Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Người Thái đã có chiến lược "xâm chiếm" thị trường Việt từ lâu

Kim Yến - 08:00, 25/10/2017

TheLEADERTừ lâu, người Thái đã có suy nghĩ chiến lược về thị trường Việt. Nếu so sánh với Thái Lan, Việt Nam đã không hề có sự chuẩn bị tương tự. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ với TheLEADER mối lo ngại trước cơn lũ hàng Thái và những bài học đắt giá cho Việt Nam.

LTS: Nói “cơn lũ” hàng Thái không phải là kiểu nói ví von vì hàng Thái đã và đang tràn vào Việt Nam với mức độ báo động đến nỗi cách đây hơn nửa tháng Bộ Công thương phải tiến hành họp khẩn bàn biện pháp ứng phó khi nhập siêu hàng thái vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 3,5 tỷ USD và còn tiếp tục gia tăng. Hàng Thái đã có mặt gần 9.000 chợ lớn nhỏ ở Việt Nam và ở các siêu thị hàng tiêu dùng, hàng điện máy ở các thành phố lớn, hàng Thái chiếm từ 30% đế 50%.

Đánh giá thực trạng hàng Thái ở Việt Nam và ứng phó thế nào trước sự xâm nhập ngày càng tăng của hàng Thái? Chuyên đề "Ứng phó thế nào trước cơn lũ hàng Thái?" được TheLEADER thực hiện với các phân tích, kiến giải và đưa ra giải pháp của các chuyên gia kinh tế, nhà báo, doanh nhân.

Bà đánh giá thế nào về chiến lược tấn công một cách bài bản của Thái Lan từ Nhà nước, các trung tâm xúc tiến thương mại đến cách đi của các tập đoàn bán lẻ... dẫn lối cho các mặt hàng tràn vào như cơn lũ?

Bà Phạm Chi Lan: Người Thái Lan có suy nghĩ chiến lược về thị trường Việt Nam đã lâu. Đầu năm 2014, theo báo cáo của Viện nghiên cứu McKinsey với các doanh nghiệp lớn ở khu vực, có tới 52% doanh nghiệp Thái cho biết cơ hội lớn nhất với họ khi AEC có hiệu lực là thị trường nội địa Việt Nam. Như vậy, họ đã tính toán nhiều mặt về cơ hội thị trường nội địa với 90 triệu dân của Việt Nam. 

Lý giải về điều này, các doanh nghiệp Thái cho rằng Việt Nam là nước đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng nội địa mạnh tăng trưởng mạnh, khi cơ hội hàng rào thuế quan giảm xuống thì Việt Nam là thị trường rất lớn.

Từ đó, một số tập đoàn Thái Lan đã tìm hiểu rất kỹ tâm lý tiêu dùng của người Việt và tìm ra những điểm tương đồng như người Việt rất thích mua hàng khuyến mãi chẳng hạn. Thói quen tiêu dùng hàng Thái đã có từ lâu đó là điểm lợi rất lớn cho các doanh nghiệp Thái.

Cũng theo nhận định của doanh nghiệp Thái, người Việt có một điểm rất rõ là không ưa hàng Trung Quốc vì phẩm chất kém, gây độc hại. Trong khi đó hàng Việt Nam lại vấp phải sự nghi ngờ ngày càng gia tăng, vì chất lượng vệ sinh, an toàn không đảm bảo. Người tiêu dùng Việt Nam cũng không tin vào sự kiểm soát của Nhà nước là hữu hiệu với chất lượng hàng Việt và hàng Trung Quốc… Tất cả những đặc điểm đó khiến người Thái càng tin hàng hóa của họ có cơ hội lớn ở Việt Nam. Họ sẽ thắng, từ đó họ xác định chiến lược từng bước rất rõ ràng.

Về phía Chính phủ, Thái Lan có những bước đi rất tốt vào thị trường Việt. Chính phủ Thái ngay trước khi gia nhập AEC đã có chính sách đào tạo nhân lực để nghiên cứu thị trường nội địa các nước ASEAN. Một số nhân lực phụ trách thương mại của họ đã được tỏa đi các nước trong khối, họ được đào tạo bài bản về xúc tiến thương mại, nói được tiếng từng địa phương khi thâm nhập vào từng thị trường như Indonesia, Malaysia, Việt Nam… 

Các cán bộ phụ trách thương mại Thái tại Việt Nam nói tiếng Việt tốt tới mức trò chuyện một hồi mới biết họ là người Thái. Họ tự ra thị trường, nói chuyện với từng tiểu thương, từng người tiêu dùng… Họ còn có người “nằm vùng”, hiểu biết thị trường, khảo sát thị trường từng thời điểm, để đúc kết thói quen tiêu dùng đặc thù của người Việt.

Về phía các doanh nghiệp dẫn đầu, họ đã mua hai chuỗi siêu thị lớn của Việt Nam là Metro và Big C với giá rất cao. Trên thực tế họ mua Metro là để bán buôn và bán lẻ luôn, cả chuỗi cửa hàng tiện lợi khác để cạnh tranh các cửa hàng truyền thống, nhằm thiết lập sự có mặt rộng rãi tại Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, thiết lập hệ thống thị trường sẵn trước, khi AEC đã ký, hàng lập tức có mặt, với tốc độ tăng trưởng cao nhất

Nghiên cứu thấu đáo, đường đi nước bước rõ ràng, có những tầng nấc khác nhau, được chính phủ chung tay… đó là lý do vì sao hàng Thái chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, và sẽ còn tăng trưởng mạnh năm 2018 khi thuế suất bằng 0%.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Mặt khác, về phía đầu tư, họ nghiên cứu rất kỹ để tìm ra mặt hàng nào người Việt ưa chuộng nhất, để đầu tư sản xuất ngay tại Việt Nam, hưởng ưu đãi FDI ngay tại trận, giúp cho giá thành rẻ hơn hàng Việt, thích ứng hết sức tốt với người tiêu dùng trung lưu, cận trung lưu, tương đối thấp vẫn có thể dùng được hàng Thái.

Chính phủ Thái cũng hỗ trợ đáng kể cho các nhà đầu tư, kinh doanh khi làm ăn tại Việt Nam, khuyến khích các nhà đầu tư lớn kết hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái để cung ứng hàng theo chuỗi. 

Năm nào Chính phủ Thái cũng kết hợp doanh nghiệp làm hội chợ từ thành phố đến các vùng sâu, vùng xa liên tục mấy năm trời, sản phẩm phong phú, giúp cho người tiêu dùng làm quen, mong đợi hàng Thái, khi có hàng vào có sức tiêu thụ ngay lập tức. Trong các kỳ hội chợ, Chính phủ Thái cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Thái được hỗ trợ để tham gia dễ dàng, kết nối doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, đầu tư thương mại…

Không chỉ Thái Lan, mà Hàn Quốc cũng đang tăng nhập máy móc vào Việt Nam, thực hiện chiến lược xoay trục đầu tư với con số nhập khẩu hàng hóa đạt 30 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2017, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm trước?

Bà Phạm Chi Lan: Bản thân tôi rất lo lắng với đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực(RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand

Người Thái họ điều tra thị trường, biết cơ cấu nhập khẩu Việt Nam nhiều nhất là mặt hàng gì, nhập theo nguồn nào? Xăng dầu là mặt hàng nhập khẩu rất lớn, chủ yếu là từ Trung Quốc, đó chính là chỗ cho người Thái vào. FTA có 6 đối tác mạnh, sản phẩm rất cạnh tranh với Việt Nam, doanh nghiệp Việt phải đối phó với hai tầng cạnh tranh trực diện là AEC và FTA. Hàng Trung Quốc có thêm yếu tố giảm thuế để vào mạnh hơn qua đường chính ngạch thay vì đi đường tiểu ngạch như trước đây, đó là thách thức lớn

Các nước tiên tiến sẽ chặn đầu doanh nghiệp Việt, làm các sản phẩm với chất lượng, công nghệ cao hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand. Lo nhất là công nghiệp phụ trợ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Chúng ta thường trông chờ vào công nghiệp phụ trợ, nhưng giờ thì đã có những người cung cấp lớn ở các nước công nghệ phụ trợ phát triển, lại càng vất vả hơn cho tương lai doanh nghiệp Việt

Cơn lũ hàng Thái đang đặt ra những thách thức nào cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các trung tâm xúc tiến thương mại và tập đoàn bán lẻ Việt Nam? Chúng ta phải hành động thế nào trước cơn lũ này?

Bà Phạm Chi Lan: Nếu so sánh với Thái Lan, Việt Nam đã không hề có sự chuẩn bị tương tự.

Cũng trong báo cáo của McKinsey, các doanh nghiệp Việt Nam khi được hỏi AEC sẽ tạo cơ hội thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị gì trong các ngành hàng khác nhau? Doanh nghiệp ta đã không trả lời được. Việt Nam cũng trông chờ tham gia AEC để các nước khác có thể vào dễ dàng hơn, nhưng cách tiếp cận của doanh nghiệp Việt khá chung chung như người chuyên gia, không cụ thể hóa được sản phẩm nào sẽ có cơ hội.

Sự hỗ trợ Chính phủ thì… gần như không có gì, cả tầm Chính phủ và doanh nghiệp rất yếu ớt, không chuẩn bị sức mình và thể chế cho tốt. Chúng ta đã tận dụng cơ hội WTO không mấy thành công, AEC cũng tương tự như vậy

Doanh nghiệp Việt Nam muốn hay không phải thay đổi cách thức cạnh tranh, không thể cạnh tranh giá rẻ, không an toàn. Bây giờ chẳng ai dám ăn thực phẩm không an toàn, làm theo cách cũ không thể thắng được đâu. Các nước nhỏ hơn như Campuchia bây giờ cũng thắng cả Việt Nam về gạo sạch rồi.

Nhà nước, các nhà sản xuất phải thay đổi về tư duy, cách nghĩ, thị trường. Các sản phẩm có khả năng cạnh tranh bằng thương hiệu, là thương phẩm chứ không phải sản phẩm nữa. Phải thiết thực quan sát thị trường kể cả nội địa để áp dụng công nghệ, sáng tạo để nâng cấp sản phẩm, đừng mơ mộng quá sẽ làm những sản phẩm công nghệ cao hơn các nước tiên tiến. Cách VINFAST nhảy vào làm ô tô chẳng hạn, phải rất lớn rất mạnh về tiềm lực kinh tế, bắt tay với các thương hiệu toàn cầu, sản xuất dòng ô tô khác mới làm được, còn sản xuất tương tự như các dòng ô tô khác bán ở Việt Nam thì không làm được đâu.

Chúng ta nói mãi chính sách Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, nhưng tháo gỡ vướng mắc mãi không được, trên cao nhất thì muốn tháo, nhưng phía dưới thì lại làm khó, đẩy nền kinh tế cực kỳ khó khăn trong thời gian tới. 

Những người cao nhất của Nhà nước phải nghiêm trị những cán bộ nhũng nhiễu, sắp xếp lại bộ máy, những cán bộ nhũng nhiễu phải ra đi.

Theo bà, việc tấn công sang thị trường Thái, để tạo thế cạnh tranh tương xứng cho hàng Việt, mở rộng thị trường sang ASEAN có phải là một cách đi chủ động?

Bà Phạm Chi Lan: Tấn công sang Thái Lan cũng là một khả năng, nhưng trong thời gian qua, xuất khẩu Thái Lan của ta vẫn chỉ là hàng thô, giá rẻ. Năm đầu tham gia cộng đồng AEC đã bị trả về 9% rồi, năm nay không biết thế nào. Vẫn phải tính các thị trường khác rộng hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Xuất sang ASEAN một phần thôi, mà cạnh tranh sang các hướng khác, còn cạnh tranh trực diện với ASEAN cũng không dễ dàng đâu. 

Phải khai thác cái mới cũng công phu lắm. Thí dụ như phải nghiên cứu xem Thái Lan từ bỏ ngành gì để bước vào thị trường cao cấp hơn, để mình thay thế, nhưng khả năng đó cũng không cao

Còn nền kinh tế đông dân như Việt Nam, vẫn phải làm sao giữ được công ăn việc làm, muốn làm được phải nghiên cứu. Chi phí kinh doanh Việt Nam cao hơn các nước rất nhiều nhất là các chi phí về đất đai, vốn, thuế phí, đóng góp bảo hiểm… Việt Nam lại nhập khẩu nhiều, chi phí hạ tầng cao, năng suất lao động thấp, nhiều thứ cộng lại khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp thấp đi.

Cảnh báo này bà và các chuyên gia kinh tế cũng đã nói rất nhiều lần, nhưng sao đến giờ này Bộ Công Thương mới… giật mình?

Bà Phạm Chi Lan: Trong hội nhập, chúng ta chỉ quan tâm đến đàm phán, ký kết thôi, mà không chuẩn bị cho hành động. Nhìn thành tích cũng nghiêng quá nhiều vào FDI, điện thoại di động chiếm tỷ trọng lớn là toàn của người ta, cứ thấy thế là sung sướng, không quan tâm phát triển lực lượng nội địa để tham gia hội nhập.

Đầu tư nước ngoài hầu hết thị trường là của họ, các nhà làm chính sách thương mại ít tính đến thị trường, lấy thành tích của họ làm thành tích của mình. Nhìn vào hệ thống bán lẻ của họ thấy rất… nản! 

Chính sách của Việt Nam sẵn sàng mở cửa rất sớm cho họ ngay khi tham gia WTO. Metro có mặt, cứ việc mở tiếp, có ràng buộc gì vào điều kiện kinh tế đâu? Không đưa ra rào khóa cho hệ thống bán lẻ khiến cho họ tràn vào rất nhiều. Hàng của họ vào bằng nhiều cửa khác nhau, mình không chặn được, những khóa cần có rất lỏng lẻo, chẳng làm được gì để bảo vệ sản xuất trong nước cả.

Nhìn lại, chúng ta chỉ còn rất ít hệ thống bán lẻ như Vinmart, Coop Mart… Tôi mong Chính phủ phải thực sự khuyến khích, để giữ được kênh bán lẻ, giữ được kênh chợ truyền thống. Nhà nước đang chủ trương đẩy quy mô hộ gia đình lên doanh nghiệp, cũng chính đáng thôi, nhưng để làm hộ kinh doanh còn được, đẩy lên doanh nghiệp sợ không làm được với hệ thống kiểm tra “khổng lồ” của các cơ quan như hiện nay. 

Cứ để các hộ kinh doanh làm cầu nối đưa sản phẩm của nông dân ra thị trường, nếu không chẳng có cách nào để sản xuất nhỏ đưa được ra thị trường. 98% doanh nghiệp Việt là vừa và nhỏ, phải thấy ý nghĩa hệ thống phân phối là giúp cho các hộ sản xuất nhỏ ở Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

(*) Đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề: Chuyên gia Võ Trí Thành: Cơn lũ hàng Thái "lo âu nhưng không nên sợ hãi"