Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mở ra nhiều cơ hội vàng từng bị bỏ lỡ

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - 10:17, 03/10/2020

TheLEADERCao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là công trình hết sức quan trọng, cần phải được triển khai quyết liệt và đồng bộ, không phải vì thành tích mà vì trách nhiệm, do đã chậm tiến độ hơn 10 năm qua.

Dầu Giây - Phan Thiết là trục đường huyết mạch Quốc lộ 1, trục xương sống của nền kinh tế phía Nam và là trục giao thông Nam Bắc với lượng vận chuyển container và hành khách đã bị quá tải hơn suốt 10 năm qua. 

Cho đến nay, trục đường Quốc lộ 1 qua miền Đông và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây hơn 90km, có vài chục cây số vẫn còn quy cách của thập niên 70 khi chỉ có 2 làn xe và không hề có dải phân cách. Đây chính là nơi xảy ra rất nhiều tai nạn giao thông thảm khốc.

Việc khởi công tuyến giao thông cao tốc huyết mạch này là tin vui lớn nhất đối với người dân, doanh nghiệp đầu tư và chính quyền của các tỉnh thành phía Nam, nhất là với Bình Thuận. 

Đây cũng là tin vui với các nhà đầu tư các dự án siêu đô thị du lịch đang triển khai trên dọc bờ biển vàng hơn 190 km của Bình Thuận, cùng với nhiều dự án năng lượng điện mặt trời và điện gió quy mô khủng với vốn đầu tư hàng chục tỷ USD (điện gió Kê Gà của tập đoàn Enterprise UK 12 tỷ USD, điện gió La Gàn của Đan Mạch cũng với quy mô tương tự). Một vườn thú safari rộng 3000ha quy mô lớn nhất châu Á cũng đang được gấp rút triển khai tại phía Bắc Phan Thiết.

Trong khi chờ đón tin vui (như một mảnh ghép cuối cùng) về việc chính thức khởi công sân bay Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là nút thắt hết sức quan trọng cần phải được tháo gỡ quyết liệt và triển khai đồng bộ, không phải vì thành tích mà vì trách nhiệm, do chậm tiến độ đã hơn 10 năm qua.

Du lịch vốn được giới chuyên môn xem là ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn dắt các chuỗi kinh tế khác, trong tam giác phía Đông bao gồm TP. HCM - Bình Thuận – Lâm Đồng, cho dù đã bức tốc phát triển nhanh trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng to lớn vốn có. Cao tốc và sân bay không những là hạ tầng thiết yếu, kích thích giao thông du lịch, vận tải mà còn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế. 

Cần lưu ý rằng các tỷ phú không bao giờ có thời gian để ngồi đường bộ với khoảng cách 200km, luôn tắc nghẽn và chậm chạp. Họ thường ngồi máy bay và chuyên cơ di chuyển khắp thế giới. Nhiều nhà đầu tư tầm cỡ đã thoái lui cũng vì hạ tầng giao thông, cụ thể như nhà đầu tư MGM thời gian gần đây đã rút khỏi dự án MGM Hồ Tràm.

Qua theo dõi nhiều năm liền, chúng tôi nhận thấy tầm nhìn hạn chế của lãnh đạo một số địa phương khi chưa mạnh dạn đề xuất những chính sách hạ tầng, hay chưa nhất quán với tầm nhìn rộng và tư duy toàn cầu.

Dải bờ biển vàng của Việt Nam kéo dài từ Hạ Long qua Phan Thiết, Vũng Tàu đến Hà Tiên… là dải bờ biển tuyệt đẹp và ít ỏi còn lại trên thế giới, không những cần phải kết nối liên hoàn, mà còn phải kết nối trực tiếp với nhiều đường bay quốc tế. Qua theo dõi nhiều năm liền, chúng tôi nhận thấy tầm nhìn hạn chế của lãnh đạo một số địa phương khi chưa mạnh dạn đề xuất những chính sách hạ tầng, hay chưa nhất quán với tầm nhìn rộng và tư duy toàn cầu.

Dù sao, việc khởi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (trong số ba phân đoạn cao tốc Bắc Nam vừa được khởi công) là tín hiệu tích cực ban đầu. Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ, căn bệnh trầm kha trong phát triển hạ tầng ở Việt Nam, cần phải được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đầu tư phát triển du lịch và năng lượng, Bình Thuận còn một quỹ đất nông nghiệp rất đáng kể (hơn 100.000ha) với hệ thống thuỷ nông hoàn chỉnh, có thể là một tiềm năng lớn cho nông nghiệp công nghệ cao trong một tương lai gần, cả về trồng trọt và chăn nuôi, chế biến nông sản. 

Với địa hình đa dạng bao gồm đồi núi, đồng bằng, hoang mạc và bờ biển, Bình Thuận có thể phát triển nông nghiệp, năng lượng, du lịch sinh thái, bổ sung vào thế mạnh độc tôn là "thủ đô resort" của Việt Nam. Anh Pascal Lefebvre, ông trùm thể thao biển Mũi Né gần đây đầu tư trang trại sinh thái khá bài bản ở miền núi Di Linh, là một ví dụ tiêu biểu.

Trong báo cáo tư vấn định hướng phát triển hạ tầng du lịch đến 2025 - 2030 của Bình Thuận do Mc Kinsey (Hoa Kỳ) thực hiện, chúng tôi tìm thấy nhiều ý tưởng đồng hành với mong đợi từ lâu. Đó là ý tưởng về công trình du lịch thể thao và giải trí quy mô đẳng cấp quốc tế, như trường đua xe địa hình, trường đua ngựa, vườn thú Safari, khu phức hợp sự kiện thể thao tennis và golf, quảng trường phong cách Disneyland, các bến du thuyền kết nối với các nhà vận hành du thuyền quốc tế, các mô hình không gian sự kiện và lễ hội đang triển khai trong phạm vi dự án NovaWorld Phan Thiết (1.000ha).

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mở ra nhiều cơ hội vàng từng bị bỏ lỡ 1
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ là lực đẩy cho những đại dự án như NovaWorld Phan Thiết

Giao thông là sự kết nối liên hoàn giữa các ngành và chuỗi giá trị, từ kinh tế biển, nông nghiệp, chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ, du lịch và du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái canh nông… Giao thông giúp kéo giãn mật độ đô thị hoá vốn đang quá tải ở TP. HCM và khu vực Đông Nam Bộ, mở ra những không gian sống hài hoà chất lượng cao. Tiếc rằng, chiến lược đầu tư giao thông đã bị chững lại trong những năm gần đây, cộng với vấn đề của các dự án BOT tạo ra những dư luận thiếu tích cực.

Năm 2020 vừa là năm khủng hoảng (Covid-19), vừa là năm bản lề cho việc tạo dựng sức bật kinh tế. Dòng tiền dồi dào hơn, nhất là từ xuất siêu và tích luỹ ngoại tệ, là cơ hội vàng để tăng cường đầu tư hạ tầng, gỡ bỏ những nút thắt giao thông và logistics vốn có chi phí cao hơn trung bình khu vực 20 - 30%.

Nhìn lại vẫn có sự thiếu đồng bộ khi quy hoạch cao tốc khi các trạm dừng dịch vụ, trạm dừng du lịch, trạm dừng tiếp thị nông sản và sản phẩm địa phương vẫn chưa hình thành trong tư duy quy hoạch. Lâu nay các trạm dừng chủ yếu đầu tư bởi tư nhân và kinh doanh các mặt hàng sẵn có hoặc sản phẩm kém chất lượng, chưa liên kết với chiến lược cấp quốc gia điển hình như chương trình sản phẩm đặc sản địa phương OCOP. Việc bố trí và thiêt kế không gian các điểm dừng cũng bị xem nhẹ, dẫn đến sự kém hấp dẫn trong một lộ trình cao tốc với những lối ra được mong đợi như nút giao thông Dầu Giây, trái cây Long Khánh, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết…

Việc xây dựng các điểm dừng trên cao tốc chắc chắn phải có sự tham gia của chính quyền địa phương chứ không thể tự phát hay bởi tư nhân vì không có thẩm quyền can thiệp vào quy hoạch. Những cụm điểm dừng kết nối đường dẫn vào/ra cao tốc thường được quy hoạch cách nhau chừng 20 - 50km và theo từng chủ đề gắn với nhu cầu quảng bá sản phẩm dịch vụ đặc trưng của mỗi địa phương. 

Lấy ví dụ điểm giao lộ nổi tiếng là Dầu Giây. Đây là nơi tập kết hàng hoá cả từ Đồng Nai, Lâm Đồng và các tỉnh miền Đông. Tại đây, cần quy hoạch kết nối không gian giao thông như một trung tâm trải nghiệm, trung chuyển và mua sắm sản phẩm địa phương.

Tương tự như vậy đối với Long Khánh là vùng trái cây tươi ngon nổi tiếng, kể đến là Bò sữa Long Thành và thanh long Bình Thuận. Những trải nghiệm này sẽ thiếu vắng trên lộ trình cao tốc nếu không có sự tham gia của chính quyền hay các tập đoàn kinh tế. 

Lấy một ví dụ cụ thể khác, để dừng chân thưởng thức nhà hàng Cơm tấm Kiều Giang, du khách phải vòng xuống lối ra ngã ba Vũng Tàu, cách cao tốc (TP. HCM - Dầu Giây) vài cây số. Với các trạm dừng hiện tại do chủ dự án cao tốc quản lý thì chỉ phục vụ đổ xăng và vệ sinh cá nhân.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của du lịch và quảng bá sản phẩm địa phương, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết có những quy chế phối hợp liên ngành cho quy hoạch thương mại, dịch vụ dọc theo các tuyến cao tốc nói chung. Bên cạnh đó là sự cải tiến điện tử hoá quy trình thu phí để tránh ùn tắc như đang xảy ra rất phổ biến. Sau cùng, không gì hơn đó là mong mỏi tuyến cao tốc huyết mạch Phan Thiết - Dầu Giây sẽ đi vào vận hành đúng tiến độ.