Doanh nghiệp Việt vì một 'Việt Nam 2045'

Quỳnh Chi - 11:04, 06/03/2021

TheLEADERSự phát triển mạnh mẽ và bền vững của cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Doanh nghiệp Việt vì một 'Việt Nam 2045'
Thương hiệu quốc gia Việt Nam thăng hạng

Vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm 2020 mà đặc biệt là trước cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ do Covid-19 gây ra, Việt Nam vẫn ghi được những dấu ấn đậm nét trong mắt cộng đồng quốc tế.

Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu của Brand Finance cho thấy năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN thăng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm vừa qua.

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỉ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới.

Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ cũng như sự năng động và nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp không chỉ trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư trong nước mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những cái tên nổi bật có thể kể đến như Viettel, Thaco, Vingroup, Tập đoàn TH…

Hướng đến thực hiện thành công kế hoạch kinh tế 5 năm tới (2021 - 2025) và mục tiêu năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân rất được Chính phủ coi trọng.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tương lai phát triển của đất nước phụ thuộc vào sự thịnh vượng của các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ khi nào đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, Việt Nam mới có thể "hoá rồng, hoá hổ".

Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước cũng được các chuyên gia kinh tế như PGS.TS Trần Đình Thiên hay GS. Trần Văn Thọ nhấn mạnh. 

Ông Thiên nói, cần phải khẳng định và tiếp tục coi nền kinh tế tư nhân là nền tảng, coi tập đoàn kinh tế tư nhân là trụ cột cho một cường quốc kinh tế tương lai, có như vậy mới đạt được mục tiêu.

Trong khi đó, ông Thọ đánh giá, phần lớn doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé. Mặc dù chiếm trên 35% GDP như năng suất còn thấp, luôn ở vị trí bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai. 

Vị giáo sư này cho rằng, trước mắt phải đẩy mạnh cải cách các thị trường vốn, đất đai, tạo điều kiện cho thành phần này chuyển dịch sang khu vực kinh tế hiện đại, có tổ chức ở quy mô lớn và kết nối với doanh nghiệp FDI.

Song, Chủ tịch VCCI lưu ý, định hướng chính sách phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn tới không phải tăng số lượng, mà nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp lớn, cỡ vừa.

Việc xây dựng một lực lượng doanh nghiệp chất lượng cao được dẫn dắt bởi đội ngũ doanh nhân trí thức có tài, có tâm và tầm đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nhân khác trên quốc tế cũng là quan điểm của chính những người làm doanh nghiệp, doanh nhân.

Còn nhớ trong cuộc đối thoại, tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra các yêu cầu cụ thể với cộng đồng doanh nhân. Một là không trông chờ, ỷ lại. Hai là cần tái cơ cấu mạnh mẽ, nâng cao quản trị để phát triển bền vững. Ba là áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để nâng cao sản xuất, cạnh tranh. Doanh nghiệp cần phải có ‘3 giữ’ là giữ lao động, giữ vững và phát triển thị trường và nhất là giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam. Những gửi gắm này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. HCM cho rằng, doanh nhân trẻ là thành phần quan trọng trong việc thực hiện khát vọng 2045, sớm đưa Việt Nam thành một nước phát triển, có thu nhập cao trên nền tảng kinh tế tri thức lấy đổi mới sáng tạo là trung tâm tạo động lực cho sự phát triển.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Trường cho rằng, môi trường kinh doanh cần được cải cách để đi vào thực chất, nâng cao chất lượng và mang lại hiệu quả thực tiễn cho doanh nghiệp và lợi ích cho quốc gia. Đồng thời, tạo ra và bảo vệ các chính sách có lợi cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhìn nhận, thách thức của Việt Nam không chỉ là việc thiếu doanh nghiệp đầu tàu mà là định vị các doanh nghiệp này, việc liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, đang tự phát triển và cạnh tranh theo kiểu “quân ta đánh quân mình”.

Theo ông Đoàn, nhà nước phải giữ vị trí tổng công trình sư, hoạch định chính sách dài hạn đối với các ngành nghề; phân định rõ vai trò của các khu vực kinh tế cũng như các cơ quan công quyền cần đi sâu vào thực tế của các doanh nghiệp để tăng cường sự thấu hiểu, có như vậy mới có chiều sâu trong chính sách.

Là một người làm khởi nghiệp đặt nhiều tâm huyết cho câu chuyện phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng hiện đại ứng dụng block chain, nhà sáng lập Biophap Tyna Hà Giang cho rằng, muốn duy trì và phát triển thương hiệu quốc gia thì yếu tố đầu tiên và kiên quyết mà các doanh nghiệp cần có là chất lượng sản phẩm đối với sức khoẻ người tiêu dùng khi sản phẩm Việt đang có mặt rộng khắp trên thế giới. Yếu tố thứ hai là sự đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, việc này đòi hỏi thay đổi tư duy cởi mở để thích nghi với các thói quen tiêu dùng hậu Covid.

Cô đề xuất, để có những kỳ lân giúp các sản phẩm tốt với giá hợp lý cho thị trường việt và mang thương hiệu việt nam đi xa, cần có chính sách như: giảm thuế giá trị gia tăng trên các sản phẩm đổi mới sáng tạo, giúp kích cung và cầu; giáo dục phổ cập chuyển đổi số cho các cấp và đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể cạnh tranh và lớn mạnh.

“Sự phát triển mạnh về tinh thần khởi nghiệp lẫn hành động thay đổi trong chuỗi cung ứng của cộng đồng sẽ giúp cho các sản phẩm độc đáo và mang tính cạnh tranh về giá”, Tyna Giang nói.

Tăng trưởng bền vững, liên tục dựa trên tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) - GS.TS Nguyễn Đức Khương, phải là trọng tâm, là kim chỉ nam của chính sách kinh tế. 

Ông cho rằng đang có cơ hội lớn để xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam, có thể là “Việt Nam - đất nước của sáng tạo” trên nền tảng một nền kinh tế tự cường, bền vững và có khả năng chống chịu cao với bất ổn từ bên ngoài.

Hai chữ bền vững được ông nhấn mạnh. Tuy nhiên ông cho rằng, tăng trưởng không phải là “diệu dược” cho tất cả vấn đề. Do đó, chất lượng cuộc sống của người dân, với các yếu tố như hạnh phúc, an toàn, sự hài lòng về thể chất và tinh thần, mới là thước đo đánh giá ý nghĩa to lớn của việc trở thành một nước phát triển.

Vào chiều ngày 6/3/2021, Thủ tướng Chính phủ sẽ có cuộc tọa đàm với đại diện doanh nghiệp, trí thức với chủ đề “Đối thoại 2045” nhằm thể hiện quyết tâm chung sức, đồng lòng hướng tới mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.