Chiến lược vắc xin: Mũi nhọn để khôi phục kinh tế

Phạm Phú Ngọc Trai - 08:00, 11/02/2021

TheLEADERNăng lực cạnh tranh về kinh tế của thời đại này sẽ tùy thuộc phần lớn vào chiến lược vắc xin của từng quốc gia.

Chiến lược vắc xin: Mũi nhọn để khôi phục kinh tế
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PepsiCo Đông Dương, Chủ tịch GIBC

Con đường bình đẳng

Một cậu học trò của tôi nhắn tin: “Con đã đăng ký thầy cô vô danh sách ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid rồi nhen”. 

Khi hỏi lại mới biết, cậu doanh nhân khởi nghiệp này nhận được thông báo của một đơn vị tư nhân rằng họ đã có thỏa thuận mua 30 triệu liều vắc xin từ Anh. Ai đăng ký trước, chuyển khoản mua thẻ quà tặng trước, thì sẽ được ưu tiên tiêm cho mình và 5 người thân ngay khi vắc xin về tới Việt Nam.

Tôi tự hỏi: “Vậy gần 100 triệu dân còn lại thì sao? Một vài người được ưu tiên như vậy đâu có giải quyết được vấn đề chung của toàn bộ nền kinh tế đang đuối dần đi vì sức ép Covid?”. 

Đã đến lúc chúng ta cần một “chiến lược vắc xin” như là mũi nhọn của toàn bộ kế hoạch dài hạn để khôi phục nền kinh tế vốn vẫn còn nhiều cơ hội như hiện nay.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva mới đây, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi sự phát triển gần đây của vắc xin, nhưng ông lưu ý rằng tầm quan trọng của thành tựu khoa học không thể được phóng đại, nếu nó không được phân phối công bằng.

“Không có loại vắc xin nào trong lịch sử được phát triển nhanh như những loại vắc xin này. Cộng đồng khoa học đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho việc phát triển vắc xin”, ông nói.

Tuy nhiên, ông cho biết cộng đồng quốc tế phải đặt ra một tiêu chuẩn mới để tiếp cận với những loại vắc xin này và đảm bảo chúng có sẵn cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, cho những con người dễ bị tổn thương nhất trên trái đất này. 

Một khi các nhà khoa học hiểu nguyên nhân gây ra dịch bệnh, việc chống lại chúng trở nên dễ dàng hơn nhiều. 

Tiêm vắc xin, kháng sinh, cải thiện vệ sinh, và cơ sở hạ tầng y tế tốt hơn đã cho phép loài người chiếm thế thượng phong trước những kẻ săn mồi vô hình.

Lưu ý rằng, năm 1967, bệnh đậu mùa vẫn lây nhiễm cho 15 triệu người và giết chết 2 triệu người trong số đó. Nhưng trong thập kỷ tiếp theo, một chiến dịch tiêm phòng bệnh đậu mùa toàn cầu đã rất thành công, đến năm 1979, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố rằng nhân loại đã chiến thắng, và bệnh đậu mùa đã bị xóa bỏ hoàn toàn. 

Năm 2019, không một người nào bị nhiễm bệnh hoặc bị bệnh đậu mùa. Điều quan trọng nhất chính là nếu một người trên toàn cầu không tiêm ngừa, thì không ai dám nói là hết dịch đậu mùa lúc đó.

Giãn cách là tạm

Tết này, tôi biết nhiều trường hợp anh em, bạn bè và nhân viên huỷ bỏ toàn bộ kế hoạch về quê, đi chơi Tết hoặc thậm chí, như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đã phải xin phép đóng cửa ở nhà, không đi chúc Tết hoặc đón khách. 

Một ngôi nhà đóng cửa, một nhà máy đóng cửa, một thành phố bị “cách ly” hay một quốc gia – dù đang là điểm sáng nhất của hoạt động chống dịch Covid, xét về dài hạn, là gây ra nhiều tổn thất chưa thể tính toán được.

Bảo vệ người dân trước đại dịch Covid là ưu tiên sống còn ở giai đoạn này, nhưng đưa sinh hoạt trở lại bình thường với ý thức phòng chống bệnh tốt nhất, phục hồi nền kinh tế bằng việc mở cửa đón tiếp nhà đầu tư và khách du lịch nên được xem là một ưu tiên dài hạn trong nghị trình của toàn xã hội. Chúng ta đang làm rất tốt việc phòng chống dịch một cách vô cùng quyết liệt.

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của việc phòng bệnh chính là “vắc xin cho tất cả”. Khi đó, chúng ta mới có thể hi vọng phục hồi kinh tế bền vững. 

Nhiều nhà khoa học nhận định rằng trong cuộc chiến chống lại vi-rút, các nước cần bảo vệ chặt chẽ biên giới, cần phong tỏa các ổ dịch, với các biện pháp nghiêm ngặt như trong chiến tranh. 

Tuy vậy, các giải pháp thời chiến bao giờ cũng ngắn hạn. Về lâu dài, cộng động quốc tế cần phải xây dựng đường biên giới giữa thế giới loài người và thế giới vi-rút. Đường biên giới đó chính là một trường thành vắc xin.

Bình tĩnh, lo âu và hi vọng

Mặc dù trong các thông cáo hay lời kêu gọi tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, các cấp chính phủ đều luôn khuyên người dân… bình tĩnh.

Thực tế, giữ bình tĩnh trong đại họa không phải dễ dàng. Đó là thách thức tâm lý mà hầu hết người sống trong vùng dịch khó vượt qua. Không phải chỉ người dân Việt Nam mà cả hàng tỉ người trên thế giới suốt năm 2020 luôn sống trong sợ hãi và lo âu.

Điều này không những làm cho nền kinh tế thiệt hại mà còn đe dọa sự ổn định của xã hội. Lời giải duy nhất cho bài toán “làm sao đưa cuộc sống trở lại bình thường”, đó không gì khác hơn là mọi người đều được tiêm vắc xin. Vắc xin vẫn là hi vọng! 

Ngày 9/2/2021, đài NHK Nhật Bản công bố kết quả điều tra cho thấy 80% dân Nhật chỉ hi vọng kinh tế phục hồi nếu họ được tiêm vắc xin đầy đủ.

Chiến lược vắc xin
Bảo vệ người dân trước đại dịch Covid là ưu tiên sống còn ở giai đoạn này.

Bài toán phân phối

Khi chúng tôi viết bài này, thì trên thế giới đã có 100 triệu người được tiêm vắc xin, trong đó, hai nước có nền kinh tế lớn nhất và nhì là Mỹ và Trung Quốc, mỗi nước có 41 triệu người đã tiêm ngừa.

Ở Đông Nam Á, tại quốc gia giàu nhất như Singapore thì người dân đã được tiêm vắc xin rồi. Sự phân phối bình đẳng vẫn còn quá xa vời cho người dân những nước nghèo hơn. 

Chính vì lẽ đó mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành lời cảm ơn chân thành cho Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi ông này hứa cấp đủ vắc xin cho Việt Nam. 

Theo như cảnh báo của Tổng giám đốc WHO trên đây, cả thế giới đang gặp vấn đề lớn: làm sao phân phối vắc xin cho thật công bằng, như ví dụ ở đầu bài nêu lên như một nghịch lý tại đất nước Việt Nam 100 triệu dân.

Để làm được công việc còn khó khăn hơn cả chống dịch này tại Việt Nam, như chúng tôi được biết, ở các công ty dược phẩm và sản xuất vắc xin lớn trên thế giới, họ luôn có cam kết cung cấp vắc xin ưu tiên cho một số nước và đa số là các nước “giàu”. 

Thế nên, chúng ta cần giải quyết bốn vấn đề chính của phân phối vắc xin hiện nay: chất lượng, nguồn cung cấp, đối tượng được tiêm chủng và nguồn lực tài chính để thực hiện việc này. 

Khi bốn vấn đề này được công khai, minh bạch, thì nỗi hoang mang vì sự thiếu công bằng trong tiêm ngừa vắc xin mới được giải quyết.

Quy trình phân phối

Đầu tiên, chất lượng vắc xin nhất thiết phải do Nhà nước quản lý - theo nghĩa phải chịu trách nhiệm nếu có nguy cơ. Việc Bộ Y Tế khẩn cấp chấp thuận có điều kiện việc lưu hành vắc xin AstraZeneca của Anh theo quyết định 983/QĐ-BYT ban hành ngày 1/2 là một điểm nhấn của quyết tâm này. 

Các giải pháp vắc xin khác cũng vậy, Nhà nước nên đóng vai trò quản lý và kiểm soát.

Vấn đề thứ hai là nguồn cung cấp. Chẳng phải có doanh nghiệp đã nhanh nhạy ký kết được 30 triệu liều vắc xin đầu tiên đó sao? 

Nhiều địa phương cũng đã kiến nghị với Chính phủ về việc cho họ được tự lo liệu việc chuẩn bị sẵn sàng vắc xin cho người dân của mình mà không phải đợi chờ sự phân bổ theo hàng dọc, hàng ngang, vốn sẽ gặp phải nhiều rào cản về hành chính không cần thiết. 

Cụ thể, ngày 8/2 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ cho tỉnh được đăng ký mua 1,2 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 (loại tốt nhất đang sử dụng ở các nước) để tiêm ngừa cho toàn dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ nguồn lực kinh phí của tỉnh và các huy động hợp pháp khác. 

Cùng lúc, một số các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (FDI), các cá nhân… đã bày tỏ sự mong muốn đóng góp vào việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam. 

Đơn cử là một số doanh nghiệp như Suntory PepsiCo, URC, LaVie, Nestle, Novaland, AA Corporation… mong muốn hỗ trợ kinh phí cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của họ được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. 

Đây không phải chỉ là vấn đề xã hội, mà thật sự là cách ứng phó để bảo vệ sự phát triển của chính các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. 

Với ảnh hưởng và tác động của dịch bệnh, đây là một chiến lược kinh doanh nhằm thoát khỏi sự rủi ro việc có thể bị tụt hậu trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thế nên, nếu có chỗ nào cần linh động nhất trong cơ chế “xã hội hoá” thì chính là vắc xin. Cùng với Nhà nước, thì từng địa phương, từng tổ chức xã hội hoặc từng doanh nghiệp có thể tự đi tìm, thoả thuận với nhà cung cấp dưới sự kiểm soát của Nhà nước về chất lượng, có thể là một giải pháp tốt cho việc đáp ứng nguồn cung của vắc xin hiện nay. 

Chúng ta cũng vừa nhận được một cam kết tài trợ 4,8 đến 8,2 triệu liều vắc xin của một tổ chức xã hội là COVAX Facility đấy thôi.

Vấn đề còn lại là tài chính. Chính vấn đề này là nỗi nhức nhối tạo ra bất bình đẳng và bất công trên thế giới. Những nước giàu được ưu tiên phân phối vắc xin trước. Gần đây Việt Nam chúng ta mới được đưa vào danh sách các quốc gia cuối bảng được mua vắc xin của các hãng lớn nhất thế giới.

Ngày cuối năm, tôi nhận được nhiều tin tích cực, như cách Chủ tịch đại học FPT Lê Trường Tùng chia sẻ: “Nếu đại học FPT tiêm vắc xin cho tất cả sinh viên - cán bộ giảng viên, thì dù tình hình Covid-19 thế nào vẫn có thể học on-campus bình thường. Tính ra chi phí cũng không quá lớn - sau Tết sẽ tính, cũng tính thêm vài ngàn liều cho lứa sinh viên nhập học mới”. 

Một vài doanh nghiệp trong ngành bất động sản hoặc sản xuất cũng nhanh chóng gửi cam kết sẽ tài trợ 100% chi phí tiêm vắc xin cho cán bộ nhân viên của mình. Thật sự, doanh nghiệp tư nhân đang rất nỗ lực tìm cách chủ động “phần việc” của mình như vậy. Lo cho mình, gia đình mình, doanh nghiệp mình, cũng là bảo vệ cái chung cho toàn xã hội. 

Tôi tin rằng, trong số 90 triệu người dân mình, số lượng sẵn lòng chi trả cho vắc xin nếu có cơ chế chủ động và kế hoạch rõ ràng là rất lớn. Phần còn lại, những người chưa có điều kiện chi trả, thì Chính phủ và các tổ chức xã hội có thể chăm lo cho họ, nhưng gánh nặng sẽ vơi đi nhiều khi có sự chung tay của toàn xã hội, như cách mà toàn dân cùng chống dịch hiện nay.

Lưu ý rằng: chống dịch có thể thành công tại một hộ gia đình, một khu phố, một địa phương, một quốc gia. Việt Nam chúng ta là một. Nhưng vắc xin không phải là câu chuyện của riêng quốc gia nào, càng không thể của một định chế nào riêng biệt. 

Vì vậy Chính phủ cần có một kế hoạch chi tiết, thậm chí là một nghị quyết, cho phép một số định chế lớn như trường học, công ty, tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội, đoàn thể… có đủ nguồn lực và tín nhiệm đảm nhiệm việc tổ chức tiêm ngừa cho cộng đồng của mình (như ông Lê Trường Tùng đề nghị cho đại học FPT).

Nếu không có chiến lược vắc xin ngay từ bây giờ, thì rủi ro của việc từ quốc gia đang được đánh giá dẫn đầu trong phòng chống dịch Covid-19, chúng ta dễ trở nên tụt hậu khi sự phát triển của nền kinh tế đang bị đe dọa như hiện nay.

Mong Chính phủ nhanh chóng có hành động về chiến lược vắc xin như cách chúng ta đã khẩn trương chống dịch, để câu chuyện đẹp về kỳ tích Việt Nam hồi phục sau đại dịch một lần nữa được sáng lên trên bản đồ kinh doanh thế giới. 

Năng lực cạnh tranh về kinh tế của thời đại này sẽ tùy thuộc phần lớn vào chiến lược vắc xin của từng quốc gia.