Dịch bệnh phủ bóng đen lên bất động sản

Thu Phương - 11:56, 11/03/2020

TheLEADERDịch Covid-19 đang đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản do không có doanh thu.

Dịch bệnh phủ bóng đen lên bất động sản
Màu xám đang bao trùm thị trường bất động sản

Thị trường "đóng băng"

“Năm nay quả thật là một năm "đại hoạ" đối với cả nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc HDMon Holdings lo ngại về tương lai của thị trường trước những tác động của dịch bệnh Covid-19.

Ông Tuấn nhận xét, dịch Covid-19 trước hết đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và mạng sống của người dân, và theo chỉ đạo của Chính phủ, các hoạt động tụ tập nơi đông người bị hạn chế nên việc mở bán, ra mắt dự án cũng bị đình trệ.

Nghiêm trọng hơn, dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề. Hàng loạt các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng. Dòng tiền trong nền kinh tế sụt giảm, không được lưu thông. 

Kinh tế của người dân khó khăn nên họ cũng sẽ không ưu tiên dùng tiền cho việc mua nhà và đầu tư địa ốc. Do đó, dự án có mở bán ở thời điểm này cũng sẽ khó có thanh khoản.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, gần như không có dự án bất động sản nào mở bán mới. Chỉ có một số ít dự án đã chào bán từ giai đoạn trước còn hàng tồn vẫn đang mở bán nhưng tốc độ bán hàng rất chậm, người dân không có nhu cầu mua nhà ở thời điểm dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảm nhận thị trường đang quay trở lại những ngày "đóng băng" như giai đoạn khủng hoảng năm 2013. Tỷ lệ giao dịch thành công thấp kỷ lục. Không khí ảm đạm bao trùm toàn thị trường.

Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian gần đây, hàng loạt khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên toàn quốc đã đóng cửa.

Vinpearl hiện đã đóng cửa 7 khách sạn, trong đó có khách sạn ở Nha Trang sẽ tạm ngưng hoạt động đến 31/3; năm cơ sở tại Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc tạm đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Sun Group cũng thông báo đóng cửa công viên châu Á - Sunworld Danang Wonders đến 30/4 để bảo trì, cải tạo cảnh quan. Doanh nghiệp hiện chỉ mở công viên Rồng - Dragon Parks tại Hạ Long vào cuối tuần để phục vụ nhu cầu (có thể có) của du khách. 

Lãnh đạo Sun Group cho biết, gần hai tháng qua, lượng du khách đến với các khu du lịch Sun World đã sụt giảm mạnh. Sun World Fansipan Legend sụt giảm tới 70%, Sun World Ba Na Hills giảm 65%, Sun World Halong Complex giảm tới 85%.

Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 đang đẩy ngành du lịch vào khủng hoảng. Trung Quốc vốn là dòng khách du lịch lớn nhất của Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng trong một tháng qua. 

Năm ngoái, khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, trong tháng 2 vừa qua, lượng khách du lịch từ thị trường này đã giảm 62,4% so với tháng 2 năm trước và chỉ còn chưa đầy 200.000 khách.

Nhiều khách sạn, chuỗi khách sạn lớn đã treo biển giảm giá phòng 50 - 60%, miễn phí dịch vụ, tặng ưu đãi để hoạt động cầm chừng. Thiệt hại về doanh thu du lịch ước tính lên đến 7 tỷ USD.

Lĩnh vực bán lẻ, trung tâm thương mại cũng tương tình hình tự khi hoạt động kinh doanh ế ẩm do người dân e ngại việc tập trung đông người. Các khu vực mua sắm, ăn uống thường ngày sôi động, tấp nập, nay cũng lâm vào tình cảnh vắng vẻ.

Thống kê sơ bộ tại TP. HCM cho thấy, so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ 40 - 50%. Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống vào ngày thường giảm từ 20 - 30%, cuối tuần giảm tới 50%. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm giảm tới 40%. 

Nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng kêu cứu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay, quay vòng lãi suất để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh đã thông báo giảm giá cho thuê mặt bằng xuống mức kỷ lục. Theo đó, Hưng Thịnh sẽ xem xét từng đối tác để quyết định mức giảm giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại của tập đoàn trong khoảng từ 20 - 40%, thậm chí có thể giảm nhiều hơn cho các đối tác và khách hàng nhằm chia sẻ thiệt hại.

Đáng nói, dịch bệnh đã giáng thêm cú sốc lên thị trường bất động sản vốn không mấy khả quan từ năm 2019 do những điểm nghẽn về cơ chế chính sách của nhà nước. 

Theo đó, nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc về pháp lý, bế tắc thủ tục nên không thể hoặc bị dừng triển khai. Doanh nghiệp không ra được sản phẩm, làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngân hàng, chi phí duy trì hoạt động.

Toàn TP. HCM năm 2019 chỉ một dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 92% so với năm trước. Số dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư chỉ còn 4, tức giảm 85%. Số dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư là 16, giảm 80%.

Doanh nghiệp đang rất khó khăn về tài chính. Đầu vào không có thì lấy đâu đầu ra để trả lương cho người lao động. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, không biết các doanh nghiệp bất động sản sẽ có thể cầm cự được đến bao giờ.
ông Nguyễn Anh Tuấn
Phó chủ tịch HD Mon Holdings

Tình hình khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí đóng cửa. Trong năm 2019 ngành kinh doanh bất động sản ghi nhận 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động. Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ công ty giải thể cao (686 doanh nghiệp), tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018. 

Theo nhiều chuyên gia, tác động của dịch corona đối với Việt Nam sẽ rất khó lường do tốc độ lây lan của dịch bệnh này đang rất phức tạp. Kinh tế thế giới và Việt Nam đang chịu thiệt hại nghiêm trọng. Nếu tình hình này kéo dài, việc trị bệnh cho nền kinh tế sau khủng hoảng sẽ còn gian nan hơn nhiều việc chữa bệnh do Covid-19.

Doanh nghiệp "gồng mình" cầm cự

Trước tình hình thị trường bất động sản như hiện nay, lãnh đạo HDMon Holdings cho biết, ông đang tính toán phương án để cho toàn công ty nghỉ việc tạm thời. Hiện tại, công ty vẫn trả lương 100% cho người lao động nhưng nếu dịch bệnh diễn biến xấu, khả năng công ty sẽ giảm 30 - 50% lương của cán bộ công nhân viên.

“Doanh nghiệp đang rất khó khăn về tài chính. Đầu vào không có thì lấy đâu đầu ra để trả lương cho người lao động. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, không biết các doanh nghiệp bất động sản sẽ có thể cầm cự được đến bao giờ", ông Tuấn lo ngại.

Chủ một doanh nghiệp bất động sản khác tại Hội An cũng cho biết, ông đang nghiên cứu các giải pháp để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của công ty. Theo đó, khả năng doanh nghiệp sẽ giảm bớt lao động theo hướng cơ cấu lại bộ máy nhân sự, một người có thể làm nhiều việc.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, việc giảm lương là điều công ty ông chưa tính tới vì đặc thù mỗi đơn vị đều có quỹ lương dự phòng. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài, ông cũng hoang mang không biết hướng đi tiếp theo sẽ như thế nào.

Đưa ra giải pháp tình thế cho các doanh nghiệp bất động sản ở thời điểm hiện tại, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group chia sẻ, vấn đề mấu chốt của các doanh nghiệp hiện nay là khó khăn từ việc không có doanh thu, sự suy giảm của thị trường. 

Do đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào các giải pháp liên quan đến việc cắt giảm chi phí nhiều hơn là tăng doanh thu, bởi rõ ràng ở thời điểm hiện tại, việc tăng doanh thu là không thể. 

Trước hết, các doanh nghiệp nên cắt giảm những nhân sự không cần thiết để bộ máy bớt cồng kềnh, tinh gọn hệ thống nhân sự. Thứ hai, các doanh nghiệp có thể áp dụng các chính sách luân phiên lao động. Một vị trí trước đây có hai, ba người cùng làm thì nay chỉ luân phiên một người làm, một ngày nghỉ, một ngày làm luân phiên. 

Thứ ba, doanh nghiệp cũng có thể cho lao động nghỉ phép để có nhiều thời gian lo cho gia đình. Thời điểm này, con cái họ vẫn chưa đi học trở lại nên người lao động cũng cần thời gian nhiều hơn bên gia đình.

Thứ tư là tăng cường các giải pháp tiết kiệm như tiết kiệm điện, nước và hạn chế các chi phí phát sinh. Chủ các doanh nghiệp nên nói chuyện với nhân viên để họ thông cảm, chia sẻ, cùng công ty vượt qua khó khăn.

"Có như vậy mới đảm bảo sự sống sót cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn sống thì còn cơ hội phục hồi", ông Chánh chia sẻ.

Theo ông Chánh, nếu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, mất cân đối về tài chính thì nên bán bớt số tài sản đang có đi để duy trì hoạt động. Các công ty cũng cần cơ cấu lại khoản vay ngân hàng nếu có. Các dự án có thể hoàn thiện pháp lý, cần đẩy mạnh, còn đối với những dự án không thể hoàn thiện pháp lý thì cũng nên bán đi. Bởi nếu doanh nghiệp cố gắng gồng gánh các chi phí để giữ dự án đó, sử dụng đòn bẩy tài chính vay quá nhiều cũng sẽ rất ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Một yếu tố quan trọng nữa theo ông Chánh là ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp nên  tăng cường hợp tác chứ không nên tăng cường đi vay. Thay vì trước đây để triển khai dự án mất 10 đồng, doanh nghiệp có 5 đồng và đi vay 5 đồng thì nay doanh nghiệp nên tìm kiếm một doanh nghiệp khác cũng có 5 đồng để cùng làm. 

"Các doanh nghiệp nên liên minh hợp tác chứ không nên đi vay để trong bối cảnh hiện tại để tăng cường sức mạnh nội lực, cùng nhau vượt qua khủng hoảng", ông Chánh nói.