Cố vấn kinh tế cựu Tổng thống Mỹ Obama: Việt Nam có rất nhiều lợi thế để dẫn đầu khu vực

Đặng Hoa - 15:23, 25/07/2018

TheLEADERTheo ông Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của cựu tổng thống Mỹ Obama, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để vươn lên dẫn đầu khu vực.

Cố vấn kinh tế cựu Tổng thống Mỹ Obama: Việt Nam có rất nhiều lợi thế để dẫn đầu khu vực
Ông Jason Furman

Một khảo sát mới đây của Vietnam Report về ứng phó của các doanh nghiệp lớn Việt Nam trước kỷ nguyên 4.0 đã chỉ ra rằng, trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào doanh nghiệp tại Việt Nam, có 62,5% trong tổng số doanh nghiệp đang thực hiện thay đổi từng bước từ công nghệ này sang công nghệ khác.

Trong Top 5 ứng dụng công nghệ mà doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên lựa chọn để đầu tư đa số hướng đến big data và điện toán đám mây. Riêng về việc nghiên cứu áp dụng các ứng dụng AI, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều mong đợi công nghệ này sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận hành; tăng năng suất và tạo ra những sản phẩm/dịch vụ được cá nhân hóa và có chất lượng cao hơn.

Tuy vậy cũng chỉ mới có 13,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết là đã đầu tư vào AI trong một số hoạt động của doanh nghiệp.

Tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018 sáng ngày 25/7, GS. Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của cựu tổng thống Mỹ Obama cho biết, cách thức một quốc gia tạo ra tăng trưởng là dựa vào năng suất ở các lĩnh vực khác nhau; cũng như việc đầu tư vào máy móc, đầu tư thêm vốn; nguồn lao động có kỹ năng cao hơn và năng suất tổng hợp liên quan đến yếu tố sáng tạo đổi mới.

Theo đánh giá của ông Jason Furman, năng suất lao động của Việt Nam đã có cải thiện nhưng vẫn còn quá khiêm tốn và cũng chủ yếu nhờ vào việc đầu tư thêm thiết bị và đổ thêm nguồn vốn.

Trong khi đó ở Trung Quốc, 50% tăng trưởng và ở Mỹ là 40% tăng trưởng đến từ năng suất nhân tố tổng hợp, không phải do thiết bị hay các nhà máy. Họ biết cách sử dụng các thiết bị này một cách hiệu quả hơn so với trước đây nhờ các thiết bị công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo.

Từ những năm 1950, con người đã bàn rất nhiều về AI; tuy nhiên đến giai đoạn 1960 - 1990, thế giới chứng kiến một "mùa đông AI" bởi sự ì ạch, chậm chạp và không tiến bộ của công nghệ này. Nhưng GS. Jason Furman nhận định, giờ đây thế giới đang bước vào một "mùa xuân AI" và nếu tận dụng được thời cơ, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn mình dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực này.

Đánh giá về khả năng phát triển AI tại Việt Nam, ông Furman cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để vươn lên dẫn đầu khu vực. Cụ thể, Việt Nam có nguồn dân số trẻ, có nên văn hoá sáng tạo đổi mới, có tư duy cởi mở, có điều kiện về nền tảng học vấn cao hơn so với các thế hệ trước...

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, viễn thông và truyền thông ở nước ta được đánh giá là phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, tạo điền kiện ổn định hạ tầng viễn thông và mạng lưới Internet, bước đầu tạo vị thế cho Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài ra, do có xuất phát điểm thấp hơn so với các quốc gia tiên tiến nên rõ ràng Việt Nam có lợi thế thừa hưởng những kinh nghiệm và công nghệ hàng đầu để phát triển.

Với những điều kiện như vậy, ông Jason Furman cho rằng các lãnh đạo doanh nghiệp là những người tiên phong trong việc thay đổi khả năng thích ứng để tận dụng được tiềm lực sẵn có và phá vỡ mọi rào cản trong tổ chức. 

Robot không thể thay thế con người

GS. Jason Furman cho biết trong suốt 80 năm qua, báo chí trên khắp thế giới đã nêu vấn đề liệu AI và robot có thay thế được lao động con người hay không. Tuy nhiên, ông Jason Furman khẳng định điều này là không thể.

Theo đó, AI chỉ thay thế con người ở những phần việc cụ thể chứ không phải là cả một công việc. Không những thế, công nghệ hiện đại này còn có thể tạo ra các việc làm mới trong các lĩnh vực như công nghệ, khiến người dân giàu có hơn, và chi tiêu nhiều hơn.

Trong lĩnh vực ngân hàng, AI có thể giúp cho ngân hàng đưa ra quyết định cho vay tốt hơn; hay trong lĩnh vực hành pháp, công nghệ này giúp thẩm phám đưa ra quyết định cho phép ai tại ngoại ai phải vào tù.

Ông Jason Furman nhận định, AI cũng giống như con người là đều có sai sót và thiên lệch nhất định; tuy nhiên, điều này lại phát sinh từ thuật toán do con người xây dựng nên nó. Hoạt động và quyết định của các thiết bị AI hoàn toàn dựa vào những số liệu tổng hợp về các vụ việc mà con người đã từng xử lý trước đây.

Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế của Hoa Kỳ, ông Jason Furman nhận định để có thể áp dụng và nâng cao vai trò của AI tại doanh nghiệp Việt, khu vực tư nhân cần đóng vai trò chủ chốt.

"Tại Mỹ, chúng tôi hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân sáng tạo đổi mới; hiện nay, những dự án đổi mới sáng tạo lớn đều do các công ty lớn thực hiện thay vì Chính phủ. Và họ hoàn toàn được thoả sức sáng tạo nhưng không làm hại đến ai bởi lẽ chẳng ai phải chờ cấp giấy phép để được nghĩ ra một ý tưởng mới cả", ông Jason chia sẻ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân lại có xu hướng sáng tạo thiên về khoa học ứng dụng; hướng đến lợi nhuận nhiều hơn. Do đó, ông Furman cho rằng những nghiên cứu mang tính ứng dụng đấy chỉ nên phát sinh từ xương sống của những ứng dụng cơ bản do chính phủ tạo ra. 

GS. Jason Furman cũng gợi ý, Việt Nam nên nghiên cứu xây dựng và phát triển Chính phủ trí tuệ nhân tạo (Chính phủ AI) siêu việt hơn Chính phủ điện tử bằng cách áp dụng AI để hỗ trợ việc ra quyết định cho tất cả các chức năng của các lĩnh vực công chính yếu. Chính phủ cần đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ AI để noi gương cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, Việt Nam cần có các bộ số liệu lớn, kết nối với các nước lớn trên thế giới, với các trung tâm công nghệ, các chuyên gia về công nghệ trên toàn cầu. Nhưng cần đảm bảo yếu tố bảo mật và tính riêng tư để người dân yên tâm và sẵn sàng chia sẻ thông tin. 

Mặc dù vậy, một thực tế mà ông Furman đặt ra là hiện nay, các chính phủ đang gặp khó khăn trong việc nghiên cứu khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực như máy tự học, máy học sâu, mạng lưới thần kinh, đây là những lĩnh vực đòi hỏi nguồn dữ liệu rất lớn và các nhà nghiên cứu giỏi. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại có khả năng chi trả tốt cho các nhà khoa học nên việc giữ chân họ làm cho việc Chính phủ là rất khó.

Bên cạnh việc không có nhiều chuyên gia về AI, ông Jason Furman cũng chỉ ra một số thách thức lớn khác đối với Việt Nam như nền kinh tế thị trường chưa mang nhiều tính cạnh tranh, còn nhiều rào cản đối với đổi mới sáng tạo.