Đáp án cho bài toán thoát ly điện than

Kiều Mai - 16:37, 30/07/2022

TheLEADERSự chuyển dịch khỏi điện than đòi hỏi Việt Nam những cân nhắc chính trị về mặt kinh tế, từ cải thiện khung pháp lý để thúc đẩy các năng lượng sạch mới, tới cải cách giá điện.

Nhiệt điện than đóng vai trò trụ cột

Chương trình điện khí hóa của Việt Nam là một câu chuyện thành công trên toàn cầu, nhờ khả năng tăng tỷ lệ tiếp cận điện năng từ 14% năm 1993 lên 99% vào năm 2020. Khi nhu cầu điện tăng với tốc độ hai chữ số, công suất lắp đặt của ngành điện tăng gần 14 lần, từ 5GW năm 2000 lên 68GW năm 2020.

Tuy nhiên, cùng với đó, công suất lắp đặt của các nhà máy nhiệt điện than đã tăng gấp bốn lần trong một thập kỷ, từ 5GW năm 2010 lên 20GW năm 2020, khiến ngành điện trở thành nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất tại Việt Nam.

Năm 2020, nhiệt điện than chiếm khoảng 30% công suất lắp đặt và 59% sản lượng điện. Hệ số phát thải của lưới điện ước tính khoảng 0,9 tấn CO2 trên mỗi MWh vào năm 2020 – là mức cao theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Nhu cầu về điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng 6 – 7% mỗi năm do mức sống được cải thiện và các nhu cầu mới xuất hiện, như số hóa và phương tiện giao thông chạy bằng điện.

Với tốc độ này, nguồn cung cấp điện sẽ cần phải tăng gấp đôi sau mỗi giai đoạn 10 năm để đáp ứng nhu cầu điện cho phụ tải cơ bản và phụ tải giờ cao điểm, cũng như duy trì đủ biên độ dự trữ của hệ thống, Nhóm Ngân hàng Thế giới phân tích trong “Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam” mới đây.

a
Ngành điện Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào than.

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, Quy hoạch Điện VII sửa đổi vừa qua đã quy hoạch tiếp tục sản xuất điện từ than, với công suất lắp đặt của các nhà máy điện chạy bằng than tăng gấp hơn ba lần, từ 20GW vào năm 2020 lên 63GW vào năm 2030.

Tuy nhiên, tại COP26 gần đây, Việt Nam đã ký “Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch”, với mục tiêu là loại bỏ hoạt động sản xuất điện than, hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ phải điều chỉnh kế hoạch mở rộng ngành điện hiện có để đạt được mục tiêu trong những thập kỷ tới.

Dựa trên phân tích các mô hình và kịch bản, Nhóm Ngân hàng Thế giới lưu ý: “chấm dứt sử dụng than đòi hỏi cần cân nhắc kỹ đến các nhà máy điện than hiện nay và chuyển dịch hợp lý cho người dân, cộng đồng và doanh nghiệp đang phụ thuộc vào ngành công nghiệp than”.

Hiện nay, khoảng 75% nhà máy điện than do doanh nghiệp nhà nước sở hữu, và số còn lại thuộc khu vực tư nhân. Tuổi thọ trung bình của các nhà máy điện than quốc doanh là 11 năm, trong khi của tư nhân là 5 năm.

Do đó, Chính phủ cần đánh giá, chuẩn bị các cơ chế thoả thuận mới cho các loại tài sản tương đối trẻ tuổi, nhưng lại nắm giữ các hợp đồng cung ứng điện dài hạn này để dịch chuyển khỏi than.

Khử carbon trong ngành điện cũng cần phải có sự quản lý các tác động đến người lao động và cộng đồng, và đảm bảo quản lý tốt về môi trường đối với đất đai và tài sản hạ tầng.

Ngoài ra, sự dịch chuyển khỏi than sẽ tạo ra những tác động không cân xứng, đòi hỏi phải có sự đánh đối, “không chỉ là tình huống 50-50, mà cần có những cân nhắc chính trị về mặt kinh tế đối với chuyển dịch. Sẽ cần phải cải thiện các tiến trình quản trị dẫn đến đóng cửa các mỏ than và nhà máy điện than để mở đường cho lộ trình khử carbon”, Nhóm Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.

Đơn cử, những vùng sản xuất than có thể rơi vào tình trạng khó khăn khi các mỏ than và nhà máy nhiệt điện thua lỗ, khiến tương lai của công nhân và cộng đồng địa phương trở nên bấp bênh.

Không chỉ vậy, môi trường đầu tư biến động và chi phí hệ thống cao hơn có thể tác động đến giá tiêu dùng điện. Theo phân tích, giá điện bình quân trong kịch bản tăng tốc khử carbon để phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam sẽ cao hơn 26% so với kịch bản cơ sở vào năm 2040, và trung bình sẽ cao hơn 16% giai đoạn 2020 – 2040.

“Việc đảm bảo khả năng chi trả của người dân sẽ là một cân nhắc chính trị quan trọng trong lĩnh vực kinh tế”, nhóm chuyên gia lưu ý.

Các khuyến nghị

Theo phân tích từ Nhóm Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần thúc đẩy triển khai nhanh năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, bằng cách cải thiện khung pháp lý, bao gồm quy định mua sắm minh bạch và đấu thầu cạnh tranh để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia.

Sau thành công, chính sách FIT hiện nay đang bắt đầu cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng, làm cho các dự án năng lượng tái tạo trở nên đắt đỏ hơn so với các dự án nhiên liệu hóa thạch.

“Đã tới lúc phải thay thế FIT bằng một cơ chế đấu giá minh bạch, ổn định và phối hợp tốt cho hoạt động triển khai dự án năng lượng, bắt đầu với năng lượng mặt trời, gió trên bờ và gió ngoài khơi – những nguồn tài nguyên trong nước thuộc vào hàng tốt nhất trên thế giới, và sau đó mở rộng quy mô sang các loại năng lượng và công nghệ khác”, báo cáo đề xuất.

a 2
Việt Nam đã trải qua giai đoạn mở rộng năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên đất liền với tốc độ chóng mặt trong vài năm qua nhờ cơ chế FIT.

Thứ hai, hoàn thiện quy hoạch điện VIII để phù hợp với các cam kết đưa phát thải ròng về 0, và thực hiện đầu tư đã xác định.

Trong đó, Việt Nam cần cải thiện khung pháp lý để thu hút đầu tư, bao gồm thực thi triệt để Luật hợp tác công – tư với các điều khoản về củng cố rà soát, thông qua và huy động nguồn hỗ trợ chính phủ khi cần thiết. 

Bên cạnh đó, cần có các hợp đồng mua bán điện khả thi về mặt tài chính để thu hút nguồn vốn quốc tế giá rẻ hơn cho ngành này.

Ngoài ra, tăng cơ hội để khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch về trung hạn, như trái phiếu xanh do các đơn vị nhà nước phát hành, cổ phần hoá và tái sử dụng các tài sản trong ngành hiện nay, đầu tư truyền tải và phân phối có chọn lọc (ví dụ, kết nối các nhà máy điện tư nhân với mạng lưới điện quốc gia).

Thứ ba, đầu tư tăng công suất và mức độ linh hoạt của lưới điện để tiếp nhận được sản lượng năng lượng tái tạo tăng thêm.

Thứ tư, đẩy nhanh việc thực hiện các kế hoạch tiết kiệm điện, bao gồm các chính sách định giá hiệu quả.

Thứ năm, cải cách giá điện. Các cuộc cải cách giá điện không chỉ là phát tín hiệu giá hợp lý cho người tiêu dùng để điều hoà mức sử dụng điện, mà còn đảm bảo nhu cầu về nguồn thu được căn cứ trên tính toán đầy đủ chi phí cung ứng, và như vậy, đảm bảo tính bền vững tài chính của ngành điện.

Cuối cùng, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam phát triển điện khí như một loại nhiên liệu chuyển tiếp khi cân nhắc đến rủi ro tích trữ carbon lâu dài.

Khí đốt tự nhiên là loại nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp hơn, và thường được sử dụng để thay thế than đá, giúp cung cấp khả năng điều độ và dự phòng linh hoạt cho việc tích hợp năng lượng tái tạo và đáp ứng nhu cầu phụ tải cao điểm.

Do tài nguyên khí đốt trong nước hạn chế nên nguồn cung cấp khí đốt của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu.

“Đây là một phân khúc thị trường mới, nên Việt Nam cần có những cải cách chính sách thượng tầng với LNG, bao gồm các thủ tục mua khí đốt minh bạch. Cần cập nhật khung pháp lý với các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và môi trường, cùng với chính sách ứng phó với biến động giá khí đốt”, Nhóm Ngân hàng Thế giới lưu ý.