan chuyên môn đánh giá, dự kiến chỉ khoảng 170MW kịp tiến độ thi công, vận hành thương mại trước 1/11/2021, còn lại 530MW không kịp tiến độ để áp dụng giá bán điện cố định FIT. Việc này, các nhà đầu tư cho biết sẽ gặp khó trong cân đối, hiệu quả tài chính của các dự án, ảnh hưởng đến lợi nhuận, nguồn vốn.

Với những nguyên nhân trên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công, vận hành các dự án, UBND tỉnh Cà Mau vừa có kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét, kéo dài thời gian áp dụng giá mua điện cố định tại Quyết định 39 năm 2018 của Thủ tướng đến hết 31/12/2022. Đồng thời, tỉnh cho biết sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công triển khai dự án, đảm bảo vận hành thương mại các dự án trong thời gian sớm nhất.

Tình thế tương tự cũng đang diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng, tại dự án điện gió Cầu Đất. Căn cứ thực tế, chủ đầu tư dự án (Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương) cho biết khả năng dự án sẽ không kịp hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trước 1/11/2021. 

Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19, khiến hoạt động vận chuyển tua-bia, cánh quạt bị chậm; thời gian thi công, lắp đặt kéo dài. 

Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, công nhân kỹ thuật, chuyên gia nước ngoài gặp khó khăn do không được vào địa phương (do đang ở vùng dịch).

Vị trí thi công dự án (xã Trạm Hành, Xuân Trường thành phố Đà Lạt) lại nằm trong khu vực bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Hiện tại, tình hình triển khai dự án đang diễn ra ở một số hạng mục: hoàn thành thủ tục, đền bù, giải phóng mặt bằng, hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được cơ quan thẩm quyền thẩm định… Tuy nhiên, cánh tuabin gió có 45 cánh, hiện mới vận chuyển về công trường được 2 cánh.

Từ nay tới trước ngày giá FIT hết hiệu lực, chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nên chủ đầu tư rất khó huy động nhân lực, máp móc thi công và đưa nhà máy điện gió Cầu Đất vào vận hành thương mại đúng hạn. 

Mặc khác, hàng loạt khó khăn trong quá trình thi công như vận chuyển thiết bị điện gió (siêu trường, siêu trọng) trên các tuyến giao thông, thực hiện việc tạm dừng thi công để giãn cách xã hội theo yêu cầu của UBND tỉnh để phòng, chống dịch.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, Sở Công thương đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng: Gia hạn thời gian thực hiện cơ chế giá bán điện đối với dự án điện gió Cầu Đất đến hết 31/3/2022.

Điều kiện được gia hạn là áp dụng với dự án điện gió đang triển khai thi công (có hợp đồng mua bán điện được ký kết, hợp đồng mua sắm thiết bị đã ký kết, thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, đang triển khai thi công thực tế…) bị chậm trễ tiến độ vận hành thương mại trước 1/11/2021.

Trước đó ít ngày, UBND TP. Đà Lạt có văn bản đề nghị Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương tạm ngưng việc vận chuyển thiết bị tua-bin điện gió và các chuyên gia, cán bộ công nhân viên của công ty vào địa bàn thành phố để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Các dự án đang triển khai trong quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn Lâm Đồng gồm: Điện gió Cầu Đất (chủ đầu tư là Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương, công suất 68,9MW, đang ký hợp đồng cung cấp Tuabin điện gió với Công ty General Electric International, INC, tiến độ dự kiến vận hành quý IV/2021), điện gió Đức Trọng (Công ty CP đầu tư năng lượng ADN Đức Trọng, công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.829 tỷ đồng, dự kiến vận hành quý IV/2022, đang trình thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở), điện gió Xuân Trường 1 (Công ty TNHH MTV năng lượng gió Xuân Trường), điện gió Xuân Trường 2 (Công ty TNHH MTV năng lượng gió Xuân Trường).

Trong số đó, các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư gồm: điện gió Cầu Đất, điện gió Đức Trọng.

Bên cạnh đó, ghi nhận một số trường hợp đăng ký triển khai như: điện gió Đơn Dương (huyện Đơn Dương; công suất 128 MW, nhà đầu tư Công ty TNHH năng lượng xanh ECO SEIDO), điện gió Tà Năng 1 (huyện Đức Trọng, 113,4MW, Công ty CP đầu tư HLP), điện gió Tà Năng 2 (huyện Đức Trọng, 184,8MW, nhà đầu tư Công ty CP đầu tư HLP).

Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương thành lập năm 2012, vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Dự án điện gió Cầu Đất có công suất 68,9MW, tổng mức đầu tư gần 2.342 tỷ đồng (sau VAT), trong đó vốn chủ sở hữu là 20%, còn lại là vốn vay với lãi suất tạm tính 10,0%/năm (khoản vay có thời hạn 10 năm, ân hạn trả nợ gốc trong thời gian xây dựng). Mỗi năm, nhà máy sản xuất điện lượng thương phẩm là 177.400MWh/năm. Thời hạn dự án là 20 năm.