Chiếc thuyền nào đưa nông sản Việt cập bến châu Âu?
Hồng Hải
Thứ ba, 14/08/2018 - 10:28
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố then chốt giúp nông sản Việt vững vàng bước vào châu Âu.
Các nhà xuất khẩu của Việt Nam đều đồng ý rằng, nông sản Việt Nam đang gặp phải một số thách thức khi vào Liên minh châu Âu (EU).
Sản phẩm rau quả bị EU rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm, gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu, ví dụ như tần suất kiểm tra trái thanh long tăng lên 20% và các loại rau gia vị tăng lên 50%.
EU cũng đang dự thảo một số quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như hồ tiêu, gia vị.
Không chỉ vậy, khối này cũng xem xét nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng từ chất propiconazole (PPZ) tồn dư trong lúa gạo từ các chế phẩm thuốc trừ sâu. Đây là một loại thuốc trừ nấm được sử dụng rộng rãi trong sản xuất lúa gạo tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan hay Việt Nam.
Đánh giá về những rào cản căn bản doanh nghiệp Việt gặp phải khi xuất khẩu nông sản sang châu Âu trước báo giới, ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh 2 yếu tố: một là bảo hộ và trợ cấp của EU với mặt hàng nông sản và hai là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Quân, các quốc gia EU có yêu cầu rất cao và chặt chẽ về dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu cũng như vấn đề truy xuất nguồn gốc, đặt ra thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Vị Phó vụ trưởng lưu ý rằng “căn bản doanh nghiệp cần quan tâm là chất lượng sản phẩm. Xét ngành hàng nông sản, tương đối nhiều doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức thương mại, do đó doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng”.
“Doanh nghiệp cần chú trọng nhiều đến chất lượng, mà chất lượng không chỉ nằm ở giai đoạn lưu thông vận chuyển mà nằm trong toàn bộ chuỗi, nghĩa là chúng ta phải yêu cầu, hướng dẫn người dân, nông dân, ngư dân sản xuất, đánh bắt theo quy định”, phải hướng theo chuỗi tiêu chuẩn và hướng tới thị trường mục tiêu, ông Quân nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, phải đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm bán sang thị trường châu Âu và truy xuất theo toàn bộ chuỗi.
Châu Âu là thị trường có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm nông sản, đặc biệt ưa chuộng nông sản nhiệt đới. Tuy vậy, đây lại là thị trường đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xét trong thương mại song phương, Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang khu vực này trong bối cảnh châu Âu nằm trong vùng ôn đới, không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới.
Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ nhận định trước báo giới rằng hiện tại, Việt Nam có tiềm năng tương đương với các thị trường khác khi chưa có nhiều điểm khác biệt về nông sản và vẫn hưởng xuất khẩu theo cơ chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU được ký và phê chuẩn, sự khác biệt sẽ rất lớn”. Theo đó, thuế hàng nông sản giảm sâu, tiệm cận 0-5% trong vòng 7-10 năm, gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan riêng. Một số mặt hàng EU bảo hộ cao như gạo, ngô, đường sẽ được hạn ngạch và ở mức tương đối cao so với các nước khác.
“Khi FTA có hiệu lực, các mặt hàng nông sản sẽ được hưởng lợi rất lớn. Số lượng các nước có FTA với EU không ít nhưng cùng sản xuất mặt hàng nông sản thì không nhiều”, ông Quân khẳng định.
Ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và chính trị thế giới cho rằng lĩnh vực nông nghiệp chưa được chú trọng phát triển các mô hình điền trang điền chủ lớn gắn với thị trường nên sản xuất nông sản vẫn mang tính nhỏ lẻ, thường xuyên phải "giải cứu".
Với nhiều thế mạnh sẵn có, nông sản Việt đã có thể vươn mình ra nhiều thị trường lớn, song để chinh phục được những thị trường khó tính như Hàn Quốc, việc đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm cần được đặt lên trên hết.
Trungnam Group chỉ rõ những vướng mắc trọng yếu nhất dẫn tới tình trạng ách tắc trong triển khai, hoàn thành dự án ngăn triều khu vực TP. HCM kéo dài nhiều năm qua.
Thành viên HĐQT Lee Hun Woo sẽ tạm thời đảm nhiệm vị trí quyền chủ tịch sau khi ông Park Won Sang sẽ chính thức từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT KIS Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Báu nhìn nhận, nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, căng thẳng thương mại toàn cầu, phản ứng của NHNN trước áp lực tỷ giá sẽ là những biến số cần quan tâm của năm 2025.