Đầu tư điện gió: Nhà đầu tư đang gánh toàn bộ rủi ro

Nguyễn Cảnh - 16:12, 10/12/2021

TheLEADERPhát triển điện gió cần cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro. Hiện toàn bộ rủi ro trong phát triển điện gió đang nằm trên vai chủ đầu tư.

Đầu tư điện gió: Nhà đầu tư đang gánh toàn bộ rủi ro
Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn, phát triển điện gió mới chỉ có tiềm năng kỹ thuật, chứ chưa phải tiềm năng kinh tế.

Đánh giá này được đưa ra bởi chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) tại Tọa đàm “Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới” do TheLEADER tổ chức.

Hiện trạng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam cho thấy, Chính phủ đã tích cực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo (NLTT); đạt được những tiến độ đáng kể trong phát triển NLTT, theo đó công suất tăng chủ yếu từ điện mặt trời, áp mái, điện gió và chủ yếu từ đầu tư tư nhân.

Mặc dù than đá hiện nay vẫn chiếm vai trò chủ đạo nhưng điện gió cho đến hết tháng 10/2021 đã đạt hơn 4.000MW, điện mặt trời 8.300MW. Tổng mức điện NLTT hiện ở mức 25.000MW, chiếm khoảng 35% tổng công suất lắp đặt của hệ thống, đây là con số rất lớn. Nhưng sản lượng chỉ chiếm 13% trong tổng sản lượng điện sản xuất 10 tháng vừa qua.

45% tăng trưởng công suất phát điện chủ yếu từ đầu tư tư nhân, 35% đến từ nguồn vốn FDI. Khoản đầu tư này, cho thấy sự bùng nổ của NLTT, thay đổi đáng kể cơ cấu năng lượng của cả nước, bùng nổ ở mức độ rất rộng. Trong đó điện mặt trời chiếm đa số, sau đó đến điện gió, thuỷ điện.

Đánh giá về tiềm năng phát triển điện gió, ông Tuấn cho rằng, đây là tiềm năng kỹ thuật chứ chưa phải là tiềm năng kinh tế. Hiện nay, tiềm năng kinh tế đang nhỏ hơn rất nhiều tiềm năng kỹ thuật.

Tiềm năng điện gió trên bờ, có 4 vùng có tiềm năng điện gió trên bờ như: phía Bắc (Lạng Sơn, Bắc Giang), Bắc Trung bộ (Quảng trị, Quảng Bình), miền Trung Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nam Bộ (Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu).

Với mức độ phát triển công nghệ thì chúng ta vẫn có thể phát triển được nữa. Tiềm năng điện gió này có thể lớn nhưng là hữu hạn, nếu phát triển bây giờ giai đoạn sau sẽ không thể phát triển nữa.

Tiềm năng điện gió ngoài khơi cũng vậy, nhiều nghiên cứu đánh giá là rất lớn nhưng tiềm năng ở đây cũng là tiềm năng kỹ thuật chưa phải tiềm năng kinh tế. Khu vực biển Bắc bộ, miền Trung, Nam Trung bộ và phía Nam, là 4 vùng có tiềm năng gió phát triển tốt nhất.

Có thể thấy, phát triển điện gió ở VN trong giai đoạn 2011 - 2021 là sự đột phá, đặc biệt năm 2021. Nếu năm 2011 chỉ 30MW, thì 10 năm sau, con số này đã là 4.800MW được đưa vào hoạt động.

Triển vọng quy hoạch phát triển điện gió đến năm 2045, chúng ta nhìn thấy rằng vai trò sự phát triển của điện gió, sẽ phát triển rất nhanh chóng. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể chung, vai trò thực sự của tỉ trọng điện gió cũng chưa phải lớn nhất trong hệ thống. Cái lớn nhất vẫn là điện khí, than và thuỷ điện.

Sự phát triển bùng nổ như vừa rồi là nhờ chính sách điện gió, chúng ta đã có sự hỗ trợ phát triển rất tích cực. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, tương ứng với tiềm năng, cần phải có những chính sách hỗ trợ tìm kiếm những chính sách, công cụ nào đó mạnh hơn nữa để có thể phát triển.

Với đặc thù như vậy, có thể nhìn thấy vấn đề rằng thuận lợi và trở ngại đang được đặt ra. Tiềm năng tăng trưởng năng lượng mặt trời lớn hơn điện gió rất nhiều, nhưng phát triển sẽ hạn chế hơn điện gió. Điện mặt trời thường có quy mô nhỏ khó có khả năng phát điện liên tục, sản lượng cao vào ban ngày, giữa ban ngày có thể gây quá tải lưới điện.

Điện gió có những ưu điểm hơn nhưng lại yêu cầu tính phức tạp hơn rất nhiều về kỹ thuật. 1 dự án mất 2 năm thi công trong khi điện mặt trời chỉ mất hơn nửa năm. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi còn phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật hơn nhiều.

Một rủi ro khác là quá ít các nhà cung cấp thiết bị. Để giảm giá thành cần vốn đầu tư rất lớn, các nhà đầu tư thường gặp khó ở vấn đề này.

Ngoài ra, một trở ngại khác là chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi, tỷ lệ nội địa hoá thấp. Hình thức bây giờ vẫn gần như chỉ là nhập toàn bộ và lắp đặt.

Do đó, lựa chọn con đường phát triển cho điện gió cần cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro. Hiện toàn bộ rủi ro cho phát triển đang nằm trên vai chủ đầu tư.