Đất khắp nơi lên cơn sốt, lo ngại vỡ ‘bong bóng bất động sản' ngay trong 2018?
Quỳnh Như
Thứ sáu, 25/05/2018 - 09:46
Thị trường bất động sản sốt nóng cùng với cơn sốt đất càn quét khắp nơi đang dấy lên lo ngại về việc xảy ra bong bóng bất động sản ngay trong năm 2018.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM, giá đất nền TP. HCM bình quân đã tăng 10% so với đầu năm 2018, một số nơi như Thủ Đức, Bình Chánh đã tăng 60 - 70%. Báo cáo của CBRE cũng cho biết, quý I/2018 phân khúc nhà phố/biệt thự đã tăng giá 30% so với cuối năm 2017.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường đang tăng trưởng nóng “bất thường” nhưng không phải trên diện rộng mà chỉ một vài phân khúc cá biệt như đất nền.
Hiện tại, với nhiều biện pháp khác nhau, Nhà nước vẫn đang kiểm soát khá hiệu quả, không cho tình trạng “bong bóng” hình thành trên thị trường bất động sản, ít nhất là trong năm 2018.
Tại một hội thảo về bất động sản hồi tuần trước, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiện thị trường có 8/10 dấu hiệu của việc hình thành bong bóng. Cụ thể, 8/10 yếu tố quan trọng, cấu thành nên thị trường bất động sản đều tăng: giao dịch, giá, dự án mới, địa bàn triển khai, chủ thể, quy mô dự án, giá trị dự án, nguồn tiền đổ vào, truyền thông quan tâm nhiều hơn….
“Thêm đầu tư công vào bất động sản và nguồn vốn xây dựng nhà đất tăng nữa là thị trường sẽ tái diễn lại tình trạng như đợt khủng hoảng năm 2009. Nhà nước vẫn đang tìm cách ghìm 2 yếu tố trên, nhằm kéo ngược thị trường bất động sản, không cho tăng phi mã nữa”, ông Chung nói.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng khẳng định với giới truyền thông: không cần phải quá lo lắng về tình trạng “bong bóng bất động sản” trong năm nay.
Theo ông, một thị trường bất động sản đang “bong bóng” sẽ có 3 dấu hiệu sau: Thứ nhất giá tăng ở mức rất cao trên diện rộng, tầm 30 - 50%, thứ hai lượng người mua tăng đột biến trên mọi phân khúc và cuối cùng là nhu cầu ở thực tế ít, đầu cơ nhiều. Tuy nhiên, hiện tại, thị trường không có 3 dấu hiệu trên.
“Hiện tại, tín dụng đổ vào bất động sản vẫn đang được kiểm soát một cách bình thường, dư nợ bất động sản chiếm chưa đến 8%, thời kỳ cao điểm trước kia còn có khi lên tới 15%”, ông Lực cho biết.
Nhận định về vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng cho rằng, thị trường bất động sản sẽ không hình thành "bong bóng" trong năm 2018 bởi lẽ: qua trải nghiệm các đợt khủng hoảng của thị trường những năm trước đây, các chủ thể đều đã thông minh hơn, từ nhà nước, chủ đầu tư, ngân hàng cho tới người tiêu dùng.
Hiện tại, thoạt trông, đang có rất nhiều chỉ số/chỉ dấu của nền kinh tế và thị trường bất động sản giống với nguyên nhân vỡ “bong bóng” 2 đợt khủng khoảng trước, nhưng nếu nhìn sâu vào bản chất, thì chúng không thế, báo cáo của HoREA nhận định.
Tăng trưởng GDP cả nước năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua, là mức tăng trưởng tích cực và hợp lý. Nền kinh tế không có tăng trưởng nóng, các thành phần kinh tế đang có xu thế mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh.
Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 khoảng 6,5 - 6,7%, theo HoREA, con số này hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, không có gì bất thường. Quý I/2018, có 26.785 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 278.000 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng cả nước năm 2017 đạt 18,17% (chỉ gần bằng phân nửa mức tăng trưởng tín dụng nóng 37% của năm 2007), dự kiến năm 2018, tăng trưởng tín dụng xuống mức 17%.
Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt. Năm 2018, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, chủ yếu là lĩnh vực bất động sản. Theo lộ trình, tỷ lệ này sẽ giảm còn 40% kể từ ngày 1/1/2019.
HoREA cũng đề nghị, Nhà nước cần phải quan tâm, quản lý và kiểm soát 2 phân khúc sau, để không thị trường không hình thành “bong bóng” sau 2018.
Vẫn còn có tình trạng lệch pha cung - cầu trong phân khúc bất động sản cao cấp - du lịch nghỉ dưỡng (condotel). Tình trạng đầu tư bát nháo và thổi giá ở phân khúc đất nền, nhất là khu vực ngoại ô TP. HCM, đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Thế nên, chuyện tồi tệ nhất có thể xảy ra, chỉ là phân khúc đất nền bị “bong bóng”, những phân khúc khác như nhà phố, chung cư, biệt thự liền kề… vẫn an toàn.
Mối lo ngại về những hệ lụy của sốt giá đất nền đang trở nên rõ nét nhưng theo chuyên gia tư vấn Savills đằng sau sự sôi động đến chóng mặt vẫn có những phương thức để lựa chọn đầu tư trở nên an toàn nhất có thể.
Theo đại diện của công ty tư vấn bất động sản Savills, đặc khu kinh tế muốn thực sự phát triển phải có quy hoạch ngay từ đầu, trong khi đó quy hoạch của Việt Nam vốn chưa phải thế mạnh.
Hầu hết đặc khu kinh tế xảy ra tình trạng sốt đất đều có cán bộ quản lý tham gia mua đi bán lại, do đó, để cắt cơn sốt đất thì cán bộ đừng đi mua đất nữa, thay vào đó là tuyên truyền cho người dân hiểu những hệ luỵ do nó gây ra.
Nếu không có biện pháp quản lý phù hợp, cơn sốt đất đang càn quét tại các đặc khu tương lai như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ để lại những hệ luỵ khôn lường.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.