Chủ tịch Capella Holdings Nguyễn Cao Trí mua cổ phần Saigonbank

Trần Anh - 11:23, 06/07/2021

TheLEADERSaigonbank là một trong số hiếm các ngân hàng hiện nay có cơ cấu sở hữu rất cô đặc, không có hình bóng chi phối của các ông chủ tư nhân như nhiều ngân hàng nhỏ khác.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ. Theo đó, ông Nguyễn Cao Trí, thành viên HĐQT Saigonbank đã mua vào gần 580.000 cổ phiếu SGB (tương đương 0,19% vốn điều lệ).

Giao dịch này được thực hiện trong ngày 25/6. Ước tính theo mức giá 19.000 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên, ông Trí đã chi ra khoảng hơn 11 tỷ đồng để mua vào số cổ phiếu SGB. Trước đó, ông Trí chưa sở hữu cổ phần nào tại Saigonbank.

Sáng 6/7, giá cổ phiếu SGB hiện ở mức 20.700 đồng, là một trong những cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất phiên. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu SGB đã tăng khoảng 50%, trong làn sóng tăng giá ồ ạt của các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán.

Chủ tịch Capella Holdings mua cổ phần Saigonbank
Ông Nguyễn Cao Trí và 2 thành viên HĐQT của Capella Holdings

Ông Nguyễn Cao Trí được bổ nhiệm vào HĐQT Saigonbank từ tháng 10/2019. Tuy nhiên, ông Trí được biết đến nhiều hơn trong vai trò chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Capella (Capella Holdings).

Tiền thân của Capella Holdings là Công ty Ben Thanh Land, một công ty có nguồn gốc nhà nước được thành lập vào năm 2006 và hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Hiện nay, Capella Holdings có lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh ẩm thực và giải trí (F&B). Công ty đang sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar; Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall.

Ngoài phát triển hệ thống F&B, Capella Holdings còn tham gia mở rộng kinh doanh trong ngành bất động sản với cao ốc The One Saigon, ngành bán lẻ tiêu dùng, y tế, giáo dục, nông nghiệp kỹ thuật cao, … 

Năm 2018, Capella Holdings nổi lên sau khi tiếp quản các tài sản của của Khaisilk gồm lâu đài Tajmasago và tòa nhà Cham Charm tại Quận 7, TP.HCM để vận hành với tên Chloe Gallery. Hai dự án này có tổng đầu tư khoảng 30 triệu USD.

Về Saigonbank, đây là ngân hàng quy mô nhỏ, được thành lập từ năm 1987. Sự ra đời của ngân hàng lúc đó nằm trong chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM và đến hiện tại Thành ủy TP.HCM vẫn đang là cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao nhất tại ngân hàng. Cơ cấu sở hữu của Saigonbank hiện nay rất cô đặc, không có hình bóng chi phối của các ông chủ tư nhân như các ngân hàng nhỏ khác.

Có 4 cổ đông lớn chiếm hơn 65% vốn điều lệ bao gồm Văn phòng Thành ủy TP HCM, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hoa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 18,18%; 16,35%; 14,08% và 16,64%.

Trong quá khứ, đã có nhiều cổ đông tham gia vào ngân hàng nhưng sau đó quyết định thoái vốn. Tháng 4/2019, VietinBank đã thoái toàn bộ vốn tại Saigonbank khi đấu giá thành công 15,1 triệu cổ phiếu SGB, tương đương 4,91% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 20.100 đồng/cổ phần

Hồi tháng 11/2017, Vietcombank cũng đã bán đấu giá thành công 13,2 triệu cổ phần Saigonbank (4,28%) với giá đấu thành công bình quân cũng ở mức 20.100 đồng/cổ phần.