Chiến lược mới về khai thác bauxite

Nguyễn Cảnh - 17:12, 21/07/2023

TheLEADERKhai thác bauxite phải gắn với chế biến sâu là một trong những mục tiêu quan trọng trong Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký duyệt.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được xác định mục tiêu tổng quát như sau.

Tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.

Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bauxitetitan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.

Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

Đáng chú ý là mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược quan trọng trong giai đoạn 2021 – 2030 (tỉnh Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung).

Cụ thể, về khoáng sản bauxite, Chính phủ xác định việc thăm dò, khai thác phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu ra đến sản phẩm alumin); lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án thăm dò và khai thác phải đủ năng lực thực hiện đồng bộ các dự án từ khâu thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường, đặc biệt cần lưu ý phương án thi và xử lý bùn đỏ bền vững, hiệu quả. Các dự án sản xuất nhóm mới bằng công nghệ điện phân phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, trong đó khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Về khoáng sản titan, quy hoạch hướng tới phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản titan với lộ trình và quy mô hợp lý phù hợp với từng giai đoạn, từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ - tuyến, cụm công nghiệp chế biến khoáng sản titan đồng bộ với hạ tầng.

Đồng thời, các dự án titan ven biển có giải pháp đảm bảo cân đối nguồn nước cho sản xuất và nhu cầu dân sinh, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư khai thác, chế biến titan đồng bộ với các sản phẩm chế biến sâu (pigment, dioxit titan, titan kim loại, zircon cao cấp, monazit...)

Đối với những khoáng sản khác như đồng, vàng, chì, kẽm...., mục tiêu là quản lý tốt tài nguyên, khai thác, khâu chế biến phải sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, đảm bảo an toàn và môi trường, thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản để đáp ứng nhu cầu trong nước. Cấp phép thăm dò, khai thác gắn với địa chỉ chế biến sâu.

Các dự án khai thác mỏ, dự án đầu tư chế biến bauxite, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng, chì, kẽm, sắt phải được cơ quan quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản cho ý kiến trước khi cấp phép.

Đặc biệt, là nội dung quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến bauxite giai đoạn 2021-2030. Theo đó, cả nước có 19 đề án thăm dò (với trữ lượng khoảng 1,7 tỷ tấn quặng nguyên khai, riêng tỉnh Đắk Nông 7 đề án, tỉnh Lâm Đồng 8 đề án).

Về chế biến, Chính phủ xác định nâng công suất nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai lên 2 triệu tấn/năm và đầu tư mới 8 dự án (công suất tối thiểu 1 triệu tấn/năm mỗi dự án) tại Lâm Đồng (2 dự án), Đắk Nông (4), Bình Phước (1) và Gia Lai (1). Đồng thời, hoàn thành thí điểm nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông (công suất 300.000 tấn nhôm thỏi/năm), đầu tư mới các dự án nhôm kim loại tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước…

Theo quy hoạch, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản bauxite, sản xuất alumin, nhôm kim loại đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, cung cấp điện, nước, đảm bảo về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với từng giai đoạn cụ thể; Đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên…

Một nội dung khác cũng thu hút chú ý của giới đầu tư nói chung, đầu tư bất động sản du lịch khu vực miền Trung nói riêng, là quy hoạch khoáng sản titan (vốn là nút thắt phát triển của một số địa phương khi chồng lấn, mâu thuẫn với quy hoạch năng lượng, du lịch…).

Thời gian 2021-2030, các hoạt động khai thác/chế biến titan chủ yếu ở các địa phương như Bình Thuận, Quảng Trị, Thái Nguyên. Quy hoạch cho biết, trong trường hợp loại bỏ khai thác các mỏ titan tại Ninh Thuận các dự án chế biến titan đi kèm tại địa phương này sẽ đồng thời được loại bỏ.

Có thể thấy một số địa phương thuộc vùng Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước hay Gia Lai đang trở nên đặc biệt hứa hẹn với giới đầu tư, khi những dự án khai thác/chế biến khoáng sản quan trọng mang tính chiến lược của quốc gia (như bauxite, titan) đã được đề cập trong quy hoạch.

Như TheLEADER đã thông tin, khoảng hơn 1 năm qua, nhiều ông lớn như THACO, TKV, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt Phương… đã có kế hoạch khảo sát, gia tăng đầu tư mở rộng các dự án nhà máy tuyển bauxite và chế biến alumin (trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng) tại khu vực Tây Nguyên.

Điển hình, THACO đề xuất tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu và khảo sát đầu tư tổ hợp nhà máy tuyển bauxite và chế biến alumin, năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp và dự án sinh thái phát triển kinh tế - xã hội khác sau khai thác.

Tổ hợp gồm: nhà máy tuyển quặng bauxite quy mô 500ha (công suất 3,25 triệu tấn quặng tinh/năm), nhà máy Alumin quy mô 500ha (công suất 1,3 triệu tấn/năm), nhà máy sản xuất nhôm quy mô 150ha (công suất 300.000 tấn/năm) đặt tại huyện Bảo Lâm. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 50.000 tỷ đồng.

Dự kiến khu vực quặng bauxite thuộc các xã Lộc Tân, Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), xã Đambri và phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc) với tổng trữ lượng khoảng 573 triệu tấn quặng thô trên tổng diện tích khoảng 108km2 (đáp ứng nhu cầu của dự án hơn 30 năm).

Liên quan đến điện phân nhôm, nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông là dự án sản xuất nhôm kim loại đầu tiên của Việt Nam, đặt tại tỉnh Đắk Nông, nơi có nguồn quặng bauxite lớn nhất cả nước, do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư.

Dự án có công suất thiết kế 450.000 tấn nhôm/năm với nhu cầu alumina khoảng 900.000 tấn/năm. Khi đi vào sản xuất, dự án bao tiêu toàn bộ sản lượng alumin của Nhà máy alumina Nhân Cơ (630.000 tấn/năm) và một phần sản lượng của Nhà máy alumina Tân Rai (270.000 tấn/năm), đồng thời cung cấp đủ toàn bộ lượng nhôm phải nhập khẩu hiện nay.

Tổng mức đầu tư khoảng 680 triệu USD (trong đó 80% là vốn vay), dự án được Chính phủ phê duyệt theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2025, hình thành nhà máy sản xuất nhôm nguyên chất xuất khẩu, tiến tới hình thành các ngành công nghiệp chế biến sâu từ nhôm và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án vẫn nằm chờ hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về chính sách và đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa vào sản xuất.

Quý I/2023, Bộ Công thương đề nghị các tỉnh (Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước): tiến hành rà soát hiện trạng ranh giới các dự án Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 (đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 167 năm 2007) xác định cụ thể ranh giới, diện tích nhà ở dân sinh, dự án phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng cơ sở xây dựng không phép, sai phép, có phép chồng lấn ranh giới khoáng sản bauxite nêu trên.

Các căn cứ, văn bản pháp lý về cấp phép triển khai dự án; tình hình quản lý tài nguyên đối với khu vực này; các giải pháp xử lý đối với các diện tích chồng lấn để tiếp tục quy hoạch, cấp phép khai thác quặng bauxite…