Các ngân hàng tăng huy động vốn nước ngoài

Phương Anh - 11:48, 21/07/2022

TheLEADERCác khoản vay sẽ giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực thực thi chiến lược trong thời gian tới.

HSBC Việt Nam mới đây cho biết tổ chức này cùng với một số định chế tài chính khác đã hợp tác cung cấp khoản vay hợp vốn trị giá 700 triệu USD, kèm quyền chọn gia tăng thêm 300 triệu USD, dành cho Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Khoản vay gồm ba cấu phần khác nhau, với các kỳ hạn ba, bốn và năm năm. Giao dịch này là khoản vay hợp vốn trung và dài hạn lớn nhất được thu xếp cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

HSBC đóng vai trò là ngân hàng đồng bảo lãnh phát hành, thu xếp vốn và dựng sổ trong giao dịch mang tính lịch sử này, và đã thành công khi thu hút được sự quan tâm vượt mức của thị trường.

Kết quả là giao dịch này có sự tham gia của 26 ngân hàng, với quy mô khoản vay tăng lên 1 tỷ USD từ mục tiêu 700 triệu USD ban đầu.

Khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD này là giao dịch vay hợp vốn thứ ba của Techcombank trong vòng hai năm gần đây. Giao dịch cũng là minh chứng về tiềm năng to lớn của thị trường vốn Việt Nam, cho thấy một nền kinh tế đang trên đà phục hồi tốt, và khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam đối với thị trường toàn cầu.

Trước đó, Techcombank đã tiếp cận thị trường cho vay hợp vốn quốc tế vào tháng 10 năm ngoái, với khoản vay trị giá 800 triệu USD.

Khoản vay tín chấp này bao gồm 600 triệu USD với kỳ hạn 3 năm, và 200 triệu USD với kỳ hạn 5 năm. Lãi suất của khoản tín dụng này bằng lãi suất cho vay USD liên ngân hàng (LIBOR) cộng biên độ 1,35%/ năm cho kỳ hạn 3 năm và 1,62%/ năm cho kỳ hạn 5 năm.

Khoản vay hợp vốn này nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động nói chung cho Techcombank, giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung và dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ ngày càng cao của khách hàng.

Năm 2020, ngân hàng này cũng đã huy động thành công khoản vay hợp vốn nước ngoài đầu tiên trị giá 500 triệu USD. Đây là khoản vay tín chấp có thời hạn 3 năm, với mức lãi suất bằng lãi suất cho vay USD liên ngân hàng (LIBOR) cộng biên độ 1,50%/năm. Số tiền vay được dùng để bổ sung cho nguồn vốn kinh doanh chung của ngân hàng.

Không chỉ Techcombank, nhiều ngân hàng khác cũng đã tiếp cận thị trường quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn.

Đơn cử, hồi giữa tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) cho biết đã phê duyệt khoản vay có giá trị lên tới 200 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).

Khoản vay của DFC sẽ giúp SeABank nâng cao khả năng tài chính để thực hiện tốt hơn các dự án đề ra, tập trung vào khoảng cách tín dụng, giải quyết sự cách biệt giữa nhu cầu tài chính của thị trường và nguồn tiền hiện có của nền kinh tế.

Trong đó, những chiến lược được ngân hàng này ưu tiên phát triển và tập trung là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và đẩy mạnh các dự án xanh vì môi trường, đối phó khủng hoảng khí hậu.

Trước khi nhận được khoản vay từ DFC, SeABank được tổ chức tài chính quốc tế - IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế gồm Banque Internationale de Commerce-BRED, BlueOrchard Microfinance Fund, KasikornBank PCL, OPEC và responsAbility Investments AG cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD.

Cuối tháng 4/2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã rút vốn thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD, kỳ hạn 3 năm.

Đối với khoản vay này, VPBank sẽ có thêm nguồn lực quan trọng để củng cố nền tảng vốn, tăng trưởng bền vững và tiếp tục cung ứng các giải pháp hỗ trợ giúp khách hàng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến nửa năm, VPBank đã nhận được ba khoản vay hợp vốn quốc tế cùng được tham gia thu xếp bởi ngân hàng SMBC của Nhật Bản.

Trước đó, cuối năm 2021, ngân hàng này đã liên tiếp hai lần huy động thành công các khoản vay hợp vốn có tổng trị giá 300 triệu USD.

Không chỉ vậy, cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Tế (VIB) công bố thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 260 triệu USD, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân kinh doanh đồng thời đẩy mạnh tài trợ vốn mua, sửa chữa nhà cho khách hàng cá nhân.

Theo thỏa thuận, đây là khoản vay tín chấp có thời hạn 3 năm, bao gồm khoản vay trực tiếp trị giá 100 triệu USD từ ADB và khoản vay hợp vốn trị giá 160 triệu USD do ADB và ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đồng thu xếp từ 9 định chế tài chính hàng đầu châu Á.

Với thỏa thuận này, VIB và các đối tác sẽ đẩy mạnh tài trợ vốn cho các cá nhân để mua hoặc sửa chữa nhà ở và tài trợ vốn cho hoạt động kinh doanh của các cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.