Doanh nghiệp làm gì để kiểm kê và giảm nhẹ khí thải

Phạm Sơn - 13:15, 29/07/2023

TheLEADERKiểm kê và thực hiện khí thải nhà kính là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp nằm trong danh mục của Chính phủ, cũng như một số doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh của cơ chế CBAM.

“Thời điểm vàng” để kiểm kê khí thải

Theo lộ trình được Chính phủ đưa ra, đến năm 2025, các doanh nghiệp nằm trong danh mục sẽ bắt buộc phải báo cáo số liệu về phát thải khí nhà kính, lấy đó làm cơ sở để Nhà nước xây dựng hạn ngạch cũng như lộ trình cắt giảm khí thải riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực và từng đơn vị.

Đáng chú ý, theo ông Trương Vĩnh Khang, Trưởng bộ phận phát triển bền vững Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) Việt Nam, cho biết, từ sau ngày 30/6 vừa qua, Bộ Tài nguyên và môi trường đang rà soát để cập nhật danh mục các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí thải. Điều đó có nghĩa là số lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí thải bắt buộc trong kỳ đầu tiên có thể sẽ cao hơn so với con số 1.900 doanh nghiệp như danh mục ban đầu.

Ông Khang cho biết, kiểm kê khí thải nhà kính yêu cầu phải tổng hợp rất nhiều dữ liệu, trong đó có những dữ liệu cần phải thu thập, theo dõi trong một khoảng thời gian dài. Vì vậy, thời điểm nửa cuối năm 2023 là “thời điểm vàng” để doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính cho kịp mốc đầu năm 2025.

Doanh nghiệp làm gì để kiểm kê và giảm nhẹ khí thải
Ông Trương Vĩnh Khang tham luận tại hội nghị Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp – EU CBAM và lộ trình trung hòa carbon của Việt Nam do Liên minh VISA và công ty InternLog tổ chức.

Nếu hiện tại đang là “thời điểm vàng” để kiểm kê theo lộ trình của Chính phủ thì lại là “hơi muộn” đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu sang EU và nằm trong diện của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cụ thể, từ quý I/2024, các nhà nhập khẩu vào EU sẽ bắt buộc phải kê khai cường độ khí thải trên mỗi sản phẩm của quý liền trước đó. Nhà nhập khẩu không kê khai sẽ phải đóng phạt một mức phí tương đối cao.

Tuy nhiên, muộn không có nghĩa là không cần tiến hành nữa. Thực tế cho thấy, với xu thế hiện nay, rất có thể nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc… sẽ ban hành những cơ chế tương tự như CBAM. Do đó, doanh nghiệp càng phải cấp thiết thực hiện kiểm kê cũng như triển khai kịp thời các giải pháp giảm nhẹ khí thải nhà kính nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu.

Các bước thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ khí thải nhà kính

Với kinh nghiệm đồng hành, hỗ trợ nhiều đối tác, khách hàng doanh, ông Khang đúc kết 9 bước cần phải thực hiện để kiểm kê và giảm nhẹ khí thải nhà kính.

Thứ nhất, xác định rõ yêu cầu kiểm kê và giảm phát thải đáp ứng tiêu chuẩn nào, của đơn vị nào, ví dụ như để đáp ứng cơ chế CBAM của EU hay để thực hiện lộ trình kiểm kê và giảm nhẹ khí thải nhà kính do Chính phủ đưa ra, từ đó xác định được ranh giới các nguồn phát thải cần phải kiểm kê và thực hiện giảm thiểu.

Thứ hai, xác định các nguồn phát thải. Hoạt động của doanh nghiệp thường rất phức tạp, do đó các nguồn phát thải cũng rất đa dạng, từ những nguồn trực tiếp như vận hành dây chuyền nhà máy, sử dụng đất nông nghiệp… cho đến những nguồn gián tiếp như năng lượng sử dụng, dịch vụ giao thông vận tải…

Bên cạnh các nguồn phát thải, doanh nghiệp cũng phải xác định cả những nguồn lưu trữ carbon, ví dụ như dự án trồng rừng.

Doanh nghiệp làm gì để kiểm kê và giảm nhẹ khí thải 1
9 bước kiểm kê và giảm nhẹ khí thải nhà kính của doanh nghiệp

Thứ ba, thu thập dữ liệu phát thải. Thứ tư, tính toán định lượng phát thải của doanh nghiệp dựa trên những nguồn phát thải. Thứ năm, lập báo cáo phát thải khí nhà kính, bao gồm các số liệu về lượng phát thải là bao nhiêu, ở những nguồn nào.

Thứ sáu, xác định cơ hội giảm nhẹ cường độ phát thải thông qua những giải pháp cụ thể.

Thứ bảy, thiết lập các hoạt động, dự án giảm nhẹ phát thải, bao gồm cả những hoạt động ngắn hạn, dễ thực hiện như tắt bớt điện trong văn phòng, tái sử dụng nước, nhiệt, vật liệu… và cả những hoạt động mang tính chất dài hạn như đổi mới về công nghệ, quy trình, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Thứ tám, doanh nghiệp có thể tham gia vào các dự án về giảm nhẹ khí thải, tăng cường lưu trữ carbon của một số đơn vị, tổ chức khác, ví dụ như kết hợp với các tổ chức phi chính phủ để làm các dự án trồng rừng.

Cuối cùng, đánh giá, thẩm định kết quả đạt được sau khi thực hiện và tham gia các hoạt động, dự án.

Ông Khang cho biết, các bước này sẽ được triển khai như một vòng lặp để liên tục ghi nhận, đánh giá kết quả giảm thiểu khí thải nhà kính của doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai, doanh nghiệp có thể đồng hành với một số đơn vị có chuyên môn, đơn cử như BSI, để tối ưu hiệu quả cũng như chứng thực các nỗ lực của doanh nghiệp với đối tác và khách hàng.