Chuyện gạo ST25 và bản quyền

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours - 10:31, 06/11/2021

TheLEADERBộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có ý kiến chính thức về vấn đề liên quan đến bản quyền gạo ST25.

Mấy ngày qua, chuyện gạo ST25 vi phạm bản quyền và có thể bị cấm dự thi "World's Best Rice" tại Dubai vào tháng 12/2021 được nhiều người quan tâm.

Tại buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với các "vua" nông sản Việt ngày 26/10, anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua 'đồng cha đẻ' gạo ST25 cho biết: “Đại diện The Rice Trader (TRT) - đơn vị tổ chức cuộc thi cho biết khoảng một tuần nữa sẽ công bố danh sách các nước tham gia. Chúng tôi đã làm thủ tục, đóng phí đầy đủ để sử dụng thương hiệu. TRT phát hiện ở Việt Nam mạnh ai nấy xài. Họ đã phát thông cáo báo chí và có thể kiện ở Mỹ. Khả năng Việt Nam được phép dự thi hay không còn bỏ ngỏ”.

Nghe xong hơi hoảng, ngẫm lại thấy có những chi tiết vô lý. Việc ăn cắp bản quyền, làm hàng nhái, hàng giả… ở Việt Nam là "chuyện thường ngày ở huyện”. Điều 17 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP cho phép đặt trùng tên, chỉ cần thêm hai từ như “Thương mại”, “Dịch vụ”, “Cổ phần”… là tha hồ sử dụng các thương hiệu.

Trừ mấy công ty xuất khẩu, đa phần gạo ST25 đang bán trên thị trường nội địa không dùng từ "World's Best Rice". Thông thường bản quyền thương hiệu luôn có logo và kiểu chữ riêng. Gạo ST25 đang bán đại trà ở Việt Nam, bao bì, kiểu chữ một nơi một kiểu, chất lượng cũng vô chừng. Chỉ người bán biết nguồn gốc, người mua dùng thử mới biết chất lượng.

Chuyện gạo ST25 và bản quyền
Các nhãn hiệu gạo ST25 tại một cửa hàng bình ổn giá ở quận 6, TP.HCM

Với mặt hàng gạo, người mua thường chọn người bán chứ không chọn thương hiệu. Bởi việc gắn tên gạo, làm bao bì quá dễ. Người viết bài này đang bán gạo ST25 online cho một công ty. Họ liên kết với nông dân các tỉnh trồng lúa, có nhà máy xay xát riêng, cam kết bình ổn giá gạo từ năm 2019 đến nay. Nhân viên giao gạo là shipper truyền thống chứ không phải công nghệ.

Khi TP.HCM phong tỏa, shipper truyền thống bị cấm cửa, nguồn hàng tắc, tôi phải tìm nguồn khác từ doanh nghiệp nhà nước, chuyên về lúa gạo. Gạo ST25 của đơn vị này bao bì cực đẹp, logo chỉn chu, giá thành cao hơn 15%. Mua thử vài tấn, khách chê “gạo cứng và không thơm” nên phải nhận và trả lại, tốn hai lần tiền ship. Số đã dùng thì phải giảm giá vì đã hứa bảo hành sản phẩm, không vừa lòng có thể đổi hàng hoặc hoàn tiền.

Đa phần các công ty, cửa hàng bán gạo ST25 ở Việt Nam và cả xuất khẩu không dùng logo, kiểu chữ của TRT, mà chỉ ghi chung chung là “Gạo ST25 ngon nhất thế giới”. Gạo ST25 là danh từ chung vì được trồng khắp Tây Nam bộ, cả Nam Trung bộ và Tây Nguyên; nên tôi gọi là ST25 quốc dân để phân biệt với ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua, do doanh nghiệp đứng tên con trai là Hồ Quang Trí.

Gạo ST25 của Hồ Quang Trí chỉ đóng bao 5kg, có logo TRT cấp và cả hình kỹ sư Hồ Quang Cua. Gạo dẻo và thơm hơn ST25 quốc dân, giá cao hơn 20% trở lên. Tôi đã lấy bán thử nhưng rất chậm, phần vì quá dẻo, phần vì giá mắc hơn. Kinh tế thị trường, người mua sẽ quyết định mặt hàng. Khi gạo ST25 tràn ngập thị trường, chất lượng nhảy múa, người mua sẽ chọn người bán có uy tín chứ không chọn thương hiệu sản phẩm.

Tôi không tìm thấy thông tin TRT cấm dùng từ “Gạo ngon nhất thế giới” (phải thêm “2019” mới chính xác). Giả sử có thì sửa thành “Gạo ngon nhất toàn cầu”. Không gọi là gạo ST25 thì gọi là gạo gì? Nếu có bị kiện thì sửa lại là “Gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam” là đúng luật. Tôi không nghĩ là TRT sẽ kiện nông dân hoặc mấy người bán lẻ gạo ST25 ở Việt Nam.

Cuộc thi "World's Best Rice" diễn ra 12 lần thì Thái Lan đạt 6 lần, Campuchia 4 lần, Mỹ 2 lần, Myanmar và Việt Nam 1 lần (có năm, đồng giải nhất). Việc gạo ngon nhất thế giới ở Thái Lan và Campuchia cũng diễn biến tương tự Việt Nam nhưng không thấy họ nói gì. Thậm chí, họ còn khuyến khích nông dân trồng để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Nông dân trồng lúa và các doanh nghiệp thu mua, bán sản phẩm đều đã đóng các khoản thuế theo luật định. Họ không thể đóng thêm thuế cho TRT. TRT sống nhờ tổ chức sự kiện, thu phí các đơn vị tham gia cũng như sử dụng thương hiệu của TRT.

Kỹ sư Hồ Quang Cua có thể kiện các đơn vị làm giả bao bì sản phẩm của doanh nghiệp Hồ Quang Trí chứ không thể kiện nông dân và các doanh nghiệp, hộ gia đình bán gạo ST25 khác được. Tôi ước tính gạo chính hãng của kỹ sư Hồ Quang Cua chỉ khoảng vài % thị trường gạo ST25 hiện nay.

Nếu có bản quyền là bản quyền giống lúa. Nông dân mua giống hợp pháp, trồng hợp pháp, bán hợp pháp làm sao kiện? Vấn đề là ai kiện. Kỹ sư Hồ Quang Cua không thể làm một mình nên bán lúa giống ST25 cho nhiều nơi để bà con cùng sản xuất và hưởng lợi. Gạo ST25 quốc dân ra đời như vậy. Nếu người bán lập lờ, trộn các loại gạo khác rẻ hơn để hạ giá thành, lại là chuyện khác.

Có một số khách hàng của tôi thú nhận “Em mua gạo ST25 bên ngoài, dù không ngon bằng gạo ST25 của anh nhưng giá rẻ hơn, vì tiền nào của đó”. Những người khác khẳng định “Đã dùng thử gạo ST25 nhiều chỗ nhưng chỗ này đảm bảo hơn”. Tôi không thể lấy uy tín cá nhân để đùa giỡn với chất lượng sản phẩm mà mình tham gia phân phối.

Chuyện gạo ST25 và bản quyền 1
Bao bì gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang Trí trước đây (ảnh trên) và hiện nay (ảnh dưới)

Chất lương gạo tùy thuộc nhiều thứ. Mùa nắng ráo ngon hơn gạo mùa mưa ẩm, gạo mới ngon hơn gạo cũ. Gạo trồng vuông tôm ngon hơn trồng ruộng lúa. Gạo ngon còn tùy đất, tùy nước, thậm chí tùy người trồng, toàn tâm toàn ý hay không và cả việc bảo quản, vận chuyển. Ngay ở Sóc Trăng, gạo trồng ở Trần Đề ngon hơn những vùng khác.

Có doanh nghiệp cho rằng gạo ST25 trồng quanh vùng hồ Lak (Dak Lak) là ngon nhất nhưng phải chở về miền Tây xay xát mới đảm bảo chất lượng. Gạo ST25 rất dễ ẩm mốc, vì không dùng chất bảo quản nên dễ sinh mọt. Chỉ nên mua vừa đủ ăn khoảng 3 - 4 tuần độ lại. Có khách chỉ dùng gạo ST24 vì không thích dẻo, dù giá chỉ rẻ hơn 1.000 - 2.000 đồng mỗi ký.

Theo bà Phan Mai Hương, Giám đốc phát triển kinh doanh của TRT tại Việt Nam: “Từ khi gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2019 đến nay, rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ tại Việt Nam ‘vô tư’ sử dụng thương hiệu và danh xưng nói trên của TRT trên bao bì gạo của họ để kinh doanh. Khi TRT Việt Nam liên hệ với các đơn vị trên thì chỉ nhận được những phản ứng tiêu cực, thậm chí phớt lờ cảnh báo. Có đơn vị lách luật bằng cách đổi màu logo từ xanh dương sang xanh lá cây. Ngoài các công ty có thương hiệu, địa chỉ vi phạm còn có những đơn vị không có trụ sở”.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, ST25 là tên gọi chung của loại giống cây trồng (lúa) và không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu theo quy định tại mục 1202.12 của quy chế thẩm định nhãn hiệu. Vì vậy, dấu hiệu ST25 không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam.

Trong khi đó, giống lúa có tên ST25 đã được cấp bằng bảo hộ số 21.VN.2020 theo quyết định số 45 ngày 6-3-2020 của Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Tôi biết có Việt kiều ở Mỹ về thăm nhà. Ăn gạo ST25 thấy ngon hơn cả gạo Thái nên quyết định kinh doanh. Năm 2020, công ty của ông nhập gần trăm container gạo ST25 vào Mỹ, bao bì ghi rõ “ST25, Gạo Sóc Trăng, Việt Nam”.

Ai cũng biết hàng vào Mỹ phải có Trade Mark với chất lượng đăng ký chi li, minh bạch chứ không thể lập lờ. Không chỉ bán, ông còn giới thiệu về nguồn gốc giống lúa, đặc điểm vùng trồng đặc trưng của giống lúa ST25.

Nhờ những doanh nghiệp như vậy, giá gạo ST25 ổn định, nông dân bớt khổ. Những doanh nghiệp làm ăn gian dối thì không thể xuất khẩu. Việt Nam chưa đủ điều kiện để giám định đại trà gạo ST25 thật hay trộn nên người mua chỉ còn biết dựa vào uy tín người bán. Ngay ST25 bán trong siêu thị vẫn bị chê, vừa đắt hơn vừa không ngon bằng gạo ST25 quốc dân chính hiệu.

Thiết nghĩ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có ý kiến chính thức. Tránh để tình trạng hiểu lầm, gây hoang mang cho cả nhà nông, nhà phân phối lẫn nhà tiêu dùng.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours