Cần một TỔNG TƯ LỆNH chịu trách nhiệm về khởi nghiệp quốc gia

Kim Yến - 08:00, 13/10/2017

TheLEADERNgân sách khởi nghiệp giờ đang là một phần "chia chác béo bở", nếu không kiểm soát tốt sẽ có tiêu cực và không hiệu quả.

LTS: Chính phủ "kiến tạo và hành động” là quyết tâm chính trị đã được thực hiện quyết liệt trong 2 năm qua.

Với hàng loạt chủ trương, chính sách mang tính cải cách mạnh mẽ hơn (phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, xóa bỏ giấy phép con, đối thoại với doanh nhân...), Chính phủ đã tạo ra một luồng sinh khí mới, một sự tương tác thân thiện với xã hội, với doanh nghiệp để chia sẻ và phát triển. Mới đây Ban bí thư cũng có chỉ thị tiếp tục mở rộng kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, đây là thông điệp đặc biệt cho thấy Đảng nhìn nhận lại và rõ ràng bản chất, vị thế của doanh nghiệp tư nhân.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, TheLEADER đăng tải những kiến nghị, những phát biểu tâm tình của một số doanh nhân với mong muốn đóng góp vào sự hoàn thiện các chính sách của Chính phủ.

Bài 5: Cần một Tổng tư lệnh chịu trách nhiệm khởi nghiệp quốc gia

(Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Khoa học Tư duy - Bộ Khoa học Công nghệ)

Về chiến lược Quốc gia khởi nghiệp, cần ghi nhận công tác truyền thông, lan tỏa từ Chính phủ đến tinh thần quốc gia khởi nghiệp trong suốt năm qua. Chương trình Quốc gia khởi nghiệp đang được đẩy lên như là "mốt" thời thượng ở khắp nơi và bắt đầu đi vào chiều sâu, có ngân sách cho từng địa phương, bộ ngành tham gia. 

Ngân sách khởi nghiệp giờ đang là một phần "chia chác béo bở", nếu không kiểm soát tốt sẽ có tiêu cực và không hiệu quả.

Theo tôi, về bản chất của startup, chúng ta vẫn thiếu một Quy hoạch tổng thể và chưa trả lời được trách nhiệm kết nối đánh giá các DỰ ÁN (về chuyên môn, hiệu quả) với NGÂN SÁCH (giới đầu tư rủi ro, lộ trình IPO, lên sàn chứng khoán,…) – hiện nay chúng ta để cho các vườn ươm khởi nghiệp và các chủ dự án tự xoay sở. 

Bên cạnh đó, các quy chuẩn khởi nghiệp, các giáo trình bài bản, các tổ chức chứng nhận về IP cho startup vẫn còn chưa được quan tâm để giải quyết đúng phần căn bản, cốt lõi của vấn đề khởi nghiệp. 

Chúng ta cần một TỔNG TƯ LỆNH và một bộ máy Trung ương điều phối, chịu trách nhiệm về khởi nghiệp quốc gia với các tiêu chí và chỉ tiêu cam kết đóng góp vào GDP rõ ràng như cách Singapore đã làm và giao cho Đại học Quốc gia NUS triển khai.

Nên xây dựng ngân hàng startup như Trung Quốc đã làm với Ngân hàng IP-Bank (ngân hàng sở hữu trí tuệ quốc gia do Nhà nước bảo lãnh các IP tốt). Trong IP Bank, phần thấp nhất là IP startup. 

Qua đó, Chính phủ kết nối được các sàn khởi nghiệp với các quỹ đầu tư trên thế giới để rót tiền vào các dự án startup tại Việt Nam. Có như thế, lĩnh vực khởi nghiệp sẽ tạo ra nhiều công ty mới, trẻ, khỏe đủ sức lên sàn chứng khoán và cạnh tranh trên toàn cầu.

Dưới góc độ doanh nhân, doanh nghiệp, tôi nhận thấy Chính phủ đang rất cố gắng và gần nhất là các động thái đi sâu vào hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cùng giải quyết bất cập. 

Đã không còn chỉ là các hội thảo chung chung, hô hào góp ý rồi để đó như trước đây. Chính phủ đã cụ thể hơn khi lập ra nhóm tư vấn từ các lãnh đạo khối doanh nghiệp tư nhân trực tiếp làm việc cho Văn phòng Chính phủ… 

Đây là cách các quốc gia phát triển như Singapore vẫn làm, mạnh dạn giao trách nhiệm và quyền ra các chính sách phát triển từng ngành nghề cho các hiệp hội chuyên ngành – vì họ có chuyên môn sâu và trực tiếp bị/được ảnh hưởng.

Giờ là lúc cộng đồng doanh nghiệp và xã hội kiểm tra xem các chính sách, tư vấn và thực thi các cơ chế hoạt động của Tiểu ban doanh nghiệp tư nhân có thật sự hiệu quả không?

Tôi hình dung nếu Tiểu ban doanh nghiệp tư nhân hoạt động chuyên nghiệp sẽ có KPI báo cáo hàng tháng các chỉ số giải quyết bất cập trong từng ngành nghề, làm cầu nối công bằng và minh bạch hơn giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước nhiều biến động như hiện nay, thời đại công nghiệp 4.0 và dịch chuyển nhanh của khoa học công nghệ toàn cầu, tôi nhìn ra cửa phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam là rất sáng. 

UBER là một ví dụ của giao thông công cộng và thị trường taxi. Thay vì phản ứng với họ, hãy nhìn nhận ở khía cạnh Việt Nam có nhiều cơ hội để triển khai thật nhiều “UBER” khác trong mọi ngành nghề. 

Các chương trình Airbnb.com, Homeaway.com, … đang là những Uber trong du lịch, nghỉ dưỡng… Tôi đang khuyến khích các nhà khởi nghiệp trẻ đi tìm các ứng dụng “UBER” này trong những nơi đang “lầy lội” nhất, kém hiệu quả nhất. Chắc chắn khả năng thành công sẽ rất cao. 

Sự chủ động là quan trọng nhất và đừng để mình bị tụt lại trong phát triển tri thức vào ứng dụng công nghệ.

Tôi vẫn nhắc đi nhắc lại rằng, con đường nhanh nhất vẫn là con đường khởi nghiệp. Nhà nước Singapore đứng ra làm dịch vụ khởi nghiệp rất tuyệt vời. Chúng ta nên học mô hình này để ứng dụng trong điều kiện ở Việt Nam. 

Giải pháp thông minh toàn cầu là con đường ngắn nhất đưa Việt Nam tiến vào thời đại công nghiệp 4.0 với các lợi thế cạnh tranh về công nghệ thông tin, nông nghiệp và du lịch.