Đề xuất gia hạn giá FIT cho các dự án điện gió đến 31/3/2022

Nguyễn Cảnh - 16:23, 07/11/2021

TheLEADERĐây là đề xuất của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nêu ra tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về phát triển kinh tế xã hội 9 tháng và thực hiện Nghị quyết 31 về dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân.

Đề xuất gia hạn giá FIT cho các dự án điện gió đến 31/3/2022
Tỉnh Ninh Thuận đề xuất gia hạn thêm giá FIT với điện gió đến tháng 3/2022 và sớm có cơ chế giá mới cho điện mặt trời (ảnh minh họa)

Ngày 6/11 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nêu các đề xuất, kiến nghị để tạo điều kiện cho tỉnh giải quyết các khó khăn, góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.

Tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1/1/2021 và cho chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐTTg của Thủ tướng đến hết ngày 31/03/2022.

Đề nghị xem xét thay thế quy mô công suất nguồn điện hạt nhân bằng nguồn điện khí LNG và cập nhật, bổ sung nhà máy điện LNG Cà Ná 2.1 và 2.2 thuộc Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná vào quy hoạch điện VIII, làm cơ sở để tỉnh lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cơ bản tán thành với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Ninh Thuận. 

Một số ý kiến cho rằng việc phát triển điện khí sử dụng LNG cùng với các nguồn năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận là định hướng đúng đắn, bám sát tinh thần của Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, phù hợp với Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội, nhằm mục tiêu tận dụng lợi thế so sánh, phát triển kinh tế của tỉnh, sản xuất điện theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, đồng thời tăng khả năng tự chủ và đa dạng hóa nguồn cung điện, từ đó bảo đảm môi trường cạnh tranh của thị trường bán buôn điện.

Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với chính sách giá điện gió, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu gia hạn chính sách ưu đãi đối với các dự án điện gió bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Về giá điện mặt trời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm ban hành chính sách giá mới, cơ chế đấu thầu đấu giá đối với điện mặt trời nối lưới.

Điện khí LNG đã có chủ trương phát triển, đề nghị Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu về cơ cấu các nguồn điện trong quy hoạch điện VIII như đã phân tích, trong đó cần xem xét ưu tiên phát triển điện khí hóa lỏng, do đây là một trong những giải pháp vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý xây dựng quy hoạch cần đồng bộ, thống nhất với quy hoạch phát triển cảng biển quốc gia, bảo đảm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, cụ thể như khu vực phía Nam có lợi thế về cảng biển nước sâu, thuận tiện cho việc nhập nhẩu khí LNG.

Hơn một năm trước, Bộ Công thương đã từng có kiến nghị, đề xuất kéo dài cơ chế giá điện gió cố định tại Quyết định 39/2018.

Với nội dung giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.927 đồng/kWh (chưa gồm VAT) với điện gió trong đất liền, 2.223 đồng/kWh với điện gió trên biển (áp dụng cho các dự án điện gió vận hành một phần/toàn bộ trước 1/11/2021), Quyết định 39 đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió.

Theo Bộ Công thương đánh giá thời điểm đó, chỉ còn khoảng 18 tháng, không đủ thời gian để nhà đầu tư triển khai hoạt động và xây dựng dự án điện gió, đặc biệt đối với dự án điện gió trên biển và các trường hợp chưa được duyệt bổ sung quy hoạch. Cùng với việc nhận được báo cáo của 9 tỉnh về đề nghị xem xét gia hạn thời hạn áp dụng cơ chế giá điện gió cố định (do vướng mắc áp dụng Luật Quy hoạch, khó khăn trong đầu tư xây dựng…), Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng xem xét kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định tới hết 31/12/2023.