Chìa khóa thúc đẩy liên kết vùng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh

Tùng Anh - 10:05, 27/11/2022

TheLEADERPhát triển dịch vụ logistics của tam giác động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tương xứng với tiềm năng là yếu tố quan trọng tạo động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Chìa khóa thúc đẩy liên kết vùng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng

Tam giác động lực Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh hoàn toàn hội tụ đủ các điều kiện và xu thế để phát triển thành dải đô thị tương tự như Nhật Bản là lời khẳng định của bà Phạm Thị Lan Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội trong diễn đàn Logistics Việt Nam 2022. 

Khi tạo thành một tam giác động lực, ba địa phương Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh sẽ trở thành cực tăng trưởng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với vai trò: thúc đẩy tăng trưởng nội vùng; kết nối giữa Việt Nam - ASEAN và Đông Bắc Á; tạo hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, từ đó thúc đẩy kết nối với trung du và miền núi phía Bắc; thúc đẩy hợp tác thương mại với Tây Nam Trung Quốc.

Đặc điểm nổi bật về hạ tầng của vùng này là có sự kết nối của đầy đủ các phương thức vận tải: 3 cảng hàng không quốc tế, 300km đường bộ kết nối toàn tuyến từ Hà Nội tới Móng Cái (Quảng Ninh) cùng hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ phát triển; mạng lưới cảng biển tập trung ở Hải Phòng, Quảng Ninh, bao gồm cảng nước sâu và hệ thống cảng thủy nội địa theo trục giao thông đường bộ; tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng và Kép – Hạ Long. Hạ tầng logistics đang được đầu tư hiện đại.

Tuy nhiên, bà Hương nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là giải quyết bài toán phát triển logistics như thế nào một cách nhanh nhất và tạo được hiệu quả tốt nhất vì năng lực logistics của 3 địa phương vẫn hạn chế, không đồng đều về mức độ phát triển và khai thác. Mỗi địa phương đều có những vị thế riêng trong phát triển logistics nhưng chưa được khai thác và phát huy đúng.

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của tam giác động lực Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh vẫn còn ít, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn có đủ năng lực.

Giải pháp từ 4 góc độ

Theo bà Hương, có 4 góc độ chính có thể tính đến khi phát triển logistics cho một vùng kinh tế.

Một là góc độ phân vai theo thế mạnh của địa phương. Theo đó, cần xác định rõ địa phương nào sẽ đóng vai trò kết nối xuất nhập khẩu, địa phương nào trung chuyển phục vụ sản xuất và địa phương nào là trung tâm phân phối phục vụ tiêu dùng.

Bà Hương cho rằng, Hải Phòng và Quảng Ninh nên đi theo hướng phát triển các khu công nghiệp trên nền tảng logistics, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp logistics. Song song đó là phát huy vai trò cung cấp các dịch vụ logistics phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

Trong khi đó, Hà Nội nên hướng đến phát triển mô hình logistics nội đô dựa trên ứng dụng công nghệ để phát huy vai trò trung tâm phân phối hàng hóa cho tiêu dùng và thương mại điện tử phục vụ thị trường toàn miền Bắc. 

Hai là hướng đến giảm áp lực đối với địa phương đang có những áp lực nhất định với logistics. Cần nâng cao vị thế cửa ngõ của Quảng Ninh khi kết nối quốc tế thông qua cửa ngõ đường biển và đường bộ nhưng chưa được khai thác hết mức. Trong khi đó, Hải Phòng cần đẩy mạnh vận tải đường sắt và đường thủy nội địa.

Ba là cần giải quyết bài toán quy hoạch vùng, hướng đến trung tâm logistics chung của các địa phương này, từ đó kết nối được tất cả các phương thức vận tải, ngoài việc mỗi địa phương tự xây dựng quy hoạch của mình.

Bốn là nâng cao chất lượng nhân lực logistics, phát triển mạng lưới đào tạo và gia tăng số lượng doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này ở các địa phương.

Bà cũng cho rằng, cần xây dựng chương trình hợp tác giữa các hiệp hội logistics/hiệp hội ngành nghề của các địa phương về kết nối doanh nghiệp, xây dựng cơ chế khung để thu hút doanh nghiệp logistics lớn đầu tư và hoạt động tại khu vực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đề án xây dựng trung tâm logistics vùng giữa ba địa phương....