Để doanh nghiệp nhà nước dẫn dắt các chuyển đổi lớn

Phạm Sơn - 10:59, 30/05/2024

TheLEADERDoanh nghiệp nhà nước có thế mạnh về nguồn lực, thị trường, thương hiệu nhưng lại không dám đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm vì thiếu cơ chế, sợ trách nhiệm.

Để doanh nghiệp nhà nước dẫn dắt các chuyển đổi lớn
Doanh nghiệp nhà nước cần tận dụng thế mạnh để dẫn dắt cuộc đua chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Ảnh: Hoàng Anh.

Kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn hứa hẹn sẽ trở thành những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Tuy nhiên, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn chưa thực sự cao trong các lĩnh vực này. Một số lĩnh vực dù được xếp hạng khá trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn còn cách rất xa các quốc gia phát triển.

Lý giải cho thực trạng này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Sáng lập viên Think Future Consultancy, cho biết, các lĩnh vực mới có thể đòi hỏi chi phí đầu tư cho nghiên cứu lớn nhưng chưa chắc đã đi đúng hướng. Có khi chỉ 10 – 15% nghiên cứu thực sự có hiệu quả ứng dụng thực tiễn.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp tư nhân đang bị kiệt quệ về nguồn lực nên sẽ lựa chọn đường đi “ăn chắc mặc bền”, ít dám mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực mới. Còn doanh nghiệp nhà nước, dù có nguồn lực nhưng lại “không dám đầu tư”.

GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhìn nhận, doanh nghiệp nhà nước vẫn đang được quản lý theo cơ chế cũ, làm hạn chế khả năng tự do hành động, đưa ra quyết định, khả năng sáng tạo.

Ông Cường cho biết, doanh nghiệp nhà nước làm gì cũng phải xin, phải lập kế hoạch, trải qua nhiều thủ tục, trong khi doanh nghiệp tư nhân linh hoạt hơn rất nhiều. Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước, sử dụng vốn nhà nước, rất e ngại vấn đề làm thất thoát ngân sách do đầu tư không hiệu quả.

“Đầu tư 10 lần lãi thì chẳng sao, hoặc được khen thưởng nhưng một lần thất bại là phải sẵn sàng chịu trách nhiệm rồi”, ông Cường giải thích về việc doanh nghiệp nhà nước không dám mạo hiểm đầu tư vào những lĩnh vực mới.

Thay đổi từ cơ chế

Thực tế, doanh nghiệp nhà nước chịu sự kiểm soát có phần chặt chẽ hơn khối tư nhân bởi nhóm doanh nghiệp này, bên cạnh mục tiêu kinh tế còn phải thực hiện nhiệm vụ mang tính chính trị.

Chẳng hạn, các ngân hàng quốc doanh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, hay các doanh nghiệp viễn thông là then chốt trong công tác phủ sóng viễn thông, chuyển đổi số toàn quốc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách quản lý sát sao theo từng hành vi, hành động của doanh nghiệp đã không còn hợp lý. Tại Chương trình đối thoại Bệ đỡ cho các động lực tăng trưởng, ông Cường đề xuất, cần thay đổi cơ chế quản lý theo cách đặt ra kế hoạch, mục tiêu, chiến lược.

Doanh nghiệp nhà nước được quyền tự chủ trong một số hành động, miễn là đạt được mục tiêu được đề ra, thay vì để Nhà nước cầm tay chỉ việc cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần cơ chế nhằm trao quyền cho các cán bộ quản lý trong việc vận dụng quy định pháp luật nhằm đem lại kết quả tốt cho nền kinh tế, xã hội, đi kèm với chính sách bảo vệ người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Thực tế, những cơ chế đặc thù cho phép người quản lý ra quyết sách kịp thời là rất quan trọng, điển hình như Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội tán thành việc Chính phủ chủ động, linh hoạt các giải pháp chống dịch Covid-19.

Nhờ đó, các giải pháp như giãn cách xã hội, huy động quân đội chống dịch được triển khai kịp thời, góp phần hạn chế hậu quả do Covid-19 gây ra.

Theo ông Cường, hiện nay, các địa phương khi xin cơ chế đặc thù cũng đặt vấn đề về đầu tư mạo hiểm. Đây là tín hiệu cho tư duy mới trong quản lý, điều hành để khơi dậy năng lực tự chủ, tinh thần sáng tạo để khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước.

Đồng quan điểm, theo vị chuyên gia của Think Future Consultancy, Nhà nước có thể quản lý doanh nghiệp khu vực công thông qua các KPI cụ thể như tăng trưởng, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả nghiên cứu phát triển, bên cạnh cơ chế thưởng phạt rõ ràng để tạo luồng sinh khí mới cho doanh nghiệp nhà nước.

Mặt khác, giao cho doanh nghiệp nhà nước những nhiệm vụ cụ thể. Chẳng hạn như hiện nay đã có ba dự án đường sắt đô thị, theo ông Linh, có thể đặt mục tiêu cho doanh nghiệp nhà nước phải tự triển khai được dự án thứ tư, thay vì đến dự án thứ 10 vẫn phải xin vốn ngân sách, vay vốn ODA.

“Nếu doanh nghiệp nhà nước không làm được thì mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân làm”, ông Linh thẳng thắn.