‘Cuộc chạy đua’ chuyển đổi số của các địa phương ngày càng nóng

Nhật Hạ - 10:00, 21/05/2022

TheLEADERTừ đầu năm đến nay, hàng loạt lễ ký kết hợp tác về chuyển đổi số giữa tỉnh, thành phố và các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT… đã diễn ra, với kỳ vọng đột phá trong quá trình phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, mang lại 'bộ mặt mới' cho các địa phương.

Đến nay, 63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số. Trong đó, 57 tỉnh, thành phố có trưởng ban là Chủ tịch UBND tỉnh.

Tính đến hết quý I năm nay, 6 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động năm 2022 về chuyển đổi số lồng ghép với kế hoạch phát triển chính quyền số, theo Bộ Thông tin và truyền thông.

Cơ quan này đề nghị Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các địa phương còn lại ban hành ngay trong tháng 4 kế hoạch hoạt động năm 2022. Cùng với đó, 9 địa phương chưa có văn bản chuyên đề của cấp ủy về chuyển đổi số gồm An Giang, Cà Mai, Đồng Nai, Kiên Giang, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên, Vĩnh Long, cũng cần ban hành trong tháng 4/2022.

Điều này cho thấy sự khẩn trương của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch hoạt động về chuyển đổi số năm 2022, từ đó đạt các mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, một số tỉnh, thành như TP.HCM đã giảm 50% lệ phí đối với 6 nhóm dịch vụ thiết yếu khi người dân, doanh nghiệp thực hiện qua hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4;

Tỉnh Bình Phước thực hiện chính sách chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến; tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến tới từng sở, ban, ngành, quận, huyện; tỉnh Khánh Hòa giao chỉ tiêu hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực truyến đến tận cấp xã, phường.

Nhận định đó là ‘cách hay’, mới đây Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã đề nghị các địa phương còn lại ban hành Kế hoạch thúc đẩy cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, trong đó giao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực truyến tới từng sở, ngành, quận, huyện năm 2022 đạt tối thiếu 50%; đồng thời có chính sách khuyến khích sử dụng như giảm thời giản xử lý, giảm lệ phí, dừng tiếp nhận hồ sơ giấy đối với một số loại hình dịch vụ công trực tuyến phù hợp.

Về phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, hiện nay, các địa phương đang chủ yếu tập trung phát triển Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) với các dịch vụ đô thị thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp với mục đích vừa phát triển đô thị, thành phố thông minh, vừa thực hiện chuyển đổi số tại địa phương.

Đến nay, 42/63 tỉnh, thành phố đã chính thức khai trương IOC; 38/63 địa phương đã triển khai dịch vụ phản ánh hiện trường giúp nâng cao hiệu quả tương tác giữa người dân với chính quyền.

‘Cuộc chạy đua’ chuyển đổi số của các địa phương ngày càng nóng 1

Địa phương sử dụng ‘trợ thủ’ nhằm đột phá trong chuyển đổi số

‘Cuộc chạy đua’ chuyển đổi số ngày càng nóng hơn giữa các địa phương khi có sự vào cuộc của các tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, VNPT, FPT…

Gần đây nhất là 'cú bắt tay' giữa UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Viettel về chuyển đổi số, nhằm định hướng đưa tỉnh thành trung tâm logistics miền Trung - Tây Nguyên.

Theo đó, Viettel sẽ hỗ trợ, tư vấn thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, xây dựng hạ tầng viễn thông, triển khai mạng 5G. Trong đó, tập đoàn này sẽ tư vấn, giới thiệu các giải pháp, công nghệ liên quan đến việc nâng cấp, phát triển cơ sở dữ liệu và các nền tảng số, đặc biệt là áp dụng mô hình điện toán đám mây.

Viettel cũng tham gia hỗ trợ UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ phát triển chính quyền số. Bên cạnh đó, Viettel sẽ đề xuất, giới thiệu giải pháp chuyển đổi số trong các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp, bưu chính, thương mại điện tử; đề xuất các nền tảng thông minh cho ngành y tế, giáo dục, du lịch...

Về lĩnh vực kinh tế số, Viettel đang nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh việc xây dựng trung tâm logistics, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, định hướng đưa Khánh Hòa thành "Hub" quan trọng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hai bên cùng nghiên cứu, phát triển cụm, khu công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, Viettel cũng đã liên tục ký kết hợp tác với các địa phương như Hải Dương, Ninh Thuận, Yên Bái, Hưng Yên… về chuyển đổi số.

Như tại Hải Dương, hiện tại Viettel IOC đang được triển khai thử nghiệm tại thành phố Chí Linh - Hải Dương, giúp theo dõi và quản lý tình hình trên toàn thành phố một cách đồng bộ và hiệu quả, đồng thời được ứng dụng các công nghệ mới như hệ thống trả lời tự động (callbot), hệ thống trợ lý ảo giúp tự động xem báo cáo tình hình kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, phần mềm Sổ tay Đảng viên. Hệ thống giúp mỗi Đảng viên có thể dễ dàng truy cập và phản hồi các thông tin tổ chức Đảng mọi lúc, mọi nơi thông qua thiết bị di động nhờ ứng dụng các công nghệ eKYC, Cyberbot và Text to speech.

Nhóm xã hội số bao gồm các giải pháp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và giao thông. Viettel cũng triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp, hệ thống cơ sở dữ liệu chung ngành, mạng xã hội học tập trực tuyến, truyền hình trực tuyến, cổng thông tin điện tử.

Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình tại Hải Dương bán sản phẩm, dịch vụ thông qua nền tảng thương mại điện tử Voso, đặc biệt là vải thiều, hỗ trợ tiêu thụ nông sản hiệu quả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trước đó, ngày ngày 24/8/2021, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với Tập đoàn FPT.

Theo nội dung hợp tác, FPT sẽ hỗ trợ, tham vấn cùng tỉnh Hải Dương xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số; hỗ trợ, phối hợp đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) , chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); chỉ số cải cách hành chính ( PAR index)...

Cùng với đó, FPT cũng ký kết hợp tác chuyển đổi số với một số địa phương như Quảng Trị, Hà Nam, TP.HCM, Quảng Ninh, Long An, Hà Giang, Bình Phước… trên các lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tập đoàn này sẽ phối hợp với các địa phương triển khai gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tư vấn chuyển đổi số và triển khai các ứng dụng chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình bán sản phẩm tại địa phương, đưa sản phẩm của địa phương ra toàn quốc thông qua các nền tảng thương mại, trong đó có nền tảng thương mại điện tử Sendo.

Bên cạnh đó, FPT cũng sẽ đồng hành cùng địa phương triển khai các chương trình đào tạo thay đổi nhận thức cũng như đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo, cán bộ công chức, cán bộ viên chức nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cũng như giúp tỉnh có nguồn lực số chất lượng cao.

Như tại Bình Phước, Base.vn sẽ triển khai gói tài trợ cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Gói tài trợ nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp vạch ra lộ trình chuyển đổi số và tạo điều kiện tiếp cận giải pháp chuyển đổi số uy tín trên thị trường với mức chi phí ưu đãi dành riêng cho cộng đồng SMEs.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, khi bắt tay hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện cho các tỉnh, thành trên toàn quốc, FPT kỳ vọng, dựa trên công nghệ mới nhất, các tỉnh thành sẽ có được những kết quả tăng trưởng nhanh hơn về GRDP, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như các chỉ số đánh giá liên quan đến sự phát triển của địa phương.

Mục tiêu phát triển Chính phủ số đến năm 2025 của Chương trình chuyển đổi số quốc gia:

- 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;

- 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ;

- 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội;

- 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý;

- Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).