Công nghiệp hỗ trợ đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng

Hứa Phương - 09:20, 25/09/2022

TheLEADERNhờ sự dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp Việt đang có cơ hội lớn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công nghiệp hỗ trợ đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng
Nhà máy linh kiện thân vỏ ô tô của THACO Industries

Động thái dịch chuyển sản xuất “nhộn nhịp” của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc THACO Industries cho biết, nhờ tham gia chuỗi cung ứng nên doanh nghiệp đã không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu, trở thành đối tác chiến lược của nhiều hãng ô tô nổi tiếng như Kia, Mazda, Peugeot.

Nhờ đó, doanh thu của THACO Industries không ngừng tăng và cơ cấu doanh thu cũng thay đổi. Năm 2021, doanh thu đạt 5.700 tỷ, trong đó cung cấp dịch vụ cho công ty ô tô thuộc tập đoàn chiếm hơn nửa khi đạt 4.300 tỷ đồng, cung ứng bên ngoài chỉ có 1.361 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang năm 2022, doanh thu cung cấp cho các chuỗi cung ứng bên ngoài dự kiến tăng lên 6.000 tỷ đồng và ông Tâm cho biết đây là bước nhảy vọt và doanh nghiệp chưa từng nghĩ tới kết quả lại khả quan như vậy. 

Mục tiêu của THACO Industries là hướng tới doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2025, trong đó xuất khẩu đạt 500 triệu USD.

Tiền đề để tạo ra bước nhảy vọt cũng như hướng tới doanh thu tỷ USD của THACO Industries, theo ông Tâm là dựa vào nguồn lực sẵn có, tăng cường giới thiệu ra thị trường quốc tế, được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng toàn cầu và mở rộng đầu tư.

Trên cơ sở mô hình đã thành công tại Chu Lai, THACO Industries sẽ đầu tư hai khu công nghiệp phía Bắc và phía Nam nhằm hình thành mô hình khu công nghiệp chuyên ngành thế hệ mới.

Doanh nghiệp Việt đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng 1
Ông Đỗ Minh Tâm, tổng giám đốc THACO Industries

Đây là mô hình khu công nghiệp thông minh và ứng dụng số hóa nhằm giảm tối đa giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về linh kiện cơ khí, linh kiện phụ tùng và máy móc thiết bị chuyên dụng cho các đối tác trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Đặc biệt, THACO Industries cũng đang tăng cường liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước, kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm tạo nên mạng lưới liên kết ngành - liên kết vùng, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước hình thành hệ sinh thái cơ khí phát triển bền vững.

Thủ tục khiến doanh nghiệp chậm chân

Bên cạnh các doanh nghiệp, tập đoàn đón sóng tốt cơ hội thì cũng có đơn vị gặp khó.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch công ty cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM cho biết đã nhìn thấy cơ hội từ năm 2016 nên quyết định đầu tư xây dựng thêm nhà máy ở khu công nghệ cao. Tuy nhiên, do thủ tục kéo dài nên đến cuối năm 2022 nhà máy vẫn chưa xây xong.

Trong khi chờ xây dựng nhà máy thứ hai, Duy Khanh phải bỏ qua rất nhiều cơ hội. Phân tích rõ hơn, ông Tống cho biết khi đầu tư nhà máy sản xuất năm 2016, chưa có đối thủ cạnh tranh về sản phẩm, cả doanh nghiệp có vốn trong nước hay nước ngoài. Nhưng đến nay, khi nhà máy gần hoàn thành, đã có 3 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nên tính cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.

Nguyên nhân lớn nhất khiến doanh nghiệp chậm chân theo ông Tống là thủ tục giấy phép.

Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ gặp phải cũng được Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM nêu ra là thiếu vốn.

Theo ông Tống, trước đây, TP.HCM có nguồn vốn đầu tư kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp. Trong hai năm gần đây, khi chuyển hóa ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ, chương kích cầu tạm dừng, khiến kế hoạch của doanh nghiệp bị đảo lộn.

"Để doanh nghiệp Việt phát triển, tham gia chuỗi cung ứng bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng và sự liên kết của cộng đồng doanh nghiệp", ông Tống nói.

Dưới góc nhìn nhà quản lý, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cũng chỉ ra những điểm yếu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt.

Trong đó, cơ bản nhất là mối liên kết giữa các doanh nghiệp còn yếu, khả năng tiếp cận vốn thấp do quy mô sản xuất nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên không có tài sản thế chấp.

Ngay cả phương án kinh doanh cũng tùy thuộc vào đơn vị đặt hàng, nguồn nhân lực yếu. Do đó, khi đi vay vốn rất khó được các ngân hàng phê duyệt.

Trước thực trạng đó, ông Tuấn cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành phát triển, Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính triển khai chương trình ưu đãi chênh lệch cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là 5%.