Chung sức nâng tầm du lịch miền Tây

Hoàng Đông - 11:27, 06/03/2024

TheLEADERNỗ lực cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa địa phương và doanh nghiệp giúp hình ảnh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long được nâng tầm, trở nên thu hút du khách trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, trong năm 2023, khu vực này đón gần 45 triệu lượt khách, tăng hơn 20% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 1,9 triệu lượt, tăng hơn ba lần.

Những con số tích cực này là kết quả cho sự nỗ lực của toàn ngành du lịch miền Tây giai đoạn hậu Covid-19, với một loạt các hoạt động xúc tiến, hợp tác, liên kết và quảng bá du lịch.

Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc khối khách sạn và du thuyền Victoria thuộc Tập đoàn Thiên Minh (TMG), ghi nhận đà phục hồi ấn tượng của du lịch miền Tây trong bối cảnh nhu cầu du lịch khám phá và trải nghiệm tăng cao sau thời gian dài “bó chân bó tay” vì dịch bệnh.

Không chỉ tăng trưởng tốt về con số, hoạt động du lịch cũng có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong khi lượng khách quốc tế đang tiến dần về giai đoạn trước đại dịch thì lượng khách du lịch nội địa tăng lên đáng kể.

Thời gian lưu trú của du khách kéo dài hơn, đồng nghĩa với có thêm nhiều cơ hội gia tăng doanh thu từ các dịch vụ du lịch đối với mỗi lượt khách.

Nâng tầm chất lượng

Đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng dịch vụ giúp tỉnh Bạc Liêu thu hút hơn 4 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, theo bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch của tỉnh.

Bà Phương cho biết, Bạc Liêu sở hữu những chất liệu không đâu có được để làm du lịch, có thể kể đến như nghệ thuật đờn ca tài tử và hình ảnh “thương hiệu” công tử Bạc Liêu. Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, sinh thái ven biển, du lịch nông nghiệp cũng được tỉnh chú trọng nâng cấp.

Du lịch nông nghiệp cũng được tỉnh Đồng Tháp tập trung phát triển, trên cơ sở phát huy lợi thế nền nông nghiệp tại địa phương. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, toàn tỉnh hiện có 72 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trong đó có ba điểm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và một điểm được công nhận OCOP 4 sao.

Hành trình nâng tầm chất lượng du lịch miền Tây không thể thiếu sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp. Bà Thư cho biết, Victoria tận dụng lợi thế vùng sông nước để tổ chức những tour du lịch độc đáo như ăn sáng trên thuyền kết hợp tham quan chợ nổi, đạp xe trên đường làng, lớp học nấu ăn, bên cạnh những sản phẩm du lịch theo xu thế mới như tổ chức chạy bộ, đi bộ leo núi, tổ chức lớp học thiền, yoga.

Công ty Mekong Travel của nữ doanh nhân Phạm Thị Ngọc Trinh lựa chọn phát triển đội tàu thủy du lịch, xây dựng và liên kết với bà con làm homestay để khai thác và giới thiệu tới du khách nét đẹp bản sắc văn hóa miền Tây.

Homestay của Mekong Travel hấp dẫn du khách bởi phong cách kiến trúc đậm chất “nhà cổ” vùng miền nhưng vẫn đảm bảo tiện ích, vệ sinh và an toàn thực phẩm ngay cả trong mùa nước nổi.

Phối hợp nhịp nhàng giữa địa phương và doanh nghiệp giúp hình ảnh du lịch miền Tây thêm phần hoàn thiện, vừa phát huy được bản sắc truyền thống, vừa chuẩn hóa dịch vụ, khiến du khách thêm hài lòng và sẵn sàng chi tiền.

Tính riêng năm 2023, tổng doanh thu hoạt động du lịch ở miền Tây năm 2023 đạt gần 46 nghìn tỷ đồng, tăng gần 43% so với năm 2022, là con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Chung sức nâng tầm du lịch miền Tây
Đời sống vùng sông nước bình dị, mộc mạc là nét đẹp đặc trưng của du lịch miền Tây. Ảnh: Hoàng Anh

Tìm hướng đi riêng

Bà Thư cho biết, đến với miền Tây, du khách ưu tiên tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống như tham quan chợ nổi, vườn trải cây, làng nghề, thưởng thức đờn ca tài tử, du lịch trên sông.

Đây chính là những điểm đặc biệt không nơi nào có được ở miền Tây, giúp trải nghiệm du lịch vùng sông nước Cửu Long trở thành “món ăn” độc đáo đối với cả du khách trong và ngoài nước.

Sở hữu bản sắc riêng nhưng làm sao để giữ gìn được bản sắc đó, tránh “vết xe đổ” khi phát triển du lịch ồ ạt ở một số điểm đến trên cả nước, trong bối cảnh các tiềm năng, cơ hội du lịch đang dần được kích hoạt, thu hút nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư là bài toán đặt ra đối với các địa phương và doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch TP. Cần Thơ, cho biết, tận dụng cơ hội, thành phố đang lên kế hoạch mời gọi các nhà đầu tư để phát triển nhiều phân khúc du lịch.

Song song với đó, thành phố cũng xây dựng các tiêu chí đánh giá sản phẩm du lịch bền vững, dự kiến sẽ thực hiện kiểm nghiệm đối với từng cơ sở, khu du lịch và khu lưu trú.

Về phía An Giang, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư của tỉnh cho biết, địa phương này đang xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch, trong đó đẩy mạnh kết hợp truyền thống, văn hóa với những xu thế du lịch mới.

Đơn cử như năm 2023, du khách đến với An Giang lần đầu tiên được trải nghiệm khám phá vùng núi Thất Sơn vốn nổi tiếng với những câu chuyện kỳ ảo nhuốm màu huyền bí. Nét rất riêng này hứa hẹn sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút thêm nhiều du khách vốn đã quá quen với hình ảnh du lịch “biển xanh cát trắng nắng vàng” vốn quá đỗi phổ biến trên thế giới.

Ẩm thực cũng là yếu tố quan trọng thể hiện bản sắc và góp phần nâng cao trải nghiệm du lịch. Ông Nguyễn Lộc, Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết, thời gian qua, hội đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao giá trị ẩm thực cho vùng, tiêu biểu như phát huy hơn 200 món ăn từ sen của Đồng Tháp, 200 món ăn từ cá thác lác ở Hậu Giang.

Đồng quan điểm với ông Lộc, bà Thư cho biết, bên cạnh thưởng thức những món ăn truyền thống, du khách tại chuỗi du thuyển và khách sạn Victoria còn được tham gia một dịch vụ đặc biệt là các lớp học nấu ăn, vừa giúp du khách hiểu sâu sắc về nét đẹp ẩm thực sông nước, vừa tạo ra giá trị lan tỏa.