Coteccons tuột dốc: Ai sẽ tạo áp lực cho ông Bolat Duisenov?

Trần Anh - 15:50, 26/04/2022

TheLEADERHình ảnh của ông Bolat Duisenov, trong cương vị chủ tịch Coteccons nhận sự chỉ trích của cổ đông vì giá cổ phiếu giảm mạnh mang tới nhiều sự liên tưởng. Chỉ cách đây mấy năm, khi còn là đại diện cho nhóm cổ đông ngoại Kusto tại Coteccons, ông Bolat mới là bên chất vấn cựu chủ tịch Nguyễn Bá Dương về lợi ích của các cổ đông.

Coteccons tuột dốc: Ai sẽ tạo áp lực cho ông Bolat Duisenov?
Chủ tịch HĐQT của Coteccons, ông Bolat Duisenov

Tại ĐHCĐ năm 2022 vừa diễn ra, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons công bố kế hoạch lợi nhuận thấp kỷ lục, chỉ 20 tỷ đồng, thấp hơn cả mức lợi nhuận mà công ty đạt được trong năm 2021 – thời điểm ngành xây dựng đóng băng do dịch Covid-19 hoành hành.

Chia sẻ về chỉ tiêu thấp kỷ lục này, Chủ tịch HĐQT của Coteccons, ông Bolat Duisenov cho biết nguyên nhân chính do công ty trích lập dự phòng khoảng 95 tỷ đồng. Nếu không trích lập khoản này thì lợi nhuận có thể đạt 115 tỷ đồng.

Mặt khác, lợi nhuận còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thị trường cạnh tranh khốc liệt và giá vật liệu xây dựng leo thang. Tàn dư tại một số dự án cũ, chủ đầu tư chậm trễ trong việc thanh toán công nợ (lên đến hàng trăm tỷ đồng) hoặc không đồng ý thanh toán chi phí do pháp lý và điều khoản hợp đồng chưa rõ ràng cũng trực tiếp làm suy giảm tới sức khỏe dòng tiền của công ty.

Với các mảng kinh doanh mới, dù đánh giá cao mảng đầu tư công với nhiều cơ hội mới, song ban lãnh đạo Coteccons cho biết năm 2022 mảng chủ lực của công ty vẫn tập trung vào xây dựng dân dụng, đồng thời tái cơ cấu theo hướng đa ngành thời gian tới.

Triển vọng kinh doanh bi quan của Coteccons được phản ánh rõ nét vào giá cổ phiếu. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu Coteccons (mã CTD) chỉ còn khoảng 56.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn nửa so với thời điểm đầu năm và giảm 4 lần so với mức đỉnh năm 2017. Đây là giai đoạn hoàng kim của Coteccons với vị thế doanh nghiệp xây dựng dân dụng hàng đầu Việt Nam dưới thời cựu chủ tịch Nguyễn Bá Dương.

Tại ĐHCĐ, có cổ đông đã đứng lên than thở đã mất 75% tài sản của mình khi cầm cổ phiếu Coteccons dưới thời chủ tịch Bolat Duisenov. Giá giảm sâu như vậy làm sao cổ đông có thể đặt niềm tin được. Đáp lại, ông Bolat chia sẻ trong một năm rưỡi lên nắm quyền chủ tịch Coteccons, ông thấy “tóc bạc hơn, da mặt dày hơn” nhưng vẫn duy trì niềm tin vào công ty trong dài hạn.

Hình ảnh của ông Bolat Duisenov, trong cương vị chủ tịch Coteccons mang tới cho những người chứng kiến nhiều sự liên tưởng trái ngược. Chỉ cách đây mấy năm, khi còn là đại diện cho nhóm cổ đông ngoại Kuso tại Coteccons, ông Bolat mới là bên chất vấn cựu chủ tịch Nguyễn Bá Dương về lợi ích của các cổ đông.

Mỗi năm, những yêu cầu khắt khe về doanh thu và lợi nhuận được đưa ra, và trên thực tế trong 8 năm kết hợp giữa Kusto và Coteccons, 2 bên đã làm khá tốt khi Coteccons dưới thời ông Nguyễn Bá Dương liên tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đỉnh cao lợi nhuận vào năm 2018 với lợi nhuận hơn 1.510 tỷ đồng. Thời điểm đó, không ai nghi ngờ vào vị thế số 1 của Coteccons trong lĩnh vực xây dựng. Các cổ đông cũng có quãng thời gian hạnh phúc khi giá cổ phiếu CTD của Coteccons đạt mức đỉnh hơn 200.000 đồng/cổ phiếu.

Ngay cả giai đoạn 2018 - 2019, khi thị trường bất động sản đi xuống ảnh hưởng tới ngành xây dựng, Coteccons vẫn cho thấy vị thế anh cả khi duy trì mức lợi nhuận khả quan.

Mặc dù vậy, chỉ sau chưa đầy 2 năm, mọi thứ đã thay đổi chóng vánh, cả vị thế của ông Bolat lẫn hoạt động kinh doanh của Coteccons. Ông Nguyễn Bá Dương đã ra đi, ông Bolat Duisenov nay ở vị trí tân chủ tịch Coteccons, không còn nhóm cổ đông lớn nào chất vấn ông, trong khi lợi nhuận công ty vẫn đang tiếp tục dò đáy. Vị thế của Coteccons cũng không còn như xưa và phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng loạt các đối thủ như Hòa Bình, Ricons, Delta hay Hưng Thịnh Incons.

Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào những kế hoạch kinh doanh tham vọng của các công ty xây dựng. Tại ĐHCĐ vừa diễn ra, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông qua kế hoạch doanh thu 17.500 tỷ đồng, tăng 54% so với thực hiện năm trước, lợi nhuận hợp nhất 350 tỷ đồng, tăng 261%.

Một điểm đáng lưu ý khác, so với Hòa Bình, mặc dù công ty đặt kế hoạch doanh thu chỉ cao hơn 16,6% so với kế hoạch của Coteccons, nhưng lợi nhuận lại gấp 17,5 lần Coteccons.

Tại Ricons, công ty cho biết, khởi đầu năm 2022, nhiều chủ đầu tư đã tin tưởng giao cho Ricons các dự án mới với tổng giá trị gói thầu đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Với Hưng Thịnh Incons, với giá trị hợp đồng ký mới dồi dào có doanh thu dự kiến trong năm 2022 sẽ tăng 61% lên 9.867,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 44,3% lên 347,8 tỷ đồng.

Newtecons, ngôi nhà mới của ông Nguyễn Bá Dương sau khi rời khỏi Coteccons cũng phát đi tính hiệu tích cực khi công bố kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu đạt 10.000 tỷ đồng cùng kỳ vọng “giữ vững vị thế Tổng thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam”.

Nhưng khó khăn của Coteccons không chỉ nằm ở kết quả kinh doanh, mà còn ở chiến lược kinh doanh. Ban lãnh đạo Coteccons cho biết năm 2022 kế hoạch của công ty vẫn tập trung chủ yếu và xây dựng dân dụng trong khi mảng đầu tư công chỉ mới bắt đầu tham gia và xúc tiến. Điều này có thể khiến Coteccons bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Trong khi đó, xây dựng Hòa Bình đã được mời đấu thầu nhiều dự án quan trọng và kỳ vọng doanh thu mảng công nghiệp sẽ đóng góp đến 20% tổng doanh thu trong năm 2022.